Multimedia Đọc Báo in

Mỹ phẩm Việt lấy lại thị trường bình dân

05:53, 10/07/2012

Nếu như trước đây, mỹ phẩm ngoại chiếm thế thượng phong, được nhiều người tiêu dùng (NTD) ưu tiên chọn mua, thì gần đây, sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước đang dần phổ biến và lấy lại niềm tin với NTD.

Thị trường bình dân

Một thời, mỹ phẩm ngoại lấn ưu thế tại các chợ truyền thống ở cả thành thị và nông thôn, thì nay NTD đã có xu hướng quay sang dùng các dòng sản phẩm sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp Việt đã chiếm được lòng tin của NTD bằng việc cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm chất lượng - an toàn - giá cả lại phải chăng. Trong cuộc cạnh tranh thị phần với các hàng Trung Quốc giá rẻ, thị trường mỹ phẩm Việt tỏ ra ưu trội hơn hẳn và chinh phục được cảm tình của NTD. Tại chợ tạm, chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột luôn đầy ắp mỹ phẩm, sữa tắm, sữa rửa mặt, kem dưỡng da… mang nhãn hiệu hàng Việt. Điều đáng mừng là hầu hết các thương hiệu trong nước có tên tuổi như Việt Hương, Lana, Thorakao… xuất hiện ngày càng nhiều. Một tiểu thương bán mỹ phẩm tại chợ tạm Buôn Ma Thuột cho hay: ưu điểm của các sản phẩm trong nước là đa dạng và phù hợp với túi tiền, nhu cầu riêng biệt của từng khách hàng. Hơn nữa, mẫu mã và hình dáng bên ngoài cũng hấp dẫn hơn trước rất nhiều nên khiến nhiều khách hàng khó tính phải thay đổi thói quen dùng hàng ngoại. Trong số đó, các sản phẩm dưỡng da của Thorakao, sữa tắm của Familiar, E100, nước hoa hồng Lana tỏ ra vượt trội hơn hẳn. Giá cả bình dân (chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn/sản phẩm) và chất lượng chính là hai yếu tố giúp các hãng mỹ phẩm này bán chạy hàng hơn cả. Chị T, chủ sạp mỹ phẩm tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho biết: khoảng 5 năm về trước, trong gian hàng của chị có các sản phẩm ngoại nhập từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… luôn chiếm nhiều diện tích và được chọn trưng bày ở vị trí đẹp nhất. Song, gần đây hàng Việt đã được thay thế và phổ biến với khách hàng; nhất là sau hàng loạt vụ bê bối về chất lượng hàng hóa của Trung Quốc, nhiều người tỏ ra e ngại và có xu hướng ưu tiên lựa chọn hàng trong nước sản xuất.

Mỹ phẩm do các DN sản xuất trong nước  trở nên phổ biến  và chiếm được cảm tình  của nhiều người tiêu dùng.
Mỹ phẩm do các DN sản xuất trong nước trở nên phổ biến và chiếm được cảm tình của nhiều người tiêu dùng.

Không chỉ tại các chợ truyền thống, mà tại các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, mỹ phẩm việt đều hiện diện phong phú hơn. Trung tâm thương mại Vinatex, Co.opMart Buôn Ma Thuột có đến trên 90% là sản phẩm trong nước, trong đó các dòng mỹ phẩm “made in Việt Nam” như Titione, Thorakao, Tulip… chiếm nhiều diện tích trưng bày trên các kệ hàng với đủ chủng loại, bao gồm cả sữa tắm, sữa rửa mặt, dưỡng thể, kem trắng da.

Phát huy lợi thế cạnh tranh

Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của NTD, nhiều DN Việt không ngừng chú trọng đến nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và tung ra thị trường bộ sản phẩm đủ chủng loại để NTD có thêm lựa chọn, từ sữa tắm, phấn trang điểm đến kem dưỡng da toàn thân… Gần đây, các hãng mỹ phẩm trong nước cũng đã  đổi mới công nghệ, mẫu mã, cho ra đời các sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên như: sữa tắm, mặt nạ dưỡng da chiết xuất từ rong biển, bồ kết, nha đam có tính năng, công dụng phù hợp với làn da và nhu cầu của phụ nữ Việt Nam. Không chỉ vậy, trên thực tế, để nỗ lực tìm kiếm thị phần trong cuộc chạy đua cạnh tranh với hàng ngoại gay gắt như hiện nay, nhiều DN sản xuất mỹ phẩm trong nước đã tìm hướng đi riêng bằng cách hướng tới thị trường bình dân và NTD có thu nhập thấp. Ông Nguyễn Tuấn Sang, Phụ trách Marketing của Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo (hiệu Thorakao) cho biết: để cạnh tranh với các công ty mỹ phẩm ngoại, Lan Hảo đã chủ động tìm hướng đi riêng, trong đó tập trung vào phân khúc người tiêu dùng có thu nhập thấp, thị trường nông thôn. Cũng như Thorakao, các nhãn hiệu khác như Lana, E100, hay Familiar cũng chọn thị trường nông thôn làm điểm đến; đồng thời  thông qua các hội chợ hàng Việt để quảng bá hình ảnh. Với hướng đi này, các DN Việt bước đầu đã gặt hái được những kết quả nhất định.

Lợi thế về giá thấp phát huy rõ nhất là tại các chợ, quầy hàng bán lẻ ở các vùng nông thôn trong tỉnh, và mỹ phẩm Việt trở thành lựa chọn yêu thích của nhiều chị em. Chị Sương (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar), một khách hàng thường xuyên dùng mỹ phẩm cho hay: “Tôi sử dụng các sản phẩm dầu gội Thái Dương, kem nghệ của Thorakao đã vài năm nay và đã giới thiệu cho nhiều bạn bè dùng. Các sản phẩm này giá cả không đắt nên phù hợp với những người có thu nhập trung bình như chúng tôi; hơn nữa, chất lượng khá ổn định, mẫu mã được thay đổi đẹp mắt, có nguồn gốc rõ ràng nên thấy yên  tâm hơn”.

Tuy nhiên, theo nhiều tiểu thương bán lẻ: để mỹ phẩm Việt “sống khỏe” hơn tại các thị trường bình dân và không thua thiệt với hàng ngoại thì các DN trong nước cần chú trọng hơn đến việc đầu tư, chăm chút cho mẫu mã và trong xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, kênh phân phối cũng cần có chế độ chiết khấu phù hợp bởi các sản phẩm trong nước thường chiết khấu thấp hơn nhiều so với hàng nhập ngoại.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc