Multimedia Đọc Báo in

Học tập Bác là phương châm sống và làm việc

10:50, 26/05/2017

Gắn bó với Đội công tác phát động quần chúng chuyên trách tỉnh (gọi tắt là Đội công tác 253) từ khi mới thành lập năm 2004 và làm Bí thư Chi bộ của Đội từ năm 2008, đồng chí Phạm Văn Hồng luôn suy nghĩ học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác là phương châm sống và làm việc của mình.

Trên cương vị là Bí thư Chi bộ, trực tiếp phụ trách Đội công tác 253 tỉnh (gồm 30 người), đồng chí Phạm Văn Hồng luôn tâm niệm: “Bản thân phải gương mẫu, “miệng nói tay làm”, quy tụ sự đoàn kết trong chi bộ, sự đồng thuận cao của nhân dân trong mỗi đợt phát động”. Trong nhiệm vụ chuyên môn, mặc dù ở cương vị quản lý, nhưng ông không ngại khó, ngại khổ cùng với các thành viên trong Đội công tác 253 thực hiện phương châm “4 cùng - 4 bám” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào; bám địa bàn, bám cấp ủy chính quyền, bám dân, bám đối tượng), xuống từng địa bàn thôn, buôn của 15 huyện, thị xã, thành phố, phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương làm công tác vận động quần chúng. Theo đồng chí Hồng: “Có như vậy thì mới hiểu được dân, mới đưa được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với dân, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…”.

Bí thư Chi bộ Đội công tác 253 tỉnh Phạm Văn Hồng (thứ 5 từ phải sang) tặng quà các  gia đình khó khăn tại thôn Ea Rớt, xã Cư Pui (huyện Krông Bông).
Bí thư Chi bộ Đội công tác 253 tỉnh Phạm Văn Hồng (thứ 5 từ phải sang) tặng quà các gia đình khó khăn tại thôn Ea Rớt, xã Cư Pui (huyện Krông Bông).

 Mỗi năm, Đội công tác 253 tỉnh triển khai 5-6 đợt phát động quần chúng tại các địa phương, chưa kể các đợt phát động đột xuất. Qua đó đã phát hiện, cung cấp nhiều thông tin chính xác cho cơ quan an ninh đấu tranh, khai thác, bóc gỡ, vô hiệu hóa nhiều đối tượng phản động. Ngoài ra, Đội còn tích cực tham gia vận động, tuyên truyền, tham mưu xử lý, giải quyết các “điểm nóng” về gây rối an ninh trật tự, xâm phạm, lấn chiếm đất rừng trái phép; phối hợp với các địa phương, đơn vị tham gia giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động tôn giáo trái phép, đấu tranh xóa bỏ các tà đạo…

Đồng chí Phạm Văn Hồng nhớ lại: Năm 2008, tại địa bàn xã Ea Đăh (huyện Krông Năng) đã xảy ra “điểm nóng” về tình hình an ninh trật tự. Có khoảng 2.000 người dân tộc thiểu số tại chỗ đã kéo vào rừng phòng hộ để xâm canh, lấn chiếm trái phép. Đồng chí Hồng đã chỉ huy Đội công tác 253 tỉnh, huyện và cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương nhiều tháng ròng rã vào từng lán trại của người dân trong rừng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, từng bước tuyên truyền, vận động bà con. Qua nhiều tháng kiên trì, đến cuối năm 2009 người dân mới dần trở về lại buôn làng.

Với sự nỗ lực đóng góp của bản thân, đồng chí Phạm Văn Hồng đã được Tỉnh ủy tặng Bằng khen, Ban Dân vận Tỉnh ủy tặng Giấy khen về thành tích xuất sắc trong công tác vận động quần chúng trong nhiều năm liền. Năm 2015, đồng chí được Đảng ủy khối Các cơ quan tỉnh tuyên dương là Bí thư Chi bộ giỏi trong 5 năm liền (2011-2015).  

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc