Multimedia Đọc Báo in

Hạn hán bất thường, hàng nghìn ha cây trồng mất trắng

06:05, 13/08/2012

Tây Nguyên đã bước vào giữa mùa mưa từ lâu, tuy nhiên tại nhiều huyện của tỉnh lượng mưa rất ít, thậm chí không có mưa gây hạn cục bộ kéo dài 2-3 tháng nay, khiến hàng chục nghìn ha cây trồng bị mất trắng, thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng. Theo dự báo thời tiết thời gian tới tiếp tục diễn biến khó lường, khiến ngành Nông nghiệp không khỏi lo lắng.

Hạn hán giữa mùa mưa

Khoảng vào cuối tháng 3, khi đang ở cao điểm mùa khô, vựa lúa của tỉnh là huyện Lak lại bất ngờ xảy ra lũ tiểu mãn làm ngập lụt trên 1.300 ha lúa  đông xuân của 3 xã Dak Liêng, Buôn Triết, Buôn Tría đang kỳ ngậm sữa, khiến gần 3.000 hộ dân trắng tay.

Hàng nghìn ha ngô tại huyện Krông Bông bị mất mùa do hạn.
Hàng nghìn ha ngô tại huyện Krông Bông bị mất mùa do hạn.

Thời điểm này, đang vào giữa mùa mưa, lại đến lượt hàng nghìn hộ dân các huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp phải gồng mình chống hạn. Tại huyện Ea Kar, tính đến đầu tháng 8, đã có 4.449/8.500 ha ngô, 1.000/5.100ha lúa bị khô hạn. Trong đó, diện tích ngô bị mất trắng lên đến gần 2.000 ha, và dự báo của ngành Nông nghiệp địa phương sẽ có trên 3.000 ha khác bị sụt giảm khoảng 30-50% năng suất. Đối với cây lúa, hiện đã có trên 1.000 ha bị hạn, gần 300 ha  bị mất trắng. Ông Nguyễn Văn Hà - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PNT) huyện Ea Kar cho biết, liên tục 4 tháng qua, trên địa bàn không có mưa, nếu có thì cũng chỉ là những cơn mưa rất nhỏ với thời gian rất ngắn. Riêng trong 2 tháng 6 và 7, là cao điểm mùa mưa nhưng lượng mưa đo được chỉ 60-100mm, thấp nhất từ trước đến nay.  “Địa phương đã vận dụng mọi biện pháp có thể để cứu vãn các diện tích cây nông nghiệp đang “ngắc ngoải”, tuy  nhiên tình hình rất căng thẳng bởi lượng nước tại các sông suối trên địa bàn cũng đang trong tình trạng cạn kiệt, nhiều nơi chỉ còn biết ngửa mặt… trông trời” – ông Hà cho biết.

Còn tại huyện Krông Bông, ông Phạm Phú Thiên - Trưởng Phòng NN-PTNT phản ánh, đã 3 tháng nay trên địa bàn vẫn chưa có mưa và tính đến thời điểm này đã có khoảng 8.000 ha cây trồng thiếu nước, trong đó diện tích mất trắng lên đến gần 3.000 ha, phân nửa diện tích còn lại sẽ bị sụt giảm từ 30-50% năng suất. Tính sơ sơ, người nông dân đã bị hạn hán “đốt cháy” gần 100 tỷ đồng. Cũng theo ông Thiên, mặc dù huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn thậm chí hỗ trợ người dân dầu để bơm nước chống hạn, sử dụng mọi nguồn nước từ sông suối, ao hồ, thậm chí đã dùng cả nước giếng nhằm cầm cự chờ mưa, song nắng hạn kéo dài, nhiều diện tích không thể cứu vãn được, hàng trăm hộ dân đành bất lực để mặc ruộng lúa, ngô nhà mình cho nắng nóng thiêu đốt. Như năm nay, hạn kéo dài tập trung ở các xã nghèo thuộc cánh đông của huyện như Hòa Phong, Hòa Lễ, Cư Pui, Cư D’răm, Yang Mao, Cư Kty… nơi có diện tích ngô rất lớn đã khiến hàng nghìn hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn và sẽ có nguy cơ bị thiếu đói.

Sự bất thường của thời tiết cũng đã gây thiệt hại cho ngành Nông nghiệp huyện M’Drak, địa phương luôn có lượng mưa lớn nhất tỉnh, nay cũng đang đối mặt với tình trạng khô hạn. Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện đến thời điểm này đã có gần 1.300 ha cây trồng bị khô hạn với mức thiệt hại từ 30 - 70%. Tuy nhiên, theo nhận định, diện tích nông nghiệp ở đây sẽ tiếp tục bị thiệt hại vì hiện nay nắng nóng và gió mùa Tây Nam (tác nhân chính gây hạn) vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.

Nhiều nỗi lo !

Theo thống kê mới nhất của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện đã có trên 27 nghìn ha cây trồng các loại thiếu nước, tập trung tại  6 huyện thị: Krông Pak, Krông Bông, Krông Năng, M’Drak, Buôn Hồ và Ea Kar. Trong đó có hơn 6.000 ha bị thiệt hại từ 70-100%; thiệt hại nặng nề nhất là các huyện Krông Bông, Ea Kar, Krông Pak. Huyện Krông Năng – nơi hiếm khi xảy ra hạn hán kéo dài, nhưng cũng có đến 1.444 ha cây trồng mất trắng vì khô hạn. Tính đến đầu tháng 8 mà lượng mưa tại các huyện vẫn không đáng kể (huyện Ea H’leo có lượng mưa trong tuần nhiều nhất cũng chỉ đạt gần 86mm; M’Drak có lượng mưa thấp nhất, chỉ đạt 11mm). Theo đánh giá của ngành chức năng, thời gian tới nhiều khả năng diện tích cây trồng bị khô hạn sẽ còn tiếp tục gia tăng. Ông Trang Quang Thành - Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, hạn hán không chỉ làm thiệt hại hàng nghìn ha hoa màu của dân mà kế hoạch trồng 3.800 ha rừng của tỉnh cũng bị ảnh hưởng, đình trệ. Riêng tại huyện Ea H’leo đã có 100 ha rừng trồng bị chết do khô hạn. “Với diễn biến thời tiết bất thường như thế này, chúng tôi lo sợ rằng cuối năm rất dễ xảy ra lũ lớn” - ông Thành tỏ ra lo lắng. Chung mối lo như ông Thành, ông Phạm Phú Thiên cũng cho rằng cuối năm nay nguy cơ có lũ lớn bất thường là khó tránh khỏi.

 “Đợt hạn hán bất thường đã khiến hàng nghìn nông dân bị trắng tay, tiêu tốn nhiều tài lực, nếu lũ lụt tiếp tục xảy ra như dự đoán, nguy cơ người dân rơi vào tình trạng khốn đốn, thiếu đói rất có thể xảy ra.”- ông Thiên trăn trở.

Lê Văn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.