Multimedia Đọc Báo in

Hội Cựu chiến binh huyện Krông Búk: Trợ lực cho hội viên phát triển kinh tế gia đình

09:12, 12/11/2019

Nhằm đưa phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” đi vào chiều sâu, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Krông Búk đã chọn hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là nội dung trọng tâm, trong đó chú trọng việc huy động nội lực và ủy thác vay vốn cho hội viên.

Hội CCB huyện Krông Búk hiện có 1.821 hội viên đang sinh hoạt ở 99 chi hội thôn, buôn thuộc 10 hội cơ sở. Trong những năm qua, để tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, Hội CCB huyện đã đứng ra tín chấp cho 1.248 hội viên vay vốn tín dụng chính sách với tổng dư nợ trên 42 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Hội Nông dân các cấp ứng trên 600 tấn phân bón trả chậm cho hội viên đầu tư cà phê, tiêu, hoa màu. Các tổ chức cơ sở hội đã phát động và gây quỹ hội với tổng số tiền trên 1,84 tỷ đồng, bình quân trên 1 triệu đồng/hội viên và cho vay xoay vòng lãi suất thấp. Bên cạnh đó, hội viên các chi hội còn giúp nhau 2.000 ngày công, 200 giờ máy tưới nước cho cà phê, 280 con giống các loại và nhiều việc làm tình nghĩa khác với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng, giải quyết hàng trăm việc làm cho hội viên.

CCB Lê Quang Nguyên (giữa) chia sẻ cách xây dựng mô hình đa cây với cán bộ Hội CCB huyện Krông Búk.
CCB Lê Quang Nguyên (giữa) chia sẻ cách xây dựng mô hình đa cây với cán bộ Hội CCB huyện Krông Búk.

Hầu hết hội viên vay vốn ủy thác đã đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất kinh doanh, từ đó vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Tiêu biểu có thể kể đến trường hợp của CCB Lê Quang Nguyên ở thôn 4, xã Ea Ngai. Gia đình ông có 1,2 ha đất nông nghiệp nhưng không có vốn đầu tư nên thu nhập hằng năm chẳng được là bao. Hội CCB xã đã tín chấp cho gia đình ông Nguyên vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để  đầu tư cải tạo vườn tạp, mua phân bón, máy tưới, trồng xen hồ tiêu, sầu riêng, bơ trong vườn cà phê. Hiện nay, với hơn 1,2 ha cà phê trồng xen cây ăn quả, gia đình ông Nguyên thu về trên 250 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

 
“Năm 2019 số hộ hội viên khá, giàu chiếm 60,62%, hộ trung bình 33%, số hộ nghèo giảm từ 132 hộ (năm 2014) xuống còn 82 hộ. Qua phân loại hằng năm, bình quân có 95% hội viên đạt hội viên CCB gương mẫu”.
Chủ tịch Hội CCB huyện Krông Búk Phạm Văn Miên
 

CCB Phan Hữu Lý ở thôn Tân Hòa, xã Tân Lập cũng từng có thời gian rất khó khăn do không có vốn đầu tư sản xuất. Được Hội CCB làm “cầu nối” để tiếp cận với nguồn vốn vay tín dụng chính sách, gia đình ông Lý đã vay tổng cộng 40 triệu đồng mua phân bón, bò và cây giống để phát triển sản xuất.

Đến nay, với 5 ha đất, gia đình ông Lý đã trồng cà phê xen 700 cây sầu riêng, 300 cây bơ sáp và chăn nuôi bò, mỗi năm sau khi trừ chi phí thu lãi trên 700 triệu đồng. CCB Phan Hữu Lý cho hay, Hội CCB các cấp không chỉ tín chấp cho hội viên vay vốn mà còn phối hợp tổ chức tập huấn, tham quan mô hình kinh tế. Đây chính là “đòn bẩy” để hội viên có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

Theo Chủ tịch Hội CCB huyện Krông Búk Phạm Văn Miên, để quản lý và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác, Hội CCB các cấp đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương quản lý chặt chẽ số đối tượng vay vốn và mục đích sử dụng nguồn vốn vay; đồng thời định hướng cho hội viên xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Bên cạnh đó, Hội CCB huyện còn chủ động mở các lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo, tổ chức kiểm tra, đánh giá việc sử dụng vốn vay của hội viên, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.

CCB Phan Hữu Lý phát triển chăn nuôi bò từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách.
CCB Phan Hữu Lý phát triển chăn nuôi bò từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách.

Các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế đã giúp hội viên thêm gắn bó với tổ chức Hội và nhiệt tình hưởng ứng các phong trào của địa phương, tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2014 đến nay, Hội CCB các cấp huyện Krông Búk đã vận động hội viên cùng với nhân dân đóng góp tiền, ngày công nâng cấp 50 km đường giao thông nông thôn, hiến trên 1.000 m2 đất làm nhà sinh hoạt cộng đồng, xây dựng các đoạn đường CCB tự quản, đóng góp Quỹ Nghĩa tình đồng đội và hỗ trợ ngày công xây dựng 6 căn nhà cho hội viên khó khăn về nhà ở.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.