Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

14:10, 15/03/2017

Trong những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững luôn được các cấp Hội Nông dân triển khai hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Ông Nguyễn Văn Tư, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, xác định phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là phong trào trọng tâm nên trong những năm qua, Hội đã tập trung chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức và hướng dẫn hội viên, nông dân đăng ký thi đua. Qua đó, đã thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo hội viên, nông dân và tạo ra khí thế thi đua sôi nổi trên địa bàn toàn tỉnh.

Trước đây, cũng như nhiều hộ dân khác trong buôn, gia đình chị H’Lanh Bkrông (buôn Yông Hắt, xã Krông Nô, huyện Lắk) rất khó khăn khi mọi sinh hoạt chỉ trông vào lợi nhuận từ quán tạp hóa nhỏ của gia đình. Năm 2009, sau khi lập gia đình, chị được bố mẹ để lại cho vài sào đất bạc màu. Nhờ chăm chỉ làm ăn, chịu khó tham gia vào các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân tổ chức, cộng với sự giúp đỡ của người thân, nên chỉ 5 năm sau, từ mấy sào đất bạc màu khi nào đã trở thành vườn cà phê xanh tốt. Khi đã tích cóp được ít vốn, gia đình chị tiếp tục mua thêm đất rẫy để trồng cà phê, hồ tiêu và mua bò sinh sản, heo rừng lai về nuôi… Hiện nay, với gần 1 ha cà phê, 3 sào mặt nước nuôi cá, cộng với chăn nuôi, mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình chị có thu nhập gần 100 triệu đồng.

Ông Phạm Mạnh Hùng chăm sóc vườn tiêu của gia đình.
Ông Phạm Mạnh Hùng chăm sóc vườn tiêu của gia đình.

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn tiêu xanh mướt của gia đình, ông Phạm Mạnh Hùng (thôn 1, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) không giấu được niềm vui khi gia đình mình đã thật sự “đổi đời” sau bao tháng ngày gian khó. Ông Hùng kể lại, những năm 1990, gia đình ông từ Ninh Bình vào Đắk Lắk lập nghiệp với vài sào đất cằn cỗi mua lại từ người thân. Để giải quyết nhu cầu kinh tế trước mắt, vợ chồng ông trồng các loại cây ngắn ngày như ngô, đậu…; thời gian rảnh thì đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Một thời gian sau, nhận thấy cây hồ tiêu phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây nên ông quyết định chọn loại cây này để phát triển kinh tế. Nhờ chăm chỉ trong lao động sản xuất, đến nay gia đình ông đã sở hữu 1,5 ha hồ tiêu và 5 sào cà phê, cộng với ao nuôi cá, mỗi năm thu lãi khoảng 400 triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, gia đình ông Hùng còn tích cực đóng góp vào sự phát triển chung tại địa phương như hiến đất và đóng góp gần 60 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn.

Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, các cấp Hội Nông dân đã phối hợp với ngành nông nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức gần 8.230 lớp tập huấn và 4.460 buổi hội thảo với hơn 809.000 lượt hội viên, nông dân tham gia; phối hợp và trực tiếp mở được 368 lớp dạy nghề cho 10.689 lượt hội viên... Ngoài ra, các cấp Hội đã thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân được hơn 16 tỷ đồng, giúp 3.178 hộ vay vốn đầu tư sản xuất; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác và tín chấp với Ngân hàng NN-PTNT giúp 214.378 lượt hội viên vay vốn với số tiền 2.755 tỷ đồng; phối hợp với các doanh nghiệp giúp hội viên mua phân bón theo hình thức trả chậm được 76.230 tấn phân bón các loại trị giá gần 200 tỷ đồng; hỗ trợ được trên 4 triệu cây giống các loại…

Từ phong trào nông dân SXKDG đã có hơn 18.000 hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần thiết thực đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã trực tiếp vận động và phối hợp vận động hội viên nông dân đóng góp 76,6 tỷ đồng, trên 162.000 công lao động, hiến hơn 405.000 m2 đất… để làm mới, tu sửa, bảo dưỡng được 13.361 km đường, 473 km kênh mương và nhiều công trình dân sinh khác… 

 Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.