Multimedia Đọc Báo in

Ứng dụng công nghệ 4.0: Chìa khóa đưa nông sản Tây Nguyên hướng đến hội nhập

08:40, 07/09/2018

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra nhiều cơ hội cho nông nghiệp vùng Tây Nguyên phát triển, tiếp cận với chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, nông nghiệp  Tây Nguyên còn nhiều việc cần làm…

Cách mạng công nghiệp 4.0 được xem là cuộc cách mạng đặc trưng bởi sự hội tụ của các ngành công nghệ sinh học, công nghệ số thực và ảo được ứng dụng nhanh chóng và sáng tạo làm thay đổi kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, công nghệ sinh học, gen, nano; các hệ thống sản xuất tiên tiến đã đẩy mạnh hiệu quả canh tác nông nghiệp và đem lại lợi thế cạnh tranh mới cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam nói chung và vùng Tây Nguyên nói riêng.

Vườn sầu riêng của hộ nông dân trên địa bàn huyện Krông Năng.
Vườn sầu riêng của hộ nông dân trên địa bàn huyện Krông Năng.

Hiện nông nghiệp vùng Tây Nguyên cơ bản đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh cây công nghiệp và tạo ra được khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có lợi thế cạnh tranh trong tiêu dùng nội địa và xuất khẩu như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, chè, một số loại cây ăn quả... Cùng với tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk có lợi thế rất lớn trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, không chỉ về đất đai, hạ tầng mà còn là nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo và cơ quan nghiên cứu khoa học - công nghệ. Hiện giá trị sản xuất cây công nghiệp lâu năm của tỉnh chiếm tỷ lệ trên 70% ngành trồng trọt, trên 90% giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Thành tựu nổi bật nhất trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp là việc nghiên cứu và chuyển giao các giống mới ngắn ngày, chống chịu sâu bệnh, chịu khô hạn, có năng suất cao và chất lượng tốt cho sản xuất thâm canh; xác định được các bộ giống thích hợp từng vùng sinh thái để phát huy hiệu quả sản xuất, hạn chế thấp nhất sự tác động xấu đến môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao như tưới nước tiết kiệm cho cà phê, tiêu, cây ăn trái; trồng rau, củ, quả trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP; ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi, xử lý chất thải, sâu bệnh, nhân giống; nuôi heo theo công nghệ lạnh… Tuy nhiên, quy mô và mức đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Đắk Lắk còn rất hạn chế nên chưa tạo được những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao.

Tây Nguyên có tổng sản lượng cà phê 1,3 triệu tấn (chiếm 94% sản lượng của cả nước); hồ tiêu 83.000 tấn (56%); chè 228.000 tấn (24%); cao su chiếm 27% về diện tích và 18% về sản lượng; điều chiếm 22% sản lượng cả nước…

Thực tế cho thấy, ngoài tỉnh Lâm Đồng thực hiện khá thành công việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thì các tỉnh còn lại vẫn đang con loay hoay với vấn đề này. Tại hội nghị khu vực về “Hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển bền vững trong tình hình mới: Những vấn đề đặt ra đối với địa phương, doanh nghiệp”, TS. Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) cho rằng, Tây Nguyên có nhiều doanh nghiệp quốc tế đầu tư về cà phê, tiêu; là vùng giàu năng lượng gió và mặt trời…

Mô hình cà phê phát triển bền vững ở huyện Cư Kuin.
Mô hình cà phê phát triển bền vững ở huyện Cư Kuin.

Đây là những lợi thế mà không phải nơi nào cũng có. Chính vì vậy cần tận dụng lợi thế này để phát triển và hội nhập. Riêng về nông nghiệp, các mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị cao đều tập trung ở vùng này, nhất là cà phê. Đây là một trong những ngành có các công ty, tập đoàn xuyên quốc gia tham gia tích cực vào thị trường này. Do đó, điểm có lợi là trong thời gian ngắn, sản phẩm cà phê đã tiếp cận được thị trường toàn cầu và sản phẩm cà phê Việt Nam đã có thương hiệu, tên tuổi trên bản đồ thế giới, với sản lượng, kim ngạch xuất khẩu tăng rất nhanh. Tuy nhiên, vấn đề của cà phê hiện nay cũng như nhiều nông sản khác là sự chia sẻ lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị. Có thể nói người nông dân tham gia ở chuỗi cuối cùng trong phân khúc, đầu tư lớn nhưng lợi ích thấp, trong khi lợi nhuận tập trung nhiều ở các doanh nghiệp, tập đoàn xuyên quốc gia. Vì vậy, trong tương lai phải cải thiện lại chuỗi, trong đó nâng cao vị thế của người nông dân trong chuỗi bằng cách xây dựng những tổ chức nông dân. Vai trò của các cơ quan nhà nước là hỗ trợ nông dân ứng dụng được công nghệ 4.0, công nghệ Blockchain… vào sản xuất, từ quản lý đồng ruộng, giám sát chuỗi và đến tiếp cận với thị trường.

Cũng nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung Tâm WTO, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho hay, vùng Tây Nguyên cần tập trung vào chất lượng quy hoạch nông nghiệp, nên quy hoạch toàn bộ tổng thể từ việc sản xuất, đến chế biến, đầu ra sản phẩm, đồng thời có chính sách khuyến khích người dân tuân thủ theo quy hoạch để việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất được thuận lợi.

Minh Thuận - Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.