Multimedia Đọc Báo in

Mạnh dạn phát triển kinh tế bằng nghề trồng dâu nuôi tằm

08:47, 02/08/2018

Ông Hoàng Trí Tuệ ở thôn 2, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) là một trong những nông dân luôn đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Cuối năm 2017, sau cơn bão số 12, gia đình ông trắng tay khi chỉ biết đứng nhìn 3.000 m2  bắp cải chuẩn bị thu hoạch từ từ rã bẹ. “Trời làm mất, bắt đất phải bù”,  sau nhiều đêm suy nghĩ, ông bàn với vợ quyết định đi sang Lâm Đồng tìm hiểu về nghề trồng dâu nuôi tằm.

Nhưng rồi như một cơ duyên, ông được Công ty TNHH Một thành viên Ngân Đại Phát có trụ sở đóng tại thôn Đắc Thanh, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông), hướng dẫn kỹ thuật và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Công việc đầu tiên để có nguồn nguyên liệu, một mặt ông điện ra Viện Nghiên cứu giống Trung ương tại Hà Nội để mua hạt giống, mặt khác ông sang Lâm Đồng mua hom dâu về trồng. Đây là giống dâu VH17, V15 và  S7, có đặc tính lá dày, to, năng suất đạt từ 60 - 70 tấn/ha, tuổi thọ của cây dâu là 15 năm, năng suất cao gấp đôi giống dâu cũ. Sau 6 tháng chăm sóc, vườn dâu 3.000 m2 của gia đình ông phát triển xanh tốt, khi có nguồn nguyên liệu ông bắt đầu nhờ công ty mua giống tằm về nuôi.

Ông Hoàng Trí Tuệ  bỏ dâu  cho tằm ăn.
Ông Hoàng Trí Tuệ bỏ dâu cho tằm ăn.

Ông Hoàng Trí Tuệ cho biết: Không như cách nuôi truyền thống trước đây, con giống khi mua về phải là giống tuổi 3, tuổi 4 để hạn chế bị tổn thương; thay vì nuôi bằng nong như trước đây thì tằm được nuôi trên dàn sắt lót lưới có bề mặt rộng 4 - 5 m2 , gồm có từ 4 đến 5 tầng, cao khoảng 1,5 m, đủ chỗ nuôi cho một hộp giống. Cách nuôi này sẽ tiết kiệm được diện tích mặt bằng; ngoài ra cũng có thể nuôi trên nền xi măng. Thời gian sinh trưởng của tằm tuổi 3, tuổi 4 chỉ là 15 ngày (đặc tính là tằm ăn 3 ngày ngủ một ngày, những ngày đầu cho ăn bình quân 40 kg lá dâu, đến chu kỳ ăn rỗi tăng lên 100 - 110 kg lá dâu, sau đó cho ăn rút xuống 70 kg cũng là lúc tằm lên kén). Để đảm bảo 100% kén chất lượng thì nên sử dụng loại vỉ né đôi bằng gỗ, mỗi vỉ né có những ô nhỏ kích thước 2 x 4 cm, thay cho loại vỉ né xéo chữ Z bằng tre trước đây. Với việc ứng dụng kỹ thuật mới vào nuôi tằm, trung bình một hộp tằm đạt từ 45 kg đến 55 kg kén, cao hơn có thể đạt 60 kg, với giá bán hiện tại 140.000 đồng/kg, thì chỉ sau 15 ngày người nuôi tằm thu được từ 6.300.000 đồng đến 7.700.000 đồng; sau khi trừ chi phí con giống và chiết khấu vật tư ban đầu còn lãi 4.000.000 đồng. Điều mà ông Tuệ tâm đắc nhất đó là trồng dâu nuôi tằm có nhiều lợi ích, thứ nhất là không bị ô nhiễm môi trường do thuốc bảo vệ thực vật như các loại cây trồng khác, thứ hai là phân của tằm là phân hữu cơ rất thân thiện với môi trường, thứ ba nhộng là nguồn thực phẩm sạch cải thiện bữa ăn và không tốn nhân công.   

Ông Ngân Văn Tư, Giám đốc Công ty Ngân Đại Phát cho biết: Nắm bắt được nhu cầu của thị trường xuất khẩu tơ lụa nên Công ty của ông đã liên kết cùng Công ty Sun Feel Sill Việt Nam để ổn định đầu ra cho sản phẩm. Chi phí ban đầu khoảng 14 triệu đồng gồm vật tư, phương tiện, vì vậy để hỗ trợ cho nông dân, Công ty chỉ thu 30%, số còn lại được trừ dần vào mỗi chu kỳ giao sản phẩm là 20%. Với cách làm trên, trong thời gian qua đã có 60 hộ nông dân ở các huyện Lắk, Krông Pắc, Ea Kar và Krông Bông ký kết hợp đồng cùng Công ty trồng dâu nuôi tằm với diện tích 40 ha.

Hy vọng với việc ứng dụng kỹ thuật mới cùng với việc bao tiêu sản phẩm, nghề trồng dâu nuôi tằm đang mở ra nông dân huyện Krông Bông một hướng đi mới trong chuyển đổi cây trồng vật nuôi.            

  Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.