Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn 43 năm hình thành và phát triển Hợp tác xã Thành Công

08:56, 08/02/2021

Trải qua 43 năm hình thành và phát triển, từ một đơn vị vận tải, ít biết đến thương mại trong thời kỳ bao cấp đến tự chủ hoạt động kinh doanh, Hợp tác xã Thành Công (tiền thân là Xí nghiệp vận tải Thành Công) đã có nhiều đổi mới, luôn khẳng định được vị thế của đơn vị trong hoạt động vận tải tại địa phương.

Hợp tác xã Thành Công (HTX) được thành lập theo Quyết định số 180/QĐ-UB, ngày 22-8-1978 của UBND thị xã Buôn Ma Thuột (nay là TP. Buôn Ma Thuột). Là doanh nghiệp vận tải cơ giới đường bộ được ra đời từ rất sớm sau ngày đất nước giải phóng, chủ yếu vận chuyển cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang đi làm nhiệm vụ và vận chuyển nhân dân đi khai hoang phát triển vùng kinh tế mới trên địa bàn tỉnh.

Sau gần 10 năm hoạt động, giai đoạn sau Đại hội VI của Đảng (năm 1986) cả nước chuyển từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh phát triển. Từ đây, HTX đã tập trung đổi mới phương tiện có chất lượng cao, đảm bảo kỹ thuật an toàn, các trang thiết bị trên xe tiên tiến, hiện đại, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe cũng thường xuyên được tập huấn, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, có thái độ nhiệt tình, văn minh, với tinh thần “Vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”. Nhờ đó, tất cả các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, liền kề và tuyến quốc tế Việt - Lào đều đạt hiệu quả, được hành khách tin tưởng lựa chọn.

Giờ làm việc của Ban lãnh đạo Hợp tác xã Thành Công.
Giờ làm việc của Ban lãnh đạo Hợp tác xã Thành Công.

Ngày 24-9-1990, UBND thị xã Buôn Ma Thuột ban hành Quyết định số 16/QĐ-UB về việc bố trí bến xe tại địa điểm cuối đường Lê Hồng Phong và được Phòng Quản lý đô thị giao nhiệm vụ cho HTX Vận tải Thành Công tổ chức xây dựng, quản lý theo Thông báo số 03/TB-ĐT, ngày 26-5-1992. Những năm sau đó, kinh tế phát triển, nhu cầu và phương tiện vận tải ngày càng tăng cao, bến xe thời điểm đó có diện tích nhỏ hẹp cùng với quy mô tạm thời không còn phù hợp nữa. Do đó, việc di dời Bến xe TP. Buôn Ma Thuột đến địa điểm mới rộng rãi, với quy mô bài bản, đầy đủ, đáp ứng nhu cầu vận chuyển là rất cần thiết. Ngày 20-7-2004 liên Sở Xây dựng - Tài nguyên và Môi trường - Giao thông vận tải - UBND TP. Buôn Ma Thuột đã lập tờ trình về việc xin phê duyệt vị trí để xây dựng Bến xe TP. Buôn Ma Thuột. Sau đó được UBND tỉnh đồng ý tại Văn bản số 1864/CV-UB, ngày 10-8-2004 và Văn bản số 2173/CV-UB, ngày 7-9-2004 về việc xây dựng và quản lý bến xe TP. Buôn Ma Thuột. Trên cơ sở đó, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã giao cho HTX Thành Công làm chủ đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác, sử dụng bến xe tại địa chỉ số 72 Ngô Gia Tự (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) hiện nay, bằng nguồn vốn đầu tư 100% của HTX . Ngày 18-11-2004, Bến xe TP. Buôn Ma Thuột chính thức đi vào hoạt động trong dịp Lễ kỷ niệm 100 năm Buôn Ma Thuột hình thành và phát triển. Hơn 17 năm qua, Bến xe TP. Buôn Ma Thuột đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại và góp phần lập lại trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.

Ông Đỗ Quang Thuận, Giám đốc HTX Vận tải Thành Công chia sẻ, với bề dày lịch sử 43 năm hình thành và phát triển, để giữ vững uy tín, ngoài nhiệm vụ kinh doanh, Ban lãnh đạo HTX luôn chú trọng công tác an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho hành khách và phương tiện khi đến bến. Các hoạt động dịch vụ tại bến cũng được sắp xếp phù hợp để phục vụ hành khách, người dân khi đến đây. Với nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên, HTX Vận tải Thành Công đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Đặc biệt, đơn vị vinh dự hai lần được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2003 và năm 2007. Ngoài ra, HTX còn được UBND tỉnh và Bộ Giao thông vận tải tặng Bằng khen vì có nhiều đóng góp trong hoạt động vận tải tại địa phương.

Khánh Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.