Multimedia Đọc Báo in

Khi nông dân được trao chiếc "cần câu"...

10:23, 20/07/2015

Sự hỗ trợ, cho vay vốn làm ăn thông qua các chương trình, chính sách của Nhà nước; việc hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi từ các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ do các cấp hội, đoàn thể và chính quyền địa phương tổ chức… được coi như những chiếc “cần câu” tạo điều kiện cho nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững.

Phát huy vai trò “bà đỡ” của nông dân

Điển hình về vai trò giúp người dân có chiếc “cần câu” để vươn lên thoát nghèo phải kể đến những việc làm hiệu quả của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh. Ông Nguyễn Văn Huệ, Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ - Tín dụng, NHCSXH tỉnh cho biết, những năm qua, đơn vị luôn phối hợp tốt với các hội, đoàn thể và chính quyền địa phương giải ngân kịp thời vốn vay ưu đãi của Chính phủ cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, cải thiện đời sống và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Riêng từ năm 2014 đến nay NHCSXH tỉnh đã giải ngân cho vay hơn 383,3 tỷ đồng đối với 19.818 hộ nghèo; gần 342,3 tỷ đồng cho 15.871 hộ cận nghèo được vay; hơn 40,7 tỷ đồng đối với chương trình giải quyết việc làm trên địa bàn toàn tỉnh… Trong đó, hoạt động cho vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị, xã hội được xem là một kênh đặc biệt quan trọng và hữu hiệu giúp người dân tiếp cận tốt hơn, thuận lợi hơn với nguồn vốn vay của NHCSXH. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, cộng với việc được các cấp Hội, đoàn thể tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng vốn ưu đãi đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế, nhiều bà con nông dân đã biết cách làm ăn, vươn lên trong cuộc sống.

Vợ chồng ông Trần Xuân Hóa đang chăm sóc vườn ươm giống cây trồng của gia đình.
Vợ chồng ông Trần Xuân Hóa đang chăm sóc vườn ươm giống cây trồng của gia đình.

Nhằm làm tốt vai trò “bà đỡ” cho các hội viên nông dân, thời gian qua, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ bà con trong phát triển sản xuất. Từ năm 2011 đến nay, Hội đã tổ chức được trên 24.600 buổi tuyên truyền, phổ biến về những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, những gương người tốt, mô hình sản xuất giỏi cho gần 200.000 lượt hội viên; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 7.783 lớp tập huấn, 3.779 buổi hội thảo, mở 287 lớp dạy nghề cho 732.572 lượt hội viên; tổ chức triển khai 19 dự án, đề án khuyến nông - lâm - ngư nghiệp và khuyến công phát triển sản xuất, giúp trên 1.000 hội viên tham gia và hưởng lợi trực tiếp từ dự án, đề án. Tổ chức Hội còn đứng ra nhận tín chấp cho gần 300.000 hộ nông dân vay vốn từ các ngân hàng, với tổng dư nợ trên 1.500 tỷ đồng; phối hợp với các doanh nghiệp giúp hội viên nông dân mua 70.230 tấn phân bón theo hình thức trả chậm, trị giá 245 tỷ đồng… Trao đổi về những kết quả mà Hội đạt được, ông Y Tô Niê Kdăm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất đã có tác động thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp phát triển toàn diện, bộ mặt nông thôn tại nhiều địa phương ngày càng khởi sắc. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có khoảng 337.625 lượt nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi được công nhận ở cả 4 cấp từ cơ sở đến Trung ương.

Sử dụng hiệu quả chiếc “cần câu”

Trước đây, gia đình ông Trần Xuân Hóa ở thôn Thống Nhất là hộ nghèo của thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar). Do không có đất canh tác, nhà lại đông con nên mặc dù chăm chỉ làm ăn nhưng cái nghèo vẫn đeo bám mãi. Trong lúc tưởng chừng như bế tắc thì năm 2007, gia đình ông Hóa được vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đồng thời được tham gia các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp do Hội Nông dân huyện tổ chức. Có đồng vốn ban đầu, được hướng dẫn cách làm ăn, cộng với sự cần cù lao động, ông Hóa đã thuê 2 sào đất của người dân trong thôn để canh tác các loại cây ngắn ngày như đậu, ngô; số vốn còn lại ông đầu tư mua 20 con gà thả vườn và 2 con heo rừng giống về nuôi. Nhờ biết vận dụng các kiến thức được tập huấn vào chăm sóc cây trồng, vật nuôi đúng cách nên năng suất, chất lượng cây con của gia đình ông đạt hiệu quả cao. Ông Hóa chia sẻ: Năm đầu tiên ông thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn đó ông tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi và phát huy hết hiệu quả canh tác trên cùng một diện tích đất là vừa trồng các loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng và xen canh các loại cây ngắn ngày, mua thêm dê, heo rừng, gà, vịt… về nuôi. Chưa dừng lại ở đó, nhận thấy nhu cầu mua cây giống của các hộ dân trong vùng khá lớn, ông Hóa đã tự mày mò học hỏi cách ươm cây giống qua sách, báo và một số nhà vườn có uy tín trong tỉnh để áp dụng về nhà mình. Theo đó, đến năm 2013, ông Hóa không những đã trả hết nợ ngân hàng mà còn mua được trên 4 sào đất để canh tác đa cây đa con. Trên diện tích đất đó, hiện nay ông Hóa đang trồng 2 sào bơ, 1 sào cỏ và trên 1 sào làm vườn ươm cây giống (mỗi năm xuất bán trên 50.000 cây giống các loại), cộng với 30 con dê nuôi nhốt tập trung, 30 con heo rừng, mỗi năm, gia đình ông Hóa thu nhập khoảng 500 triệu đồng.

Cách đây 7 năm, gia đình chị H’Lam Niê (SN 1964) ở buôn Hđrát, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) thuộc diện hộ nghèo nhất nhì xã. Chồng mất từ năm 1988, một mình chị H’Lam phải làm thuê làm mướn nuôi 2 con nên đời sống gia đình khốn khó trăm bề. Năm 2008, chị H’Lam được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng làm vốn khởi nghiệp theo Chương trình 134 của Chính phủ. Sau khi tham gia lớp tập huấn về chăn nuôi bò sinh sản do chính quyền địa phương tổ chức, chị đã mạnh dạn mua bò giống về nuôi. Từ 1 con bò ban đầu, nhờ chăm sóc tốt nên chỉ 1 năm sau bò mẹ đã sinh sản. Sau 3 năm, chị đã có bò bán để trang trải cho cuộc sống gia đình. Hiện tại đàn bò của gia đình chị H’Lam có 8 con, trong đó có 5 bò mẹ, với tổng trị giá trên 150 triệu đồng. Theo chị H’Lam tính toán: Mỗi bò cái sinh sản nếu chọn giống tốt và chăm sóc đầy đủ thì mỗi năm sẽ sinh sản một bê con, mỗi bê con khi được 7 - 10 tháng tuổi với giá bán như hiện nay sẽ có được từ 12 đến 15 triệu đồng. Như vậy, với 5 bò cái sinh sản thì mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình chị thu lãi từ 60 đến 75 triệu đồng. Nhờ vậy nên gia đình chị đã dần ổn định được cuộc sống.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc