Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII: Khẳng định chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai

09:51, 18/06/2013

Hôm qua (17-6), qua thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành với quy định các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội… Tuy nhiên, có đại biểu đề nghị cần có những quy định chặt chẽ hơn để chứng minh các dự án thực sự vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng… tránh trường hợp lợi dụng quy định này để thu hồi đất.

Tán thành với quan điểm đất là tài nguyên, tư liệu sản xuất đặc biệt thuộc sở hữu toàn dân, có đại biểu  thống nhất với quan điểm thu hồi đất được quy định tại Chương 6. Tuy nhiên, đối với các trường hợp thu hồi đất có nhà và các tài sản khác gắn liền với đất ở thì Nhà nước cần phải trưng mua. Bởi vì, nhà ở và tài sản khác là tài sản của dân thì nhà nước không thể thu hồi và càng không thể coi đây là tài sản bồi thường. Vì thế, nên  quy định cụ thể trong luật Nhà nước thu hồi đất và trưng mua nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thuộc các trường hợp sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Một số đại biểu cũng cho rằng đối với tài sản gắn liền với đất như nhà ở, các công trình kiến trúc là tài sản thuộc sở hữu của người dân, không phải sở hữu Nhà nước.

Đánh giá việc bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất chính là mấu chốt dẫn đến tình trạng khiếu kiện đất đai, có đại biểu đề xuất cần sửa đổi toàn diện các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Khi tính toán bồi thường tái định cư cần quan tâm kế sinh nhai của người có đất bị thu hồi; có những quy định đặc thù áp dụng với các đối tượng như người già, người hết tuổi lao động. Theo đó, đề nghị nghiên cứu áp dụng cơ chế công bằng: đất đổi đất, nhà đổi nhà; người dân không phải bỏ thêm tiền, đồng thời nhà nước hỗ trợ thêm kinh phí để người dân sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới; nâng mức hỗ trợ cho nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp, bắt buộc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người nông dân sau khi thu hồi đất.

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 37) có ý kiến đề nghị cân nhắc, xem xét việc kéo dài kỳ quy hoạch, kỳ kế hoạch để phù hợp với các dự án bất động sản có thời hạn sử dụng đất thông thường từ 50 năm trở lên. Một số đại biểu cho rằng, thực tế hiện nay quy định về thời gian quy hoạch và thời gian giao đất còn mẫu thuẫn, gây khó khăn trong thực hiện. Theo các đại biểu, dự thảo quy định trong thời gian giao đất, các doanh nghiệp phải di dời cơ sở sản xuất do có thay đổi quy hoạch sẽ gây khó khăn và thiệt hại, mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này sẽ dẫn đến tâm lý doanh nghiệp lo ngại, không muốn đầu tư dài hạn. Vỉ thế, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu sửa lại quy hoạch cho phù hợp với thời hạn giao đất, cho thuê đất.

Liên quan đến vấn đề thành lập Quỹ phát triển đất quy định trong Dự thảo Luật, nhiều ý kiến cho rằng quy định nguồn tài chính để hình thành quỹ phát triển đất được trích từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, huy động từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật và được sử dụng vào bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là chưa phù hợp vì quỹ phát triển đất chỉ thực hiện ứng vốn cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và hoạt động theo nguyên tắc bảo toàn vốn cho quỹ…

                                                                           Q.A (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc