Multimedia Đọc Báo in

Tâm sự từ những làng nghề (Kỳ 2)

09:14, 02/04/2018

Kỳ 2: Giấc mơ thương hiệu nhung nai Cư Êbur

Làng nghề nuôi nai lấy nhung (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) đã trải qua hơn nửa thế kỷ với biết bao thăng trầm dâu bể. Đến nay, phần đông người dân ở đây vẫn giữ nghề kiếm sống và luôn coi đó là nguồn thu nhập quan trọng của mỗi hộ gia đình.

Làng nai ven đô

Xứ Châu Sơn có tên gọi từ năm 1954, khi những hộ dân vùng Nghệ - Tĩnh di cư vào đây lập nghiệp sau Hiệp định Giơnevơ. Họ mang theo nghề nuôi nai lấy nhung từ quê hương lên vùng đất mới để mưu sinh. Hết thế hệ này đến thế hệ khác tiếp nối nhau truyền nghề như thể đó là một đặc ân và cũng là trách nhiệm trước những gì cha ông để lại. Vì thế làng nghề cách trung tâm thành phố chừng 3 – 4 km về hướng Tây này chưa bao giờ vắng bóng đàn nai.

Chị Nguyễn Thục Trâm (thôn 2, xã Cư Êbur) tâm sự: Kể cả những lúc ngặt nghèo nhất, là vào những năm sau ngày đất nước thống nhất (30-4-1975), đời sống còn khó khăn, nhung nai được xem như mặt hàng xa xỉ, nên chẳng ai có nhu cầu, vậy mà bà con vẫn đều đặn giữ nghề, mỗi cặp vợ chồng mới cưới, ra riêng được cha mẹ tặng cho đôi nai làm của hồi môn. Nhung nai xứ Châu Sơn lúc ấy chủ yếu làm quà biếu tặng, hoặc ngâm rượu, chế biến thành thức ăn, đồ uống tẩm bổ cho người già yếu. Vợ chồng chị Trâm cũng từng trải qua chặng đường ấy trước khi trở thành cơ sở sản xuất, thu mua và phân phối nhung nai mang tên Đạm Trâm có tiếng trong vùng vào năm 2008. Hiện nay, cơ sở này có đàn nai 29 con, trong đó 2/3 là nai đực đang trong thời kỳ khai thác nhung với sản lượng khoảng 100 kg/năm (bình quân từ 5 – 6 kg/con/năm). Theo chị Trâm, giá bán ra trên thị trường nếu ổn định  từ 6 – 7 triệu đồng/kg thì thu nhập mang lại trên 600 triệu đồng/năm. Trừ chi phí đầu vào như thức ăn, công chăm sóc, vệ sinh chuồng trại… gia đình chị có nguồn thu mỗi năm trên dưới 500 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thục Trâm giới thiệu sản phẩm nhung nai vừa mới  thu hoạch.
Chị Nguyễn Thục Trâm giới thiệu sản phẩm nhung nai vừa mới thu hoạch.

Trang trại nuôi nai Tam Nông của anh Lê Thanh Duy (thôn 3, xã Cư Êbur) cũng bề thế không kém với đàn nai 21 con vừa cho nhung, vừa nhân giống. Và cũng theo cách tính toán trên, thì mỗi năm lợi tức từ đàn nai mang lại cho gia đình anh hơn 300 triệu đồng. Anh Duy còn cho biết, hiện trang trại Tam Nông đang bắt đầu liên kết, hợp tác với một cơ sở chế biến sản phẩm nhung nai tại TP. Hồ Chí Minh (thông qua người thân gia đình) để nâng cao chuỗi giá trị gia tăng kinh tế cho mặt hàng này. Nếu thuận lợi thì 1 kg nhung nai không dừng lại 6 - 7 triệu đồng như hiện nay, mà cao hơn rất nhiều. Có điều khiến anh Duy băn khoăn là chỉ một mình trang trại Tam Nông thực hiện việc liên kết, hợp tác chế biến nhung nai như trên thì sản lượng, cũng như quy mô sản xuất quá nhỏ bé, không mang lại hiệu quả cao. Làm sao phải tập hợp lại những hộ nuôi nai ở đây thành một mối thống nhất, mới có thể phát triển làng nghề này một cách mạnh mẽ được. Trong đó, việc từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhung nai Cư Êbur – Buôn Ma Thuột là vấn đề quan trọng và cần thiết nhất.

Vẫn “giẫm chân tại chỗ”

Mong ước của anh Duy cũng là nỗi niềm chung của hàng trăm hộ nuôi nai trên địa bàn. Ông Trần Trọng Khánh, một trong những người nuôi nai lâu niên nhất ở Cư Êbur và luôn tâm huyết với vấn đề trên phản ánh: Từ năm 2012, đề xuất nên thành lập câu lạc bộ nuôi nai, hay hợp tác xã nuôi nai đã được các hộ sản xuất, chăn nuôi ở đây kiến nghị với chính quyền địa phương và các ban ngành chức năng. Cuối năm 2013, một cuộc hội thảo khoa học (cấp thành phố) cũng được mở ra nhằm “nghị sự” về nguyện vọng chính đáng ấy cho bà con. Song, không biết vì lý do gì và vướng mắc ở đâu mà mong mỏi trên chưa được đáp ứng.

 

“Hợp tác xã rất mong sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực và kịp thời của chính quyền thành phố, đặc biệt là ngành công thương trong vấn đề công nhận làng nghề nuôi nai lấy nhung Cư Êbur, cũng như  tìm cách xây dựng và đưa thương hiệu trên đến với người tiêu dùng trên cả nước”.

 
 
Ông Đoàn Võ Trang, Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất Thương mại – Dịch vụ nai Cư Êbur

Làng nghề nuôi nai ở đây vẫn cứ phân tán, nhỏ bé và đặc biệt sản phẩm làm ra cứ gặp đâu bán đó, khiến nhung nai Cư Êbur bị ép giá, mất giá vì không có tư cách pháp nhân nào đứng ra chứng nhận và bảo hộ sản phẩm. Ông Khánh cho biết vài năm trở lại đây, đàn nai trong các hộ dân đã giảm sút đáng kể – từ hơn 2.500 con vào năm 2000, nay còn trên dưới 1.500 con. Giá cả hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái, khi khan hiếm hàng thì lên tới 9 – 10 triệu đồng, lúc tụt xuống 4 – 5 triệu đồng. Năm nay giá ở mức trung bình, từ 6 – 7 triệu đồng/kg, nhờ trên địa bàn vùng Châu Sơn có một vài cơ sở thu mua, chế biến nhung nai được các hộ cá thể mở ra. Tuy nhiên, điều đáng nói là thương lái vẫn chi phối giá cả và họ mua bán riêng lẻ với từng hộ sản xuất nên việc định giá, cạnh tranh giá dựa trên chất lượng, phẩm cấp cho sản phẩm không được thống nhất trong cộng đồng người nuôi nai nói chung. Thua thiệt vẫn cứ thuộc về người sản xuất và xa hơn là câu chuyện xây dựng thương hiệu “Nhung nai Cư Êbur – Buôn Ma Thuột” càng xa vời và khó thực hiện.

Nai đực cho người nuôi 2 lứa nhung/năm với trọng lượng từ 2-3 kg.
Nai đực cho người nuôi 2 lứa nhung/năm với trọng lượng từ 2-3 kg.

Bà H’Minh Ênuôl – cán bộ phụ trách ngành nông nghiệp xã Cư Êbur  cho hay: Cuối tháng 8 – 2017, Hợp tác xã sản xuất Thương mại – Dịch vụ nai Cư Êbur được thành lập và bước đầu thu hút một số thành viên tham gia. Có điều, đến nay mô hình này vẫn đang loay hoay tìm hướng đi cho mình, chứ chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp, ngành chức năng trong vấn đề tìm kiếm thị trường cho sản phẩm nhung nai, bảo hộ và nâng cao chuỗi giá trị cho mặt hàng này.

Đình Đối

[links()]


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.