Multimedia Đọc Báo in

Được mùa ngô... nông dân vẫn khổ!

09:13, 18/09/2013

Trong vòng mấy năm trở lại đây, Dak Lak mới có một vụ ngô được mùa như vụ hè thu 2013. Tuy nhiên, nông dân chưa kịp hưởng niềm vui thì giá ngô xuống thấp khiến nhiều hộ rơi vào cảnh lao đao vì chi phí đầu vào quá cao, ngô bán ra không đủ trả nợ.

Phập phồng với giá

Vụ hè thu 2013, huyện Ea Kar trồng 7.500 ha ngô lai bằng các giống NK 54, NK 67, CP 368… trong đó tập trung nhiều nhất ở các xã Cư Huê, Phú Xuân và Ea Sa (chiếm 70% diện tích ngô toàn huyện). Cán bộ Phòng NN – PTNT huyện Ea Kar cho biết: nhờ thời tiết thuận lợi nên cây ngô phát triển tốt, đến nay nông dân trong huyện đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích ngô đạt sản lượng 42.000 tấn, năng suất bình quân 6 – 7 tấn/ha, cao kỷ lục trong vòng 20 năm qua. Tuy nhiên, người trồng ngô tại địa phương vẫn không được hưởng trọn vẹn niềm vui do giá ngô quá thấp, chỉ 3.000 – 3.500 đồng/kg, giảm gần một nửa so với năm trước (6000 – 7000 đồng/kg). Vụ này, chị Hồ Thị Bình, thôn 3A, xã Ea Sô trồng 6 sào ngô bằng giống NK 54, đạt sản lượng hơn 3,5 tấn, nhưng chỉ bán được giá 3200 đồng/kg. Chị cho biết, do ở xa trung tâm huyện nên nông dân ở đây bị thiệt giá khoảng 300 – 500 đồng/kg (bù vào tiền vận chuyển) nên không bảo đảm được chi phí.

Nông dân huyện Ea Súp đang sạc ngô, đóng bao để bán.
Nông dân huyện Ea Súp đang sạc ngô, đóng bao để bán.

So với huyện Ea Kar thì nông dân huyện Ea Súp lại rơi vào cảnh khốn đốn hơn vì một số vùng trồng phải giống ngô kém chất lượng và bị sâu bệnh nên năng suất kém, trong khi đó họ cũng chịu chung cảnh ngô mất giá.  Anh Huỳnh Bá Quốc, thôn 1, xã Ea Lê cho biết, từ đầu vụ thu hoạch đến nay, giá ngô liên tục lên xuống thất thường. Vào thời điểm người dân mới thu hoạch thì giá ngô cao hơn một chút (khoảng 4.000 đồng/kg tươi), sau đó liên tục giảm từ 3.500 đồng/kg xuống còn khoảng 3.000 đồng/kg. Đến thời điểm này, giá ngô có nhích lên một chút nhưng cũng chỉ 3.500 – 3.800 đồng/kg tươi, vẫn thấp hơn từ 1.000-1.500 đồng/kg so với vụ mùa năm 2012. Gia đình anh có 3 sào, trồng bằng giống CP 888 nhưng do sâu bệnh nên năng suất không cao lắm, tầm 5 tạ/sào. Theo giá hiện nay, nếu tính cả công thì gia đình không thu được đồng nào, mà còn phải trả thêm tiền phân cho đại lý. Nhưng khổ sở hơn là những hộ ở nơi khác đến đây thuê đất để trồng ngô, tưởng được mùa, được giá như năm ngoái, ai ngờ…(!) Có người mướn đến 4 ha đất, thu hoạch ngô xong lỗ đến 30 triệu đồng. Anh Nguyễn Bá Bân, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết: vụ hè thu 2013, huyện Ea Súp gieo trồng trên 6.000 ha ngô lai, tăng 630 ha so với kế hoạch, năng suất bình quân đạt khá cao, 7 tấn/ha. Tuy nhiên, bà con nông dân không được vui, vì giá cả năm nay xuống thấp do mưa nhiều nên bị tư thương ép giá, trong khi đó mức đầu tư lại tăng so với năm ngoái, nên nhiều hộ không có vốn đầu tư, phải ứng phân, giống, thuê nhân công… và đều rơi vào cảnh nợ nần hoặc không có lãi.

Thiếu hệ thống bảo quản, chế biến sau thu hoạch

Vụ hè thu 2013 toàn tỉnh gieo trồng trên 76.000 ha ngô, tập trung nhiều nhất là huyện Ea H’leo, Krông Bông, Krông Pak, Ea Kar, Lak, Ea Súp… Tính đến thời điểm này bà con đã cơ bản thu hoạch xong vụ ngô, năng suất đạt khá cao, từ 50-72 tạ/ha, cao nhất là huyện Krông Ana đạt 72 tạ/ha, Krông Pak đạt 69 tạ/ha… Tuy nhiên, vì giá xuống thấp, nhiều nơi nông dân thu hoạch xong phải bán ngay, không thể để chờ giá ngô lên do không bảo quản được.

Theo Sở NN-PTNT, hiện các địa phương đang rất thiếu hệ thống máy sấy và kho bảo quản, trong khi đó trên địa bàn tỉnh chỉ mới có một vài nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi có tiêu thụ ngô hạt, với công suất nhỏ. Do vậy, khi thu hoạch ngô xong người dân thường bán tươi tại rẫy, nếu gặp thời tiết mưa nhiều hoặc giao thông đi lại khó khăn thì nông dân lại bị thương lái ép giá, phải bán với mức thấp hơn ở những vùng khác. Sản phẩm ngô tươi sau khi thu mua chủ yếu được thương lái sấy khô rồi bán lại cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở các tỉnh phía Nam. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại huyện Ea Kar có nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi của  Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam đóng tại Cụm công nghiệp Ea Dar, trong đó huyện Ea Kar là vùng nguyên liệu lớn với sản lượng khoảng 100.000 tấn (3 vụ). Tuy nhiên, người trồng ngô ở địa phương cũng không bán được trực tiếp cho nhà máy mà thường phải thông qua các đại lý, thương lái, thu mua, giá cả do đầu mối thu mua đưa ra (thường thấp hơn giá mua của nhà máy 200 - 300 đồng/kg). Vì vậy người nông dân ở đây cũng phải chịu thiệt thòi. Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ea Kar cho biết: nhằm tránh điệp khúc “được mùa mất giá”, bên cạnh việc người dân và chính quyền các địa phương cần ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nhà máy để người dân đỡ bị thiệt; Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho nông dân xây dựng hệ thống lò sấy, sân phơi, kho bảo quản… chứ không nên dừng lại ở một vài mô hình. Đồng thời, các địa phương cũng cần hiện thực hóa tốt hơn nữa chính sách liên kết 4 nhà, giúp nông dân chủ động được nguồn vốn đầu tư, sản xuất có tính định hướng, không chạy theo phong trào.

 Nguyễn Minh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.