Multimedia Đọc Báo in

Bác Hồ - người vun đắp tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào

09:57, 28/12/2016
Trong 85 năm qua, kể từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm vun đắp, dựng xây và được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước tiếp tục phát huy.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng có những câu thơ đúc kết một cách cô đọng mối tình đoàn kết hữu nghị Việt – Lào: “Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/ Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Vào năm 1937, sau khi nhận tấm bằng kỹ sư cầu đường tại Pháp, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông đã xin về Việt Nam làm việc tại Sở Công chính Trung Kỳ. Lý do xin về Việt Nam được chính Hoàng thân tâm sự với người thân là do lòng ngưỡng mộ đối với Nguyễn Ái Quốc, người thanh niên Việt Nam yêu nước và có chí lớn. Công tác ở Việt Nam cho đến ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công thì Hoàng thân nhận được bức điện của anh trai là Hoàng thân Phết-xa-rạt yêu cầu ông về Lào để tham gia Chính phủ Cách mạng. Cùng lúc Hoàng thân Xu-pha-nu-vông lại được Bác Hồ đề nghị đi cùng Bộ trưởng Lê Văn Hiến ra Hà Nội làm việc. Tại Hà Nội, Hoàng thân đã vinh dự được gặp Bác Hồ ngay trong những ngày tháng 9 lịch sử. Cuộc gặp đã để lại trong lòng Hoàng thân Xu-pha-nu-vông những kỷ niệm không bao giờ phai mờ. Bác Hồ đã ân cần thăm hỏi sức khỏe của Hoàng thân, cảm ơn Hoàng thân về những đóng góp đối với Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng và khuyên Hoàng thân sớm thu xếp về Lào để tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các bộ tộc Lào. Hoàng thân Xu-pha-nu-vông nhớ mãi và mang theo trong hành trang vào cuộc chiến cho độc lập tự do của nước mình câu nói của Hồ Chủ tịch: “Cách mạng Lào đang rất cần những người trí thức như Hoàng thân”. Hoàng thân Xu-pha-nu-vông trở về Lào với một đơn vị quân tình nguyện hộ tống do Bác cử đi với chỉ thị bảo đảm an toàn tuyệt đối. Về nước, ông tham gia Mặt trận Lào Ít-xa-la lãnh đạo các bộ tộc Lào đoàn kết gắn bó cùng Việt Nam tiến hành cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ cho đến ngày giải phóng hoàn toàn đất nước, thành lập nên Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào tháng 12-1975.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Hoàng thân Xu-văn-na Phu-ma, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Lào  và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, Chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước. (Ảnh: tgvn.com.vn)
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Hoàng thân Xu-văn-na Phu-ma, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Lào và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, Chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước. (Ảnh: tgvn.com.vn)

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng sau này của mình, trên cương vị mới, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông đã nhiều lần chính thức sang thăm Việt Nam. Những lần như thế, dù bận trăm công ngàn chuyện, nhưng Bác Hồ luôn dành thời gian đón Hoàng thân đến tiếp kiến hoặc Bác trực tiếp đến thăm Hoàng thân cùng gia đình. Các cuộc gặp của Bác và Hoàng thân thường không dài nhưng luôn để lại trong lòng Hoàng thân những kỷ niệm đẹp. Những năm cuối đời, Hoàng thân thường kể cho con cháu nghe những kỷ niệm mà ông vẫn lưu giữ trong từng cuộc gặp với Bác Hồ. Cũng lúc sinh thời, đồng chí Vũ Kỳ (thư ký của Bác) kể lại rằng, Bác luôn dành những tình cảm đặc biệt cho những người bạn Lào nói chung và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông nói riêng. Bác luôn nhắc nhở cán bộ giúp việc: “Phải hết sức chu đáo và chân tình đối với các bạn Lào. Mình có thể thiếu, nhưng không để các bạn thiếu”. Năm 1969, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông lại được Bác tiếp đón mà không ngờ rằng, đây là lần gặp gỡ cuối cùng của mình với Người. Lần đó, Bác đến tận nơi nghỉ của Hoàng thân, tặng hoa và ôm hôn Hoàng thân rất lâu. Bác hỏi thăm và nhắc tên từng người trong gia đình Hoàng thân. Trong câu chuyện thân tình và cởi mở, dù biết Cách mạng Lào đang gặp nhiều khó khăn, nhưng Bác vẫn khẳng định: Cách mạng Lào, Cách mạng Việt Nam nhất định sẽ đi đến thắng lợi cuối cùng. Cả hai dân tộc Việt - Lào đều có chung niềm tin vào ngày thắng lợi đó.

Ông Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trung ương Lào, cũng luôn nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh với một tình cảm đặc biệt. Khi Việt Nam và Lào vừa bước vào thời kỳ đổi mới, có người gợi ý thay cụm từ “đoàn kết đặc biệt Việt – Lào” bằng cụm từ “đoàn kết truyền thống” như với một số nước khác. Nhưng để chuẩn bị nội dung văn kiện cho cuộc hội đàm hằng năm giữa hai Đảng (năm 1987), ông Cay-xỏn khẳng định: “Văn bản tham luận của phía Lào lần này phải nêu rõ quan điểm của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tiếp tục bảo vệ và tăng cường quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Lào - Việt trong giai đoạn mới, với nội dung: vừa đấu tranh chống mọi khuynh hướng sô-vanh muốn xóa bỏ hoặc cắt xén quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai nước vừa bổ sung, cải tiến xây dựng cơ chế, phương thức hợp tác phù hợp trong giai đoạn mới nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của quan hệ đoàn kết hợp tác đặc biệt này”. Ông Cay-xỏn hỏi: “Các đồng chí có biết danh từ “đoàn kết đặc biệt” do đâu mà có và có từ bao giờ không? Nó đặc biệt ở nội dung gì không?”. Không đợi câu trả lời, ông nói tiếp: “Chữ đặc biệt không phải do tôi hay ai khác nghĩ ra mà chính là Bác Hồ nghĩ ra đó. Tôi còn nhớ dịp Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ III tôi sang Việt Nam làm việc với Bác, khi thảo luận về mối quan hệ hai Đảng, hai Nhà nước, Bác lấy ngón tay trỏ gõ gõ lên trán rồi nói: “Quan hệ Việt - Lào, Lào - Việt thật không có từ gì để diễn tả được vì sự đoàn kết gắn bó thân thiết không giống bất cứ nước nào. Được như thế là rất đặc biệt, đúng rồi, phải gọi là quan hệ đặc biệt”. Ngay từ những năm 40 của thế kỷ 20 Bác Hồ đã khái quát quy luật tồn tại và phát triển của các nước ở Đông Dương bằng câu nói giản dị là: “Việt Nam có độc lập thì Lào, Miên mới có độc lập; Lào, Miên có độc lập thì độc lập của Việt Nam mới được đảm bảo bền vững”. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ lại nói: “Kháng chiến của Việt Nam, Miên, Lào là chung của chúng ta, là bổn phận của chúng ta, Việt Nam kháng chiến có thành công thì kháng chiến Miên, Lào mới thắng lợi; và kháng chiến Miên, Lào có thắng lợi thì kháng chiến Việt Nam mới hoàn toàn thắng lợi”. Bác còn dặn dò cán bộ, bộ đội tình nguyện Việt Nam sang giúp bạn Lào rằng: “Sự thật thì chưa tìm ra chữ gì để thay chữ giúp nên dùng chữ giúp. Thực ra không phải là giúp mà là làm một nhiệm vụ quốc tế”, “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, “phải nêu cao tinh thần quốc tế, tôn trọng chủ quyền, tôn trọng phong tục tập quán, kính yêu nhân dân bạn”. 

Ngày nay, quan hệ chính trị giữa hai nước Việt – Lào đã và đang phát triển trên một nền tảng sâu rộng và vững chắc. Đặc biệt trong những năm gần đây, hợp tác về kinh tế song phương không ngừng được phát triển, góp phần đưa nền kinh tế mỗi nước liên tục tăng trưởng, bảo đảm giữ vững ổn định an ninh chính trị và từng bước hội nhập kinh tế quốc tế. Tin rằng, mối quan hệ đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt-Lào sẽ không ngừng đơm hoa kết trái vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Nguyễn Thị Thọ


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.