Multimedia Đọc Báo in

Du lịch Đắk Lắk - những gam màu tươi sáng

05:54, 16/02/2018

Chưa bao giờ ngành Du lịch Đắk Lắk có sự nỗ lực vượt bậc như trong thời gian qua, nhất là khi Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh được củng cố, kiện toàn trên các phương diện tổ chức, điều hành và chỉ đạo… Có thể nói, nỗ lực ấy đã từng bước mang lại những gam màu tươi sáng cho bức tranh du lịch của tỉnh.

Từ chủ trương, chính sách...

Trên ba “trụ đỡ” được xác định (Nhà nước - doanh nghiệp - cộng đồng) nhằm  xây dựng và phát triển “ngành công nghiệp không khói” ở Đắk Lắk, thì yếu tố thứ nhất được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để hoạch định và thúc đẩy mạnh mẽ ngành kinh tế mũi nhọn này. Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phù hợp và kịp thời giúp ngành Du lịch tăng tốc đáng kể, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế, xã hội của địa phương.

Chủ trương, chính sách ấy là sự ưu đãi về thuế và đất, cơ sở hạ tầng; đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực; quảng bá, xúc tiến du lịch; bảo đảm  công tác an toàn, an ninh trong hoạt động du lịch; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; định hướng phát triển du lịch bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể và thường niên. Cụ thể, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 4-10-2016 về nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch giai đoạn 2016 - 2020; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 30-8-2016 về phát triển du lịch Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2020 và UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3394/QĐ-UBND ngày 15-11-2016 về Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2020. 

Biệt điện Bảo Đại (TP. Buôn Ma Thuột), điểm đến của du khách.
Biệt điện Bảo Đại (TP. Buôn Ma Thuột), điểm đến của du khách.

Các văn bản pháp lý trên đã tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng, cộng đồng làm du lịch ở đây khắc phục tình trạng quy hoạch chồng chéo, dàn trải trong việc định hướng kêu gọi đầu tư. Từ con số 24 đề án quy hoạch phát triển khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã được cơ quan có thẩm quyền đánh giá và rà soát lại chỉ còn 8 dự án. Trong đó một số dự án có tính khả thi cao, quy mô lớn được tỉnh quan tâm như Khu du lịch văn hóa - sinh thái dọc sông Sêrêpốk (Buôn Đôn); Khu nghỉ dưỡng cao cấp hồ Lắk (huyện Lắk); Cụm du lịch sinh thái thác Gia Long - Dray Nur (Krông Ana); Khu du lịch văn hóa - sinh thái Suối Xanh  (TP. Buôn Ma Thuột) và Đồi cảnh quan Cư H’lâm (Cư M’gar). Những khu, điểm du lịch này hầu hết đã hoàn tất thủ tục đầu tư và đã được bàn giao mặt bằng để khởi động với mục đích, yêu cầu là thân thiện với cảnh quan - môi trường; tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng cao, khác biệt và mang đặc trưng văn hóa  của các cộng đồng dân tộc bản địa. 

Cơ sở pháp lý trên cũng là điểm tựa giúp các cơ quan chức năng xây dựng, thực hiện Đề án Phát triển du lịch giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất vẫn là tìm kiếm cơ hội, nguồn lực đầu tư cho ngành kinh tế này. Được biết, từ năm 2015 đến nay, Trung ương đã hỗ trợ khoảng 40 tỷ đồng giúp Đắk Lắk đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu và cơ bản như: Kè chắn đất kết hợp với đường giao thông dành cho người đi bộ quanh hồ Lắk; Đường giao thông nội bộ Khu Du lịch hồ Ea Súp Thượng; Danh thắng đồi Cư H’lâm và Khu du lịch hồ buôn Jông - huyện Cư M’gar. Bên cạnh đó, từ nguồn trích ngân sách 0,5% trên GDP hằng năm, tỉnh cũng đã từng bước khảo sát, hoàn chỉnh việc quy hoạch chi tiết cho 7 cụm, điểm  du lịch trọng điểm trên địa bàn để kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tham gia.

…đến doanh nghiệp và cộng đồng vào cuộc

Thời gian qua, Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk đã tập hợp, kêu gọi các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tham gia nhiều đợt trao đổi, hợp tác với nhiều đối tác ở khu vực phía Bắc và Nam bộ nhằm tìm giải pháp liên kết phát triển du lịch địa phương dựa trên sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao. 

Các đơn vị làm du lịch ở Buôn Đôn, hồ Lắk, Krông Ana thì ưu tiên về sản phẩm cưỡi voi, thám hiểm rừng già và chinh phục các ngọn thác, đỉnh núi… Còn ở TP. Buôn Ma Thuột và các vùng khác thì tích cực xúc tiến quảng bá sản phẩm đặc thù, mới mẻ như trải nghiệm với cà phê, điền dã các buôn làng truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. 

Cúng sức khỏe cho voi, sản phẩm du lịch đặc thù của vùng đất Buôn Đôn.
Cúng sức khỏe cho voi, sản phẩm du lịch đặc thù của vùng đất Buôn Đôn.

Theo đó, cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ đã “bắt tay” chặt chẽ hơn với DN để bảo tồn, phát huy vốn văn hóa đặc sắc và độc đáo của mình thông qua hoạt động du lịch. Nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn được ra mắt: 5 lễ hội truyền thống của các dân tộc Êđê, M’nông, Sê đăng được phục dựng và tái hiện thường niên tại TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar, Krông Bông, Krông Năng, Lắk và thị xã Buôn Hồ. Hoạt động diễn tấu cồng chiêng, biểu diễn dân ca, dân vũ cũng được nghiên cứu, hoàn thiện đầy đủ, sâu sắc hơn trên cơ sở kế thừa và sáng tạo nhằm thu hút du khách đến với vùng đất được xem là “chiếc nôi” của Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Đặc biệt là Không gian văn hóa trên đã được chính quyền và cộng đồng làm du lịch Đắk Lắk nỗ lực và dày công thể hiện ngày càng chân thật, sinh động tại Biệt điện Bảo Đại (số 4 Nguyễn Du - TP. Buôn Ma Thuột) vào hai tối thứ Bảy trong tháng. 

Từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến việc tham gia tích cực và có trách nhiệm của các DN, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh là cơ sở vững chắc để du lịch Đắk Lắk tiếp tục đạt được mục tiêu đặt ra cho những năm tiếp theo, trong đó quan trọng là con số 1,3 triệu lượt khách đến đây vào năm 2020.

Năm 2017, du lịch Đắk Lắk thu hút trên 703.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế tăng mạnh với 67.000 lượt khách; doanh thu đạt hơn 610 tỷ đồng; cả số lượng khách và doanh thu đều vượt kế hoạch được giao. Đặc biệt, mức tăng trưởng ngành du lịch Đắk Lắk năm 2017 đạt 27,08%.


Phương Đình

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.