Multimedia Đọc Báo in

Bay theo những mùa hoa

14:13, 31/12/2013

Người ta thường nói, nghề nuôi ong hái ra tiền nhưng cũng lắm bấp bênh, chìm nổi bởi đã gắn với nghề là phải chấp nhận quanh năm phiêu bạt đến khắp các vùng, miền để đưa ong đi tìm hoa. Người nuôi ong cũng như những chú ong, cần mẫn bay theo những mùa hoa để hút mật ngọt dâng đời.

“Bước đi hoa”

Giáp tết, khi hoa rừng đua nhau khoe sắc, cây cà phê bắt đầu bung hoa cũng là thời điểm khai thác mật của các chủ nuôi ong ở Dak Lak. Những ngày này, đàn ong thường được di chuyển đến các rẫy cà phê hoặc ven rừng để ong đi lấy mật. Anh Tô Văn Thúy, ở thôn 2, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột có thâm niên nuôi ong 30 năm chia sẻ: nghề nuôi ong không giống với bất cứ nghề nào khác, người làm nghề này cũng phải cần mẫn như một chú ong mới không thấy chán khi theo những cánh ong đi tìm hoa khắp các vùng miền. Một năm bình quân anh phải di chuyển đàn ong từ 5 đến 7 lần. Thông thường, bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 11 anh di chuyển ong sang Bình Phước hút mật điều và lá cao su (từ những lá cao su úa vàng và những chồi non mới nhú tiết ra một lượng mật khá lớn). Đây là thứ mật có giá trị cao, được thị trường nước ngoài rất ưa chuộng. Giáp tết, anh lại đưa ong trở lại Dak Lak để hút mật hoa rừng và đón mùa hoa cà phê nở. Hết mùa hoa cà phê anh lại theo đàn ong ra tận Bắc Ninh để lấy mật hoa vải, sau đó về Thanh Hóa, Nghệ An, Huế lấy mật cây tràm. Đến tầm tháng 5, tháng 6 đưa đàn ong quay về lại Dak Lak để nuôi dưỡng, tăng đàn chuẩn bị cho một mùa đánh mật mới. Để đưa ong đi tìm mật, người nuôi thường phải đi tiền trạm khảo sát địa bàn, tìm những vùng hoa có diện tích tương đương hoặc hơn số lượng đàn ong, đồng thời nguồn hoa nở phải tiết mật khoảng 20%; chọn chỗ đặt đàn ong phải tương đối kín gió. Đây chính là “bước đi hoa” - theo cách gọi chuyên môn. Ngoài ra, quy trình di chuyển đàn ong cũng phải tuân thủ những điều kiện bắt buộc như di chuyển vào ban đêm để không làm ảnh hưởng đến đàn. Hiện 200 đàn ong của gia đình anh đã di chuyển vào huyện Buôn Đôn để lấy mật cây bông trắng (dân gian hay gọi là cây cộng sản) và hoa cà phê.

      Ông  Tô Văn Thúy  và ông  Trần Thọ Thành  trao đổi  kinh nghiệm nuôi ong.
Ông Tô Văn Thúy và ông Trần Thọ Thành trao đổi kinh nghiệm nuôi ong.

Cũng theo những người nuôi ong, việc di chuyển đàn ong theo mùa lấy mật sẽ giảm chi phí nuôi dưỡng đàn, năng suất, chất lượng mật lại cao hơn. Việc quanh năm phải phiêu bạt khắp nơi theo cánh ong đi tìm hoa cũng mang lại nhiều niềm vui, nỗi buồn. Vui khi gặp được mùa hoa thuận lợi và được mùa mật. Buồn khi thời tiết bất thuận, hoa không nở như dự kiến hoặc đàn ong bị bệnh chết… Đơn cử như năm 2006, nhiều chủ ong đưa đàn đến huyện Krông Năng lấy mật cà phê nhưng gặp thời tiết lạnh, hoa tiết ít mật, ong không lấy được mật buộc nhiều chủ đàn phải di chuyển ong sang vùng khác. Hay có những trường hợp chuyển ong ra các tỉnh phía Bắc nhưng lại gặp những đợt mưa dầm khiến ong không lấy được mật, chủ đàn vừa mất chi phí di chuyển đàn ong lại không thu được sản phẩm; đồng thời còn phải bỏ tiền mua nguyên liệu để nuôi dưỡng đàn ong. Bởi vậy, nhiều người xem nghề nuôi ong giống như canh bạc, có lúc trở thành triệu phú nhưng có lúc lại trắng tay.

...Và mật ngọt

Với lợi thế đất đai, khí hậu cộng với những rẫy cà phê, cao su, cây ăn quả bạt ngàn, Dak Lak nhanh chóng trở thành một trong những khu vực có nghề nuôi ong mật phát triển nhất nước. Với hơn 20 năm gắn bó cùng nghề nuôi ong, ông Trần Thọ Thành, thôn 8, xã Hòa Thắng cho biết: nghề nuôi ong không khó lắm. Để phát triển đàn ong chỉ cần đầu tư mua thùng, mua giống ban đầu, sau đó tự tách ong chúa sang tổ khác để tăng đàn. Tuy nhiên, muốn thành công đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật và kinh nghiệm dày dặn bởi nghề này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Hiện gia đình ông có 300 đàn ong, bình quân mỗi năm cho thu hoạch 10 tấn mật. Theo tính toán của ông: nếu thuận lợi thì sau một vụ mật, trừ đi chi phí, lợi nhuận thu được trên 100 triệu đồng. Trên địa bàn Dak Lak cũng xuất hiện rất nhiều triệu phú từ nghề nuôi ong như hộ ông Vũ Tiến Cát ở thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar), nuôi 500 đàn ong nhà đều cho thu hoạch 17 tấn mật/năm; với giá hiện nay khoảng 31.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi gần 400 triệu đồng. Hay gia đình ông Nguyễn Huy Bát ở phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột cũng nuôi tới 3.000 đàn ong mật, mỗi năm khai thác khoảng 100 tấn mật ong, thu lãi trên 2 tỷ đồng. Hiện toàn tỉnh có khoảng 1.200 hộ nuôi ong với gần 200.000 đàn. Đầu ra của các sản phẩm từ ong mật khá thuận lợi, Công ty cổ phần Ong mật Dak Lak đã tích cực hỗ trợ các hộ nuôi ong về kỹ thuật, ong giống đến việc thu mua sản phẩm. Bên cạnh đó, từ khi Liên minh ong mật Dak Lak ra đời với sự tài trợ của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Dak Lak đã tăng sự hỗ trợ, đầu tư cho các hộ nuôi ong, góp phần làm tăng giá trị cho sản phẩm mật ong. Năm 2011, Dak Lak tiếp tục dẫn đầu cả nước về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu mật ong với giá trị kim ngạch đạt 15 triệu USD. Nhiều năm liền Dak Lak dẫn đầu cả nước về sản lượng mật ong (chiếm hơn 30%) và kim ngạch xuất khẩu mật ong, các sản phẩm từ ong (chiếm gần 40%).

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.