Multimedia Đọc Báo in

Nâng niu những hạt lúa thiêng

17:08, 30/01/2017

Ngày nay, một số cộng đồng người dân tộc thiểu số vẫn còn canh tác giống lúa truyền thống của mình không chỉ để làm lương thực mà quan trọng hơn là níu giữ lại những điều quý giá, thiêng liêng đã tồn tại bao đời nay trong đời sống, tâm thức của họ.

Người M’nông huyện Lắk giữ giống lúa truyền thống

Xen giữa những vườn cà phê, ngô, ruộng lúa nước trù phú, quả đồi nhỏ ở buôn Je Juk, xã Đắk Phơi (huyện Lắk) vẫn được bà con người M’nông “quy hoạch” trồng giống lúa truyền thống của dân tộc mình. Chị H’May Bkrông cho biết, cả buôn có 130 hộ thì có gần 100 hộ còn trồng lúa nương, riêng gia đình chị có hơn 1 ha đất, bên cạnh trồng cà phê, bắp cũng dành một ít diện tích để trồng giống lúa này, mỗi năm thu được khoảng vài tạ lúa để ăn trong gia đình và dùng ủ rượu cần đãi khách quý. Lúa được trồng trên đồi đất khô cứng và phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời, vậy mà vẫn phát triển mạnh, thân cao ngang tầm đầu người, hạt to, dài. Chị Triệu Thị Phương, cán bộ khuyến nông xã cho biết, mặc dù có lúa nước, bà con ở đây vẫn duy trì lúa nương truyền thống, trong đó tập trung nhiều nhất tại các buôn Je Juk, Đung, T’long và Du Mah. Điều đặc biệt, bà con vẫn trồng lúa nương theo phương pháp truyền thống là trồng trên đồi, sử dụng cọc chọc lỗ để gieo hạt, không bón phân và thu hoạch bằng cách dùng tay tuốt từng bông cho vào gùi. 

Người Êđê xã Đray Bhăng, huyện Cư Kuin thu hoạch lúa rẫy.
Người Êđê xã Đray Bhăng, huyện Cư Kuin thu hoạch lúa rẫy.

Tương tự, tại buôn Hang Ja, xã Bông Krang (huyện Lắk) vẫn còn giống lúa cổ của người M’nông. Anh Ama Nghiêm, một người dân trong buôn cho biết: “Không biết giống lúa có từ bao giờ, từ đời ông bà mình đã sử dụng và để lại cho con cháu nên ai cũng quý trọng nó. Trước đây, nhà nào cũng trồng, nhưng vài năm trở lại đây, giống này khan hiếm dần, dân trong buôn cũng chuyển sang trồng ngô, đậu, nên diện tích lúa nương còn lại rất ít”. 

Trước nguy cơ tuyệt chủng giống lúa này, vụ hè thu năm 2015, Trạm Khuyến nông huyện Lắk phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ triển khai đề tài “Xây dựng một số mô hình cây trồng, vật nuôi bản địa có lợi thế hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk”. Theo đó, 2 giống lúa bản địa thuần chủng là Ba NjRang và Ba MeiMô của người M’nông được trồng thí điểm trên diện tích 1 ha. Theo đánh giá của ban chủ nhiệm đề tài, 2 giống lúa này có cây cao, khả năng chịu hạn, chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất đạt 3,5 tấn/ha, chất lượng gạo tốt, cơm ngon; nếu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thì có thể cho năng suất, chất lượng tương đương các giống lai khác, đồng thời góp phần bảo tồn nguồn gen lúa quý hiếm của địa phương.

Giống lúa truyền thống của người M’nông .
Giống lúa truyền thống của người M’nông.

Lúa thiêng của người Êđê

Tại buôn Tơng Lia, xã Ea Tar (huyện Cư M’gar), hằng năm, người dân vẫn duy trì một ít diện tích trồng lúa nương. Anh Y Viak Niê cho biết, theo lời người già kể lại, cứ vào tháng 3, khi con ong đi lấy mật, bà con trong buôn rủ nhau đi phát rẫy làm nương. Chờ khoảng một tháng cho cây cỏ khô, dân làng bắt đầu đốt rẫy và chờ mưa xuống để trỉa lúa. Ngày trỉa lúa, người đàn ông trong gia đình chuẩn bị cọc vót nhọn một đầu để chọc lỗ. Khoảng cách giữa các lỗ trỉa hạt chừng một gang đến một gang rưỡi tay người lớn tùy đất tốt hay xấu. Người phụ nữ thì chuẩn bị ống nứa đựng lúa giống đi theo sau thả hạt giống. Lúa giống phải là hạt to đều, chắc khỏe, được gác bếp để xử lý mầm bệnh, khi lấp đất không được quá sâu để lúa nảy mầm, nhưng cũng không quá cạn để chim, chuột bới lên ăn. Khi lúa mọc lên, người ta không bón phân mà chỉ làm cỏ rồi chờ đến mùa thu hoạch. Điều quan trọng là trong rẫy của gia đình nào cũng có một mảnh đất riêng để trồng lúa dành cho Yàng, lúa này được chăm sóc kỹ lưỡng, khi chín phải thu hoạch trước và chỉ được tuốt bằng tay. Ngày nay, cứ khi mưa xuống vào khoảng đầu tháng 5, cùng với việc cấy lúa nước vụ hè thu, bà con ở đây tranh thủ cuốc rẫy trỉa lúa nương. Lúa này năng suất không cao như các loại giống lúa mới, nhưng bà con không bỏ được mà tìm cách giữ lại sản vật từ bao đời của đồng bào mình. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích rất khó khăn do giống lúa ngày càng hiếm, quỹ đất trồng trỉa cũng không còn nhiều như trước đây.

Giàn lúa nếp vàng của anh Vi Dong, thôn 17, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn
Giàn lúa nếp vàng của anh Vi Dong, thôn 17, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn.

Theo quan niệm của người Êđê, cây lúa cũng mang linh hồn, do đó, mỗi giai đoạn trồng lúa đều tổ chức lễ cúng chu đáo. Cụ thể, khi đốt rẫy, chuẩn bị đất xong, bà con tiến hành làm lễ cúng thần lúa, cầu cho thần linh phù hộ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; trước khi gieo trỉa thì làm lễ cúng lúa giống trên kho để xin phép đem lúa giống lên nương, cầu mong thần lúa phù hộ cho lúa tốt; vào ngày gieo hạt thì tiến hành lễ trỉa lúa, đến khi thu hoạch xong thì làm lễ mừng lúa mới và cúng tạ ơn thần lúa. Nét đẹp văn hóa này vẫn còn được lưu giữ tại một số buôn làng Êđê cho đến ngày hôm nay. 

Dẻo thơm nếp vàng của người Tày 

Từ nhiều năm nay, bà con người Tày ở xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) đã  mang giống lúa nếp vàng truyền thống từ Cao Bằng, Bắc Cạn vào trồng trên vùng đất này. Theo ông Hà Trung Trực, Trưởng thôn 17B, xã Ea Bar, cả thôn có 109 hộ thì đa phần là người Tày, ai có ruộng cũng để dành một ít đất trồng nếp vàng, nhiều thì chừng 1 sào, ít thì vài trăm mét vuông. Lúa này được trồng trong vụ hè thu theo từng đám tập trung hoặc xung quanh ruộng. Đến khi bông lúa vừa cứng hạt, vỏ vẫn còn xanh thì người ta hái về làm cốm. Đầu tháng 9, khi trời có sương đêm, lúa chín vàng thì tiến hành thu hoạch. Ở đây, bà con thu hoạch lúa nếp bằng tan khấu (cái hái), hái từng bông và xếp so le nhau, nên người ta còn gọi là nếp hái. Hái xong, họ không phơi lúa nếp dưới nắng gắt mà phơi qua nắng nhẹ rồi bảo quản bằng cách treo trên xà nhà. Nhờ đó mà khi xay xát, hạt nếp ít bị vỡ, thơm ngon hơn. 

Gia đình bà Ban Xuân là một trong những hộ đầu tiên trồng nếp vàng ở vùng này, năm nhiều nhất thu được 3 tạ lúa nếp. Bà cho biết, nếp của người Tày có 2 loại là nếp đỏ và nếp vàng, nhưng hiện bà con chỉ còn trồng nếp vàng, dùng làm xôi, bánh khảo, bánh chưng cúng tổ tiên, cảm ơn trời đất đã ban cho mùa màng bội thu. Dịp Tết, nhà nào cũng có bánh chưng, bánh khảo và cốm được làm từ nếp vàng. Với người Tày, ngày xuân, cả gia đình quây quần, thưởng thức những đặc sản làm từ nếp vàng là cách để nhớ đến tổ tiên đã để lại cho con cháu giống lúa quý.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.