Multimedia Đọc Báo in

“Vua ong”

08:40, 18/02/2013

“Vua ong” là biệt hiệu mà cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) và nhân dân địa phương dành cho CCB Đinh Quang Cường (tổ 1, khối 8, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột). Với ý chí thoát nghèo bằng nghề nuôi ong, ông đã trở thành gương làm kinh tế giỏi….

 CCB Đinh Quang Cường là người đầu tiên của tỉnh triển khai nghề nuôi ong với số lượng lớn. Năm 1987, khi cùng vợ con đến lập nghiệp trên mảnh đất Dak Lak nơi có những đồi cà phê, rừng cao su bạt ngàn, ông nhận ra đây là tiềm năng vô cùng phong phú, phù hợp với nghề nuôi ong lấy mật. Bằng kinh nghiệm gia truyền (nhà ông Cường có ba đời nuôi ong lấy mật) cùng kiến thức tích lũy từ sách vở, ông đã mua một khu đất để trồng cây ăn quả phục vụ riêng cho việc nuôi ong. Thời gian đó do ong giống hiếm nên ông phải lặn lội khắp các khu rừng để săn lùng mua gom những đàn ong lẻ của người dân bắt được. Năm 1988, ban đầu ông chỉ nuôi khoảng 20 đàn. Khi quay được bầu mật đầu tiên, trong lòng ông rộn ràng niềm vui sướng. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, cứ ngỡ việc làm ăn “xuôi chèo mát mái” thì bất ngờ sự cố xảy ra, ong chết hàng loạt, một số khác thì bay đi. Tìm hiểu nguyên nhân, ông phát hiện cách chăm sóc của mình chưa đúng kỹ thuật. Đối diện với nguy cơ phá sản vì tất cả vốn liếng đều đầu tư vào đàn ong, ông quyết tâm gây dựng lại từ đầu. Để có vốn kinh doanh, ông đi làm mướn, phụ hồ, đồng thời đến những cơ sở nuôi ong học hỏi kỹ thuật chăm sóc, cách phòng ngừa bệnh. Dần dần, ông khôi phục lại đàn ong, vừa nuôi để quay mật bán lấy vốn xoay vòng, vừa nhân đàn, đến năm 1993, ông đã có trên 200 đàn (gấp 10 lần lúc đầu). Hiện nay, gia đình ông đang nuôi 600 đàn ong, mỗi đàn gồm 10 cầu ong, mỗi cầu ong có thể thu từ 7- 10 kg mật. Vừa bán mật, phấn hoa, sáp ong, vừa bán ong giống mỗi năm ông thu khoảng vài trăm triệu đồng.

-	CCB Đinh Quang Cường giới thiệu mô hình nuôi ong lấy mật truyền thống của gia đình
CCB Đinh Quang Cường giới thiệu mô hình nuôi ong lấy mật truyền thống của gia đình

Theo ông bí quyết thành công chính là niềm đam mê và lòng yêu nghề bởi nghề nuôi ong khá đơn giản, yếu tố quyết định là nguồn thức ăn. Có thức ăn dồi dào cùng với giống tốt, biết cách chăm sóc là đàn ong phát triển mạnh. Để ong cho nhiều mật, cứ mỗi mùa lại phải di chuyển đến một địa điểm khác để cho chúng hút nhị hoa. Một năm có 4 mùa thì ông đưa đàn ong "vi hành" 4 nơi khác nhau. Mùa xuân ong được mang “đi đánh” tận những cánh rừng xa ở các tỉnh phía bắc như Hải Dương, Hưng Yên để đón mùa vải, nhãn ra hoa; sang mùa hạ quay trở vào Quảng Nam, Quảng Ngãi hút mật tràm, bạch đàn; mùa thu sang Bình Dương, Bình Phước hút mật hoa cao su, hoa rừng, hoa trắng, đến mùa đông lại chuyển về Dak Lak để hút mật hoa cà phê... Mỗi lần di chuyển phải thực hiện vào ban đêm, bởi đây là thời gian đàn ong về tổ ngủ nên không bị phân tán đàn và bị chết do thay đổi khí hậu đột ngột. “Nghề nuôi ong ít hao phí sức lực nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo vì người nuôi cũng phải cần mẫn như con ong vậy”, ông Cường tâm sự.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn tạo công ăn việc làm, giúp đỡ bà con trong vùng về giống, kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ong. Đến nay, tính ra ông hướng dẫn kỹ thuật cho hàng trăm người, nhiều người trong số đó đã “sống khỏe” với nghề nuôi ong, có người nuôi tới cả nghìn đàn.

Nguyễn Thế


Ý kiến bạn đọc