Multimedia Đọc Báo in

Hạ tầng vận tải thủy: Nhìn đâu cũng thiếu và yếu

08:47, 11/09/2013

Tại Dak Lak, trong những năm qua, nếu hạ tầng giao thông đường bộ luôn được quan tâm xây dựng, nâng cấp, thì ngược lại, hạ tầng thủy nội địa chưa được chú trọng nhiều, thậm chí đến nay vẫn chưa có quy hoạch chi tiết, cụ thể về loại hình vận tải này. Bởi vậy, đa số các bến, bãi đều rất tạm bợ, thô sơ, không đạt tiêu chuẩn an toàn…

Nhiều bến thủy nội địa hoạt động không phép

Dak Lak hiện có khoảng 544 km đường sông được tạo từ các sông chính như: Sêrêpôk, Krông Nô, Krông Ana, chủ yếu chạy qua địa phận các huyện Krông Ana, Lak, Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Bông và TP.Buôn Ma Thuột. Toàn tỉnh hiện có trên 800 phương tiện thủy nội địa, trong đó 204 phương tiện có động cơ, 630 phương tiện không có động cơ, tải trọng 2.874 tấn.

Phương tiện thủy nội địa thô sơ, bến bãi không phép, tiềm ẩn nhiều rủi ro  đối với người tham gia giao thông.
Phương tiện thủy nội địa thô sơ, bến bãi không phép, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người tham gia giao thông.

Qua khảo sát của Sở Giao thông vận tải: trên địa bàn tỉnh có 4 bến cát, bán kính hoạt động khai thác cát từ 5 đến 7 km. Cụ thể: bến cát Quỳnh Ngọc (sông Krông Ana), diện tích khu đất sử dụng 4.000m2, phạm vi vùng nước 100m dọc theo bờ; bến cát Giang Sơn (sông Krông Ana chạy qua địa phận xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin), diện tích khu đất sử dụng 6.750m2; bến cát làng Thái (sông Sêrêpôk chạy qua địa phận xã Hòa Phú, TP.Buôn Ma Thuột), diện tích khu đất sử dụng 3.200m2; bến cát Cư Păm (sông Krông Bông), diện tích sử dụng 3.600m2. Ngoài ra còn có các bến đò ngang sông như bến: buôn Trấp, Bình Hòa, Quảng Điền… có chức năng vận chuyển hành khách, nông sản và đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, theo Sở GT-VT: hầu hết các bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đều chưa được cấp phép hoạt động, đều là bến tự phát, hình thành từ nhu cầu sản xuất, đi lại của người dân ở các địa phương nên quy mô nhỏ lẻ, không được đầu tư trang thiết bị; đặc biệt các bến cát vi phạm hành lang an toàn giao thông nghiêm trọng, việc khai thác cát ở các bến làm ảnh hưởng đến an toàn các công trình cầu, đường. Trong khi đó, hầu hết phương tiện chuyên chở đều là phương tiện tự đóng, không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và không bảo đảm an toàn . Mặt khác, hạ tầng đường bộ (đường dẫn đến các bến đò ngang, bến cát) rất tạm bợ, thô sơ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Đơn cử, tại bến Buôn Trấp (huyện Krông Ana), đoạn đường dẫn xuống bến có độ dốc cao, nhỏ hẹp, khi gặp mưa rất lầy lội, cản trở việc đi lại của người dân, đặc biệt việc chuyên chở nông sản, phân bón. Anh Hoàng Đình Tuấn, tổ dân phố 4, thị trấn Buôn Trấp lo lắng: mỗi lần qua sông là thấy ngán ngẩm, máy móc, hàng hóa có nguy cơ đổ dìm xuống sông, nguy hiểm cho tính mạng những người đi đò.

Cần sớm quy hoạch mạng lưới giao thông đường thủy

Với đặc thù địa hình miền núi nhiều thác gềnh, gây khó khăn cho vận tải đường thủy, nhưng những năm gần đây vận tải thủy nội địa cũng đã góp một phần vào hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh, nhất là về khối lượng vận chuyển khách, hàng hóa ở các bến đò và sản lượng cát ở các bến cát. Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, sản lượng cát tại bến cát từ năm 2007 đến 2011 tăng lên đáng kể, góp phần tăng thêm thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Cụ thể, tại bến Giang Sơn (năm 2007) 115,3 tấn/năm đến năm 2011 là 144,5 tấn/năm; bến Quỳnh Ngọc 92,3 tấn (2007) lên 113,3 tấn vào năm 2011. Khối lượng vận chuyển hành khách tại các bến đò ngang năm 2007 trên 133 hành khách/năm đến năm 2011 tăng lên 217 hành khách/năm. Mặc dù khối lượng vận chuyển tại các bến không nhiều so với giao thông đường bộ, nhưng hệ thống giao thông thủy nội địa đã phục vụ một phần nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là đưa đón học sinh ở vùng sâu vùng xa. Đơn cử như bến đò Bình Hòa đã góp phần rút ngắn quãng đường từ thôn 6 đến trung tâm xã (và đó cũng là lối đi duy nhất của bà con thôn 6 trong mùa mưa bão); đồng thời mỗi năm bến đò còn vận chuyển trên 500 tấn nông sản, hàng hóa cho người dân khu vực lân cận. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một bến đò tự phát, không thể lường trước những rủi ro cho người tham gia giao thông. Tương tự, tại bến Buôn Trấp, mặc dù khối lượng hàng hóa khá lớn, nhất là nông sản sau thu hoạch, nhưng từ cơ sở hạ tầng cho đến phương tiện vận chuyển đều do người dân tự bỏ ra đầu tư, rồi thu tiền của người qua đò nên rất thiếu và yếu, bởi nguồn vốn của người dân rất hạn hẹp. Bến đò buôn Trấp là điểm nối giữa thị trấn Buôn Trấp và cánh đồng lúa nước Bình Hòa được xem là vựa lúa lớn của huyện Krông Ana, nên cứ đến mùa thu hoạch, nhu cầu đi lại và vận chuyển nông sản của người dân rất cao. Trong khi đó, cây cầu tiền tỷ xây dựng dở dang cả chục năm nay vẫn đứng chỏng chơ do thiếu vốn, đò ngang vẫn là con đường duy nhất để người dân qua sông. Ông Phan Ngọc Khán, Phó trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Krông Ana cho rằng để cơ sở hạ tầng được quan tâm, đầu tư đúng mức, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân thì các cơ quan chức năng cần sớm có quy hoạch chi tiết, cụ thể về hệ thống giao thông thủy nội địa.

Từ những nhu cầu bức thiết của loại hình giao thông này, Sở GTVT đã xây dựng đề án rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển GTVT đến năm 2020, định hướng đến 2030, trong đó bao gồm cả mạng lưới giao thông thủy nội địa. Theo đó, tỉnh sẽ phát triển 2 tuyến vận tải trên sông Krông Ana và 1 tuyến trên sông Sêrêpôk; xây dựng 5 bến đò chở khách ngang sông gồm các bến đò: Bình Hòa, Buôn Trấp, Quỳnh Ngọc, Krông Nô và buôn Jul. Đối với các hồ, từ nay đến 2015 sẽ xây dựng 5 bến du lịch tại các hồ: Lak (huyện Lak), Ea Nhái (Krông Pak), Ea Kao (TP.Buôn Ma Thuột), Dak Minh (Buôn Đôn) và hồ môi trường vườn quốc gia Yok Đôn (Buôn Đôn); định hướng đến năm 2020 sẽ xây dựng thêm 5 hồ du lịch, nâng tổng số hồ phục vụ du lịch lên 10 hồ.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc