Multimedia Đọc Báo in

Rau an toàn góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân xã ven đô Hòa Khánh

07:52, 22/10/2012

Tập trung phát triển vùng sản xuất chuyên canh mang tính đặc trưng vùng, xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) đang từng bước phát huy thế mạnh trồng rau an toàn, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn mới (NTM) của địa phương ngày càng khởi sắc.

Người dân xã Hòa Khánh với mô hình sản xuất rau an toàn.
Người dân xã Hòa Khánh với mô hình sản xuất rau an toàn.

Xuất phát từ nhu cầu sử dụng rau sạch của khu vực TP. Buôn Ma Thuột ngày càng tăng; đồng thời để phát huy lợi thế vốn có, đưa rau trở thành cây trồng thế mạnh, đặc trưng của vùng, những năm qua, Hòa Khánh đã tìm cho mình con đường sản xuất rau an toàn. Hàng năm, chính quyền địa phương đã phối hợp với các đơn vị chức năng như Trạm bảo vệ thực vật TP. Buôn Ma Thuột, Trung tâm khuyến nông tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về trồng rau an toàn và đưa các mô hình thí điểm theo tiêu chuẩn VietGAP về nhân rộng tại địa phương. Giờ đây, Hòa Khánh đã trở thành vùng trồng rau theo hướng an toàn lớn nhất của khu vực TP. Buôn Ma Thuột. Trong tổng số 22 thôn buôn, 3.500 hộ dân đã có trên 70% số hộ trồng rau, trung bình mỗi hộ trồng từ 1 - 5 sào. Mỗi năm trồng khoảng 4 - 6 vụ, mỗi sào rau người dân cũng thu lãi từ 30- 40 triệu đồng, nếu so với việc nuôi trồng một số cây, con truyền thống thì hiệu quả kinh tế từ trồng rau an toàn cao gấp 2 - 4 lần. Nghề trồng rau phát triển, đem lại nhiều thay đổi tích cực cho cuộc sống người dân. Nếu như trước kia, vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông thôn là nỗi thách thức lớn của địa phương thì đến nay phần lớn số lao động phổ thông đều tham gia nghề trồng rau kết hợp với chăn nuôi một số loài động vật hoang dã như nhím, dúi và nuôi cá… nhằm tận dụng nguồn thức ăn dư thừa như lá rau, củ, quả loại bỏ trong vườn, để tăng thêm nguồn thu nhập. Chị Hứa Thị Nga ở thôn 9 cho biết: chị có 2 sào rau nhưng toàn bộ 4 thành viên trong gia đình đều bận rộn cả ngày, từ làm cỏ, bón phân, đến thu hái… tuy nhiên công việc nhẹ nhàng hơn so với trồng các loại cây khác. Thêm nữa, khi thu hoạch rau thì thương lái đến tận vườn thu mua nên không phải vất vả đi bán, giá cả cũng theo thời điểm của thị trường, đầu ra của sản phẩm luôn ổn định.

Đến nay, rau Hòa Khánh đang có mặt tại hầu khắp các chợ trong khu vực thành phố và các huyện lân cận. Ngoài bán buôn rau ngay tại ruộng, nhiều hộ cũng tự chở đi bán để có thêm thu nhập, từ đó nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn giàu lên, như hộ ông Phạm Văn Hải, Bùi Đức Nghìn (thôn 6), ông Trần Văn Lang ở thôn 9… với mức thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Châu Ngọc Nhất, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Khánh chia sẻ: Từ khi địa phương hình thành, phát triển trồng rau đại trà theo hướng an toàn đã tạo được niềm tin trong đông đảo người tiêu dùng, từ đó góp phần nâng cao đời sống người dân trong xã, với mức thu nhập bình quân đầu người khá cao, khoảng 21 triệu đồng/người/năm. Nhờ vậy, các gia đình đều mua sắm đầy đủ các phương tiện đi lại, trang thiết bị sinh hoạt trong nhà, con cái được học hành đến nơi đến chốn; tình hình an ninh trật tự xã hội của địa phương cũng luôn ổn định. Hòa Khánh đang phấn đấu quy hoạch vùng trồng rau khoảng 15ha theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm tăng thêm thu nhập cho bà con và tạo hướng đi bền vững cho vùng rau an toàn sau này; góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng NTM của địa phương.

 Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.