Multimedia Đọc Báo in

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở TP. Buôn Ma Thuột: Thúc đẩy hình thành các vùng chuyên canh

05:44, 18/12/2012

Chủ động, tích cực khai thác lợi thế đất đai, thị trường, nguồn nhân lực, mạnh dạn đầu tư và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh (SXKD) không chỉ giúp nông dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn hình thành các vùng chuyên canh.

Nông dân phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột) giới thiệu mô hình nuôi nhím  đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột) giới thiệu mô hình nuôi nhím đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Để “tiếp sức” cho nông dân trong quá trình phát triển kinh tế, ngoài việc tín chấp vay vốn, phối hợp tổ chức tập huấn, hội thảo, thành lập các câu lạc bộ chăn nuôi, khuyến nông, hợp tác xã nông nghiệp… các cấp Hội Nông dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với nguyện vọng và điều kiện thực tế của từng địa phương. Hằng năm, các mô hình: trồng lúa lai, ngô lai, cây ăn quả, cải tạo vườn tạp, ICM trên lúa, rau, vỗ béo bò thịt, nuôi cá lăng, động vật rừng, ủ phân vi sinh… thu hút hàng nghìn lượt hộ đến tham quan, học tập. Hoạt động này đã góp phần trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU của Thành ủy Buôn Ma Thuột và xuất hiện ngày càng nhiều điển hình. Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Nguyễn Bá Hồng (phường Tân Lập) khá hiệu quả. Với diện tích 500 m2, năm 2005 gia đình anh Hồng xây chuồng chăn nuôi nhím. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm, anh chỉ nuôi số lượng ít, sau thấy có lãi và phù hợp với điều kiện của gia đình nên đã đầu tư mở rộng quy mô. Hiện nay, gia đình anh xây dựng thành công 3 trại chăn nuôi nhím với quy mô 100 cặp nhím giống bố mẹ/trại. Anh Hồng cho biết, nuôi nhím sinh sản không cần nhiều diện tích chuồng trại, ít tốn công chăm sóc, nhím con sau 2 tháng có thể xuất chuồng với giá bán từ 4 - 6 triệu đồng/cặp. Để phòng tránh rủi ro, anh Hồng còn đầu tư nuôi chồn nhung đen, chim trĩ, gà chọi, gà sao… mang lại nguồn lợi kinh tế cao, trung bình mỗi năm thu lãi trên 400 triệu đồng. Điểm “đột phá” trong quá trình phát triển kinh tế của gia đình anh Lê Văn Cường (xã Hòa Phú) là đã mạnh dạn bố trí lại cơ cấu sản xuất của trang trại theo hướng đa cây, đa con. Trên tổng diện tích đất 6 ha, gia đình anh dành 2 ha đất trồng lúa, 1,5 ha đất trồng hoa màu để “lấy ngắn nuôi dài”. Khi tích lũy thêm vốn, anh tiếp tục trồng 1,5 ha mít nghệ, xây dựng chuồng chăn nuôi heo thịt, heo rừng, đào ao nuôi cá giống, cá thịt và cá lăng đuôi đỏ. Không dừng lại ở đó, anh Cường còn phát triển thêm nghề trồng, kinh doanh cây cảnh, thuê 6 ha đất trồng khoai lang Nhật. Trang trại tổng hợp của gia đình anh không chỉ đem lại lợi nhuận cao, trên 600 triệu đồng/năm mà còn tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương và là điểm tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế hộ.

Sở hữu 3 ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng phần lớn là đất sỏi đá, khô cằn nên gia đình ông Nguyễn Văn Đại (xã Hòa Xuân) chỉ mới canh tác được vài sào cà phê, diện tích còn lại bỏ hoang nhiều năm liền. Sau khi tham quan, học tập mô hình ở xã Xuân Phú (tỉnh Đồng Nai) ông mạnh dạn đầu tư trồng thử nghiệm 6 sào quýt đường và cam sành. Đồng thời, tận dụng đất trồng thêm các loại cây ăn trái khác như: bơ ghép, sầu riêng, mít nghệ, bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc. Đến nay, các loại cây trồng trên đều phát triển tốt, đem lại thu nhập bình quân khoảng 380 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Từ mô hình này, nhiều hộ nông dân trong vùng đã đến học hỏi và được ông tận tình giúp đỡ, hướng dẫn cho 12 hộ trồng thành công cây quýt đường…

Điểm nổi bật của các mô hình mới là đã tạo được nhiều việc làm, dễ học, dễ ứng dụng, canh tác bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường, diện tích đất canh tác ít nhưng vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ sự nhạy bén, năng động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nông dân trên địa bàn thành phố đã góp phần hình thành các vùng chuyên canh tập trung như lúa lai, cà phê, tiêu, sầu riêng, bơ, cá, động vật rừng… và phát triển các dịch vụ nông nghiệp hiệu quả, phù hợp với thực tế. Tiêu biểu như nông dân xã Ea Kao đã mạnh dạn chuyển đổi hàng chục ha ruộng nước kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá nước ngọt, hình thành khu vực chăn nuôi thủy sản, cung cấp một lượng lớn nguồn giống và thực phẩm cho địa bàn thành phố. Hội viên nông dân xã Hòa Phú thành công với mô hình nuôi heo siêu nạc và cá lăng đuôi đỏ – loại thủy sản  đặc biệt của sông Sêrêpôk. Hay như hội viên nông dân người dân tộc thiểu số phường Tân Lập đã chuyển đổi trên 100 ha đất rẫy, vườn thu nhập thấp để liên kết với Công ty Đoàn Kết trồng sầu riêng. Nông dân xã Hòa Thuận không chỉ nổi tiếng với các mô hình cà phê, tiêu, sầu riêng, bơ mà còn thành công với hàng chục cơ sở cơ khí chế tạo máy phục vụ sản xuất nông nghiệp và kinh doanh cà phê nông sản, góp phần tăng tỷ trọng ngành nghề nông thôn, chuyển dịch một bộ phận lao động nông nghiệp sang lĩnh vực khác.

Có thể nói, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi trên địa bàn thành phố đã phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Từ năm 2007 đến nay, toàn thành phố có gần 8.000 hộ đạt tiêu chuẩn nông dân SXKD giỏi, với mức thu nhập bình quân quân từ 100 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/năm, đạt gần 60% tổng số hộ đăng ký. Không chỉ thi đua lao động sản xuất, các hộ SXKD giỏi còn đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, góp phần cải thiện đáng kể đời sống và bộ mặt nông nghiệp nông thôn.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.