Multimedia Đọc Báo in

Thêm dịch vụ ngân hàng hiện đại về vùng nông thôn

08:34, 26/11/2019

Nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam và chủ trương của Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) về đơn giản hóa tối đa thủ tục cho vay đối với các khoản vay tiêu dùng nhỏ lẻ ở khu vực nông thôn, góp phần tham gia đấu tranh, hạn chế nạn tín dụng đen, Agribank đã triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp nông thôn.

Thời gian gần đây, nạn tín dụng đen ở khu vực nông thôn bùng phát và gây ra nhiều hệ lụy. Đa phần người dân ở khu vực này “vướng” vào tín dụng đen là do khó khăn thực tế về kinh tế (khác với khu vực thành thị có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân hơn, trong đó có những nguyên nhân tiêu cực), không có khả năng huy động số tiền lớn trong thời gian ngắn nên buộc phải vay mượn ở “kênh” phi chính thống. Trong thực tế đã có không ít trường hợp người nông dân phải vay “nóng” để có tiền đầu tư cho vườn cây của mình hoặc mua nợ phân bón đến cuối mùa thu hoạch mới trả mà lãi suất sẽ do bên bán quyết định.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là khuyến khích, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông nghiệp, nông thôn; xây dựng hệ sinh thái khép kín qua ngân hàng giữa khách hàng sử dụng thẻ và các nhà cung ứng sản phẩm dịch vụ; gia tăng số lượng khách hàng mở tài khoản và sử dụng dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa của Agribank; tăng dư nợ thấu chi qua tài khoản thanh toán… Trong đó, mục tiêu có ý nghĩa lớn nhất mà Đề án này mang lại cho khách hàng khu vực nông thôn đó là việc mở rộng mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ (POS) tại địa bàn nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là các đơn vị cung cấp dịch vụ công như điện, nước, dịch vụ viễn thông, học phí, viện phí và nhất là các cá nhân, đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản.

Khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng của Agribank tại huyện Ea  H'leo.
Khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng của Agribank tại huyện Ea H'leo.

Với thế mạnh của Agribank là mạng lưới rộng khắp, bao phủ toàn bộ khu vực nông thôn nên việc phát triển dịch vụ thẻ sẽ góp phần quan trọng trong việc hạn chế, từng bước đẩy lùi nạn tín dụng đen ở khu vực quan trọng này. Tại Đắk Lắk, các đơn vị trực thuộc Agribank sẽ phát hành 7.280 thẻ (Agribank Đắk Lắk 4.480 thẻ và Agribank Bắc Đăk Lăk 2.800 thẻ), tập trung ở những chi nhánh có hoạt động tín dụng chủ yếu phục vụ nông nghiệp, nông thôn của đơn vị. Khách hàng ở những khu vực trên hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp ở những khu vực đó sẽ được cho vay thấu chi qua tài khoản thanh toán. Mỗi gia đình được cấp một hạn mức thấu chi trên tài khoản thẻ thanh toán cho cá nhân đại diện gia đình trong hộ khẩu. Đối với các đơn vị chấp nhận thẻ là các công ty, hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh trên địa bàn, bao gồm các đơn vị cung ứng dịch vụ công và các cửa hàng, đại lý cung ứng dịch vụ, vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản. Điều kiện và lãi suất cho vay được áp dụng theo quy định của Agribank.

Như vậy, việc triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp nông thôn không chỉ mang đến thêm một dịch vụ ngân hàng hiện đại của Agribank mà còn giúp người dân khu vực này có thể chủ động trong việc thanh toán của mình. Nói một cách đơn giản là khi sử dụng dịch vụ này, người nông dân có thể mua vật tư nông nghiệp phục vụ cho công việc sản xuất, kinh doanh của mình khi cần chỉ với một thao tác “quẹt” thẻ mà không nhất thiết phải có tiền mặt vào thời điểm đó. Đây chính là lợi ích thiết thực nhất đối với người dân khu vực nông thôn, góp phần giúp họ hạn chế tối đa phải dựa vào những “kênh” tài chính phi chính thống khác.

Theo quy định của Agribank trong Đề án, hạn mức thấu chi sẽ được cấp qua tài khoản thanh toán thẻ ghi nợ hạng chuẩn. Thời hạn thấu chi tối đa 12 tháng kể từ ngày phê duyệt cho vay, hết thời hạn trên nếu khách hàng vẫn có nhu cầu thấu chi sẽ được cấp lại hạn mức như quy trình cấp lần đầu. Hạn mức mỗi tài khoản thấu chi không quá 30 triệu đồng và hạn mức này chỉ được sử dụng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ, không dùng để rút tiền mặt.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.