Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Nghị định 24 về kinh doanh vàng: Doanh nghiệp bỡ ngỡ về... thủ tục thuế

14:49, 27/08/2013

Thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP, ngày 3-4-2012 của Chính phủ về quản lý kinh doanh vàng, những người muốn tiếp tục theo đuổi ngành nghề kinh doanh này phải chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế thói quen kinh doanh truyền thống đã khiến không ít chủ doanh nghiệp bỡ ngỡ với những thủ tục về thuế…

Mua bán vàng tại Doanh nghiệp tư nhân  Vàng bạc Minh Khương.
Mua bán vàng tại Doanh nghiệp tư nhân Vàng bạc Minh Khương.

Nghị định 24 ra đời được định hướng để giải quyết hai mục tiêu chính. Thứ nhất, không để biến động của giá vàng làm ảnh hưởng tới tỷ giá, vì vậy sẽ không làm ảnh hưởng đến xuất khẩu, nhập khẩu, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ hai, ngăn chặn và đẩy lùi được tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, huy động ngược trở lại nguồn lực này cho phát triển kinh tế - xã hội. Và có thể nói mục đích cao nhất của Nghị định 24/2012/NĐ-CP là chấn chỉnh thị trường vàng miếng. Giới chuyên môn đánh giá đây là một quyết sách đúng đắn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc ổn định thị trường vàng và chống lại giới đầu cơ vàng. Thực hiện nghị định này, theo thống kê của Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên địa bàn Dak Lak đã có khoảng 133 doanh nghiệp kinh doanh vàng đến cơ quan chức năng làm thủ tục và được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh. Thực tế qua theo dõi và thăm dò ý kiến của một số hộ kinh doanh cá thể, tiệm vàng, họ tạm thời đóng cửa, ngừng kinh doanh, chưa đăng ký thành lập doanh nghiệp là do e ngại về thủ tục.

Những băn khoăn, e ngại này có nguyên nhân chính là do thói quen mua bán vàng theo kiểu truyền thống, thủ tục, giấy tờ đơn giản trước đây. Ở các trung tâm đô thị, nhiều khách hàng mua - bán với số lượng lớn có thể có yêu cầu về chứng từ mua bán, nhưng ở các cửa hàng kinh doanh vàng khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, những đòi hỏi về thủ tục giấy tờ càng đơn giản hơn. Thêm nữa, dưới mô hình hộ kinh doanh cá thể, các cửa hàng, tiệm vàng trước đây chỉ phải lo đóng thuế khoán, nay trở thành doanh nghiệp, hoạt động và chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp nên không ít chủ doanh nghiệp tỏ ra bỡ ngỡ về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ. Tiệm vàng Minh Khương đăng ký thành lập Doanh nghiệp tư nhân Vàng bạc Minh Khương, có địa chỉ tại thôn 2, xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) và được cấp giấy chứng nhận kinh doanh ngày 24-5-2013. Ngành nghề đăng ký kinh doanh của Minh Khương là bán lẻ hàng hóa khác mới trong các cửa hàng chuyên doanh (chi tiết: mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ; mua bán bạc, đá qúy); sản xuất đồ kim hoàn và chi tiết liên quan (chi tiết sản xuất, gia công vàng trang sức mỹ nghệ, sản xuất gia công bạc). Bà Trần Thị Khương, chủ doanh nghiệp cho hay: Khi nghe thông tin về Nghị định 24, bà đã chủ động nhờ con mở mạng để tìm hiểu và tham gia chương trình giới thiệu, phổ biến Nghị định 24 do các cơ quan chức năng tổ chức. Doanh nghiệp đã thực hiện mua hóa đơn tự in. Tuy nhiên, do chưa rành rọt nên mỗi lần xuất hóa đơn, bà và nhân viên rất sợ viết sai. Chính vì vậy, từ sau khi thành lập doanh nghiệp đến nay, hầu hết các hàng hóa bán ra, hết ngày Doanh nghiệp Minh Khương thường chỉ lập bảng thống kê danh mục hàng hóa bán. Trong khi theo quy định, những mặt hàng có giá từ 200 nghìn đồng trở lên đều phải xuất hóa đơn; dưới 200 nghìn đồng mới lập bảng kê. Việc mua hàng của các đối tác về để bán, doanh nghiệp này cũng không lấy hóa đơn mà có khi chỉ là tờ giấy viết tên, số lượng, tên hàng và mức giá, với lý do đã quen bạn, quen hàng. Tiệm vàng Vĩnh Hưng, đăng ký thành lập Doanh nghiệp Tư nhân vàng bạc Vĩnh Hưng Danh ngày 20-5-2013, có địa chỉ tại thôn 22, xã Ea Ning (huyện Cư Kuin) cũng tỏ ra rất lúng túng về nội dung này. Bà Hồ Thị Chanh, chủ doanh nghiệp phân tích thêm: Bản thân doanh nghiệp đã bỡ ngỡ về thủ tục thuế, thêm nữa nhiều khách hàng nhất là ở địa bàn kinh doanh vùng nông thôn như Vĩnh Hưng Danh, không có nhu cầu lấy hóa đơn vì lý do chỉ mua làm của để dành, cho, biếu, tặng, nên doanh nghiệp muốn chấp hành đúng quy định, mua bán có hóa đơn cũng khó thực hiện. Vì muốn xuất hóa đơn thì phải có thông tin về khách hàng, chủ cửa hàng năn nỉ xin thông tin thì lại sợ làm phiền, mất lòng khách khi họ không có nhu cầu; còn khách hàng nào hợp tác hơn thì có khi lại qua quýt rằng thích ghi tên gì thì ghi. “Những người quen biết thì còn có thể biết tên tuổi mà ghi chứ khách lạ thì những lúc ấy, biết tính làm sao!?”, bà Chanh phân trần.

Những bỡ ngỡ này của doanh nghiệp cũng dễ hiểu bởi sau một thời kỳ dài việc kinh doanh, buôn bán vàng không được quản lý một cách bài bản. Tất nhiên, để hết “bỡ ngỡ”, doanh nghiệp phải tự nghiên cứu, học hỏi, bổ sung kiến thức; cán bộ ngành Thuế quan tâm, hướng dẫn, tổ chức tập huấn cho đối tượng này trên cơ sở nhu cầu. Bên cạnh đó, các “thượng đế” cũng góp phần quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp hoạt động bài bản, thực hiện đúng quy định, bảo đảm nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước bằng việc thay đổi thói quen khi đi mua vàng. Có nghĩa dù mua nhằm bất kỳ mục đích gì cũng phải yêu cầu doanh nghiệp xuất hóa đơn.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.