Multimedia Đọc Báo in

Quản lý thuế trong kinh doanh vận tải: Còn nhiều vướng mắc

07:40, 12/06/2017

Đắk Lắk là một trong những địa phương có số lượng phương tiện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải khá lớn. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguồn thu thuế đối với hoạt động này chỉ được hơn 50% số đầu xe...

Theo thống kê của Sở GTVT, tính đến hết quý I – 2017, Sở đã cấp phù hiệu cho 4.067 phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách. Trong khi đó, theo báo cáo của ngành Thuế, quý I – 2017, đơn vị chỉ thu được hơn 9 tỷ đồng tiền thuế, tương đương với 2.807 đầu xe (bằng 69%/tổng số phương tiện vận tải kinh doanh). Còn theo báo cáo của Cục Thống kê, tính đến hết năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 5.199 ôtô kinh doanh vận tải, số xe do ngành Thuế quản lý 2.806 chiếc chỉ chiếm 53,9% so với số liệu của Cục Thống kê. Theo Cục Thuế tỉnh, ngoài nguyên nhân một số đơn vị cố tình trốn thuế, có 2 nguyên nhân khách quan dẫn đến sự chênh lệch trên đó là: Một số xe cá nhân có mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân và lệ phí môn bài; một số xe đã được cấp phù hiệu vận tải nhưng đã tạm nghỉ hoặc bỏ kinh doanh.

Hiện ngành Thuế tỉnh đang thực hiện quản lý thu thuế trên cơ sở căn cứ các quy định tại Luật Quản lý Thuế, Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (DN); riêng việc quản lý thuế đối với các cá nhân được thực hiện theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 16 – 5 – 2015 của Bộ Tài chính, hướng dẫn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh. Theo đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải được tính thuế theo 2 phương pháp: Đối với DN vận tải, thu thuế theo kê khai của DN, HTX thực hiện đầy đủ chế độ sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ; thu theo phương pháp khoán đối với các cá nhân không thực hiện đầy đủ chế độ sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ, không xác định được doanh thu kinh doanh thực tế.

Xe bắt khách trên đường Nguyễn Chí Thanh (TP. Buôn Ma Thuột).
Xe bắt khách trên đường Nguyễn Chí Thanh (TP. Buôn Ma Thuột).

Quy định là thế, song trong thực tế, đối với vận tải hành khách vẫn còn tình trạng một số chủ phương tiện có xe kinh doanh vận tải “núp” dưới dạng xe phục vụ gia đình, hoặc kinh doanh ngành nghề khác, không kê khai nộp thuế. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh nở rộ dịch vụ taxi gia đình, tức là dùng xe cá nhân không đăng ký kinh doanh để thực hiện hoạt động đón, trả khách tại nhà, khiến việc quản lý các loại phương tiện này rất khó khăn.

Bên cạnh đó, không ít chủ phương tiện tham gia thành viên HTX vận tải để xin cấp phù hiệu kinh doanh vận tải nhưng cả chủ xe và HTX đều không kê khai nộp thuế. Đơn cử như Công ty vận tải Việt Thanh (huyện Ea Kar), cơ quan chức năng đã truy thu và xử phạt hành chính với số tiền trên 145 triệu đồng, song DN này vẫn cố tình vi phạm, hiện nay, Chi cục Thuế huyện Ea Kar đang tiếp tục thực hiện các bước đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế theo quy định; đồng thời giám sát chặt chẽ hồ sơ khai thuế, trường hợp phát hiện kê khai thuế không đúng sẽ thực hiện ấn định thuế và xử lý theo quy định.

Tại TP. Buôn Ma Thuột, HTX Thành Đạt kê khai với đơn vị quản lý thuế là 133 đầu xe, trong khi số lượng xe thực tế của DN này có thời điểm lên tới trên 300 chiếc. Tháng 5 – 2017, Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột đã ban hành quyết định kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, tuy nhiên đến nay HTX đã đóng cửa, không hợp tác. Trong khi đó, đối với vận tải hàng hóa, chỉ một số phương tiện của các DN có hợp đồng vận chuyển, hóa đơn, chứng từ rõ ràng, còn lại đều là thỏa thuận miệng giữa 2 bên nên cơ quan quản lý thuế rất khó xác định mức doanh thu để tính thuế.

Ngành Thuế tỉnh hiện quản lý 241 tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải, trong đó, gồm 15 công ty cổ phần, 80 công ty TNHH, 72 HTX, 15 DN tư nhân và 59 hộ, cá nhân kinh doanh.

Thực tế, hằng năm ngành thuế và Sở GTVT đã có sự phối hợp trong công tác quản lý thuế như báo cáo danh sách các xe được cấp phù hiệu hoạt động vận tải, sự biến động về phương tiện nhằm hạn chế tình trạng thất thu thuế trên đầu phương tiện. Tuy nhiên, sự phối hợp này chưa chặt chẽ, không thường xuyên nên hiệu quả không cao. Trước đây, Sở GTVT cũng đã có thời gian yêu cầu chủ phương tiện xuất trình việc nộp thuế với cơ quan đăng kiểm trước khi kiểm định, nhưng từ khi xã hội hóa hoạt động đăng kiểm thì việc này không triển khai được do chưa có quy định thống nhất toàn quốc về thuế trước khi kiểm định.

Ông Bùi Văn Chuẩn, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, để tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải, từ tháng 3 – 2017, Cục Thuế tỉnh đã báo cáo và tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo giao ngành Thuế chủ trì, các ngành có liên quan phối hợp tham gia xây dựng Đề án quản lý hoạt động kinh doanh vận tải. Trong đó, giải pháp trọng tâm là tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, các trung tâm đăng kiểm và lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.