Multimedia Đọc Báo in

Huyền thoại Gạc Ma và khúc tưởng niệm tháng Ba

14:01, 27/03/2019

Hơn 31 năm đã trôi qua, 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh anh dũng chiến đấu để bảo vệ vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao; các anh vẫn sống mãi trong tim người dân Việt Nam…

Hồi ức từ người “giỗ sống”

Thiếu úy Trần Thiên Phụng là một trong 9 chiến sĩ được coi là hy sinh trong sự kiện “Trường Sa - 88”. Trước khi ông trở về sau thời gian bị giam cầm ở nhà tù Trung Quốc, người thân trong gia đình đều lấy ngày 14-3 làm ngày giỗ của anh.

Đến thăm Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” ở bán đảo Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), ông Phụng rưng rưng nhớ lại những câu chuyện chiến đấu trong sự kiện Gạc Ma ngày ấy. Ông tâm sự: “Hơn 1/3 thế kỷ đã trôi qua, thời gian có thể xóa nhòa hoặc làm cho người ta quên nhiều thứ, song tôi không bao giờ quên những ngày tháng ấy”.

Đầu tháng 3-1988, sau khi chiếm giữ trái phép 5 đảo thuộc quần đảo Trường Sa (gồm các đảo Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven và Xu Bi) của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục thực hiện ý đồ chiếm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao với mục đích kiểm soát cả khu vực cụm đảo Sinh Tồn. Trung Quốc đã huy động lực lượng của hai hạm đội đến khu vực quần đảo Trường Sa với 9-12 tàu chiến, 2 tàu hộ vệ pháo, hai tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải LSM, tàu đo đạc và một pôngtông lớn để hỗ trợ.

Lễ tưởng niệm các liệt sỹ Trường Sa.
Lễ tưởng niệm các liệt sỹ Trường Sa.

Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam lệnh cho cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng chiến đấu. Ngày 12-3-1988, tàu HQ 605 (Lữ đoàn 125) do đồng chí Lê Lệnh Sơn làm thuyền trưởng được lệnh từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao. Sau 29 giờ hành quân khẩn trương, tàu đã đến đảo và cắm cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam vào lúc 5 giờ ngày 14-3-1988. Cựu binh Trần Thiên Phụng bồi hồi kể lại: “Trước đó, ngày 11-3-1988, chúng tôi xuất phát từ Cam Ranh. Đến chiều tối 13-3, tàu đến sát bãi Gạc Ma. Khi tàu HQ-604 vừa thả neo, phía địch đã cho tàu quần thảo xung quanh, bắc loa kêu gọi tàu ta phải nhổ neo. Trung tá Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 (người chỉ huy cao nhất ở khu vực này) kêu gọi anh em bình tĩnh, tổ chức cắm cờ khẳng định chủ quyền của Việt Nam, hạ xuồng vận chuyển vật liệu xây dựng lên đảo. Nhóm cắm cờ do tôi dẫn đầu đã hoàn thành việc cắm cờ ngay trong đêm”.

Khoảng 6 giờ sáng ngày 14-3-1988, phía Trung Quốc cho xuồng nhỏ áp sát bãi Gạc Ma, lính Trung Quốc lăm le vũ khí tiến vào đảo yêu cầu quân ta hạ cờ. “Trước tình thế nguy cấp, Trung tá Trần Đức Thông ra lệnh anh em bơi vào đảo để hỗ trợ nhóm Thiếu úy Phương giữ cờ. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh và 3 chiến sĩ khác lập tức nhảy khỏi tàu HQ-604 bơi vào đảo Gạc Ma. Lúc đó có 9 người trên đảo. Anh em cầm tay nhau kết thành vòng tròn bất tử. Phía trước đối mặt với quân thù, sau lưng là cờ Tổ quốc. “Lúc đó lính Trung Quốc rất đông. Chúng lăm lăm súng AK, giương lê lên sáng quắc hăm dọa. Chúng tôi lúc đó không có vũ khí gì ngoài cuốc chim công binh và xà beng đào san hô” – ông Phụng nhớ lại.

Ngay sau khi quân Trung Quốc nã đạn pháo vào đảo Gạc Ma và tàu HQ-604 khiến tàu chìm, ông Phụng và nhiều đồng đội khác đã bơi ra khỏi tàu. “Tôi víu được một thanh gỗ bám vào đó. Tàu Trung Quốc thả xuồng vây xung quanh. Có đồng đội định bám vào mạn tàu để không đuối nước, liền bị lính Trung Quốc đứng trên tàu xỉa lao xuống. Sau đó chúng tôi bị chúng bắt. Chúng chĩa súng vào đầu tôi và ra hiệu đầu hàng. Tôi trừng mắt nhìn thẳng vào mắt chúng quát “Đất nước chúng tôi không bao giờ dạy người lính đầu hàng trước mũi súng quân thù”. Bọn chúng bắt 9 anh em chúng tôi đưa về tàu rồi đưa về Hải Nam”, ông Phụng hồi tưởng lại.

Gần 7 tháng sau, đơn vị gửi giấy báo tử cho gia đình ông Phụng. Đến ngày 2-9-1991, Trung Quốc trao trả 9 “tù binh” tại cửa khẩu Hữu Nghị ở Lạng Sơn, ông Phụng mới được đoàn tụ với gia đình.

“Bây giờ tôi khỏe rồi. Các con đều đã lớn cả. Kinh tế gia đình cũng tạm ổn. Những khi thời tiết thay đổi, vết thương trên đầu và vai luôn đau buốt nhưng nghĩ về những ngày ấy, tôi luôn cảm thấy tự hào”, ông Phụng “khoe” oang oang như nói với những đồng đội đang nằm dưới mộ gió khu Tượng đài Gạc Ma.

Khúc tưởng niệm tháng Ba

Trong hải trình đi thăm cán bộ, chiến sĩ Trường Sa đầu tháng Ba, đoàn công tác chúng tôi đến vùng biển, đảo Cô Lin, Gạc Ma làm lễ tưởng niệm các liệt sỹ. Chẳng ai bảo ai, tự trong trái tim mỗi người dâng tràn xúc động.

Ông Trần Thiên Phụng trong lễ khánh thành khu Tưởng niệm “Những người nằm lại phía chân trời” tại Cam Ranh, Khánh Hòa.
Ông Trần Thiên Phụng trong lễ khánh thành khu Tưởng niệm “Những người nằm lại phía chân trời” tại Cam Ranh, Khánh Hòa.

Giữa biển trời Tổ quốc, mùi khói hương nghi ngút, tiếng nhạc thiết tha. Chúng tôi xếp thành hàng lặng lẽ trên boong tàu. Trong cơn giông cuối chiều, tiếng trưởng đoàn công tác thăm thẳm sâu quyện vào sóng nước. “Đảo Trường Sa là của Việt Nam, là linh hồn Tổ quốc Việt Nam. Nơi đây, bao người con ưu tú của Tổ quốc đã chiến đấu anh dũng, hy sinh, giành giật từng tấc đảo và bảo vệ những phiến đá kiến tạo qua hàng nghìn năm lịch sử được cha ông ta giữ gìn từ lâu đời. Không để kẻ thù cướp đảo thân yêu, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh đã giằng co quyết liệt, cắm cờ Tổ quốc lên đảo để khẳng định cột mốc chủ quyền. Lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân thêm một lần nữa lại tô thắm máu đào của 64 liệt sỹ. Tiếng nói của Anh hùng Liệt sỹ Trần Văn Phương sẽ mãi khắc sâu trong tâm khảm của triệu triệu người dân Việt Nam, từ thế hệ này qua thế hệ khác: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của quân chủng Hải quân”. Tiếng nói ấy không chỉ thể hiện khí phách anh hùng, mà còn là tư thế của người làm chủ thực sự biển đảo dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đó là một tuyên ngôn bất tử về Trường Sa - tuyên ngôn của thế hệ trẻ hôm nay không sợ hy sinh gian khổ, quyết đem cả tính mạng của mình bảo vệ từng tấc đất, sải sóng thiêng liêng của Tổ quốc. Các anh đã gác lại bao ước mơ hoài bão và dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ những cột mốc tiền tiêu. Máu các anh lẫn vào biển xanh, xương của các anh đã thấm vào lòng đảo, tên các anh được đời đời thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ”.

Tràng hoa tưởng niệm thả xuống lòng biển mẹ hôm nay là khúc tưởng niệm tháng Ba viếng các anh hùng liệt sỹ. Khúc tưởng niệm ấy có cả bi thương chen lẫn tự hào; có cả niềm đau chen lẫn giọt nước mắt. Nhưng trên tất cả là nghĩa cử tri ân và lòng ghi ơn tạc dạ của triệu triệu người dân Việt Nam đối với các liệt sỹ.

Mai Thắng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.