Multimedia Đọc Báo in

Nhớ lời Bác dặn trước lúc đi xa

08:55, 01/09/2015

Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cõi vĩnh hằng. Từ giã chúng ta, Người để lại một bản Di chúc thiêng liêng, bất hủ. Đó là bản tổng kết cô đọng về cuộc đời trọn vẹn của một con người trọn vẹn - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Đó là văn kiện lịch sử vô giá, làm nổi bật những tư tưởng cơ bản, cốt cách, tâm hồn cao đẹp và đạo đức vô cùng trong sáng của Người. Đó là những định hướng mang tính cương lĩnh cho sự phát triển của đất nước sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi. Đó là những lời dặn dò tâm huyết, sâu sắc, hệ trọng với Đảng và nhân dân ta để đi tới thắng lợi hoàn toàn của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Bác Hồ đến thăm Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Người nhắc nhở công nhân, cán bộphát huy truyền thống cách mạng của nhà máy, ra sức xây dựng miền Bắc, ủng hộ miền Nam.                                                                                                                           (Nguồn: bqllang.gov.vn)
Bác Hồ đến thăm Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Người nhắc nhở công nhân, cán bộphát huy truyền thống cách mạng của nhà máy, ra sức xây dựng miền Bắc, ủng hộ miền Nam. (Nguồn: bqllang.gov.vn)

Di chúc của Bác đã thực sự tác động mạnh mẽ, lâu dài đến sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta từ khi Người đã đi xa. Di chúc của Người vẫn soi sáng công cuộc đổi mới hiện nay và có giá trị trường tồn trên con đường đi lên của đất nước.

Trong nhận thức và hoạt động cách mạng, Người đã xác định: Cách mạng Việt Nam “trước hết phải có Đảng cách mệnh”,”Đảng có vững, cách mệnh mới thành công”. Với Người, công tác xây dựng, chỉnh  đốn Đảng là nhiệm vụ mang tính chiến lược, là công việc thường xuyên của Đảng để thực hiện vai trò lãnh đạo cách mạng của mình, là sự vận động của Đảng trong tiến trình phát triển của cách mạng. Chính vì vậy, trong Di chúc, “việc cần phải làm trước tiên”, Bác dạy: “Chỉnh đốn lại Đảng làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”(1). Chỉnh đốn Đảng nhằm mục tiêu trực tiếp là làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh và mục tiêu xa hơn có tính quyết định là làm cho Đảng xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đảng thành lập, tồn tại và phát triển không phải vì chính bản thân nó, mà vì cách mạng, vì nhân dân, vì Tổ quốc.

Nói về Đảng, trước hết, Người khẳng định: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(2).

Sự đoàn kết trong Đảng, theo Người, là sự đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Sự đoàn kết được thực hiện trên cơ sở đường lối, chính sách và theo những nguyên tắc tổ chức của Đảng. Đoàn kết phải trên cơ sở giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, phải thường xuyên tự phê bình và phê bình để cùng nhau tiến bộ, để sự đoàn kết trong Đảng ngày càng được củng cố và tăng cường.

Bác Hồ đến thăm Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Người nhắc nhở công nhân, cán bộphát huy truyền thống cách mạng của nhà máy, ra sức xây dựng miền Bắc, ủng hộ miền Nam.                                                                                                                           (Nguồn: bqllang.gov.vn)
Bác Hồ đến thăm Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Người nhắc nhở công nhân, cán bộ phát huy truyền thống cách mạng của nhà máy, ra sức xây dựng miền Bắc, ủng hộ miền Nam. (Nguồn: bqllang.gov.vn)

Với Người, tự phê bình và phê bình phải đặt trên cơ sở “thực hiện dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình…”(3). Người còn nhấn mạnh: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(4). Phê bình và tự phê bình phải có lý, có tình; phê bình một cách chân thành, thẳng thắn, trung thực giữa những người cùng phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng chung.

Người luôn nhắc nhở mọi đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Trong Di chúc, Người viết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(5).

 “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” theo Bác Hồ là phẩm chất cần phải có đối với mỗi đảng viên của Đảng. Phẩm chất đó phải được thể hiện qua hoạt động thực tiễn, trong công tác cũng như đời tư, trong sinh hoạt.

Nói về nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(6).

Nếu chỉnh đốn Đảng là việc trước tiên đối với Đảng, thì công việc đối với con người là công việc đầu tiên mà Đảng phải quan tâm. Di chúc đã nêu rõ: “Đầu tiên là công việc đối với con người”(7), trong đó Bác đề ra những chính sách cụ thể đối với từng đối tượng. Vấn đề quyền con người trong Di chúc của Bác đã thể hiện sâu sắc chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh ngoài mục tiêu giải phóng con người khỏi áp bức dân tộc, áp bức giai cấp, giành tự do, bình đẳng và quyền mưu cầu hạnh phúc, còn mang ý nghĩa nhân đạo bao hàm những nội dung như tôn trọng con người, quan tâm đến con người và thương yêu con người.

Đối với cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong, “…phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh… Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu,…phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”(8).

Đối với phụ nữ đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và sản xuất, “phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”(9).

Đối với đoàn viên và thanh niên đã hăng hái, không ngại khó khăn trong kháng chiến chống ngoại xâm, xây dựng đất nước, lại có chí tiến thủ, “phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”(10).

“Là một người suốt đời phục vụ cách mạng”, Người còn là một nhà hoạt động quốc tế lỗi lạc. Trước sự bất hòa xảy ra giữa các Đảng anh em, Người căn dặn Đảng ta phải “ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các Đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình”(11).

Người đã kết thúc bản Di chúc bằng điều mong muốn cuối cùng là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(12).

Thực hiện Di chúc của Người, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Hơn 30 năm qua, biết bao đổi thay to lớn đã diễn ra trên đất nước ta. Những thành tựu mà nhân dân ta đã đạt được trong sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo có ý nghĩa rất quan trọng.

Tiếp  tục thực hiện trọn vẹn những lời dặn của Người trước lúc đi xa là ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, là mệnh lệnh của trái  tim cháy bỏng dòng máu cách mạng khi chúng ta hướng về Người và hành động theo gương sáng của Người.

Nguyễn Xuyến

 

(1)(7)(8) Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB CTQG - 1996 - T 12 - tr 503.

(2)(3)(4)(5)(10) Sđd - tr 510.

(6)(11) Sđd - tr 511.

(9) Sđd - tr 504.

(12) Sđd - tr 512.


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.