Multimedia Đọc Báo in

Người nghệ sĩ hết lòng vì cộng đồng

14:29, 31/12/2013

Tình cờ gặp ông khi Quang Đạt đang tất tả chuẩn bị cho chuyến hành trình tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng tại Dak Lak bằng chương trình “Về với Mẹ Tây Nguyên”. Dáng dấp bụi bặm, trông có vẻ "bất cần đời" nhưng ẩn sâu bên trong là một tâm hồn thoáng đãng, một tâm hồn nghệ sĩ giàu tình yêu thương cộng đồng.

Từ kỷ lục gia kỳ dị

Nghệ sĩ Quang Đạt (tên thật là Nguyễn Đức Đạt, sinh năm 1959 tại Đà Nẵng) được giới văn nghệ sĩ đặt cho nhiều biệt danh như “Đạt khùng”, “gã khờ dại”, “nghệ sĩ kỳ dị”..., nhưng là người đang nắm giữ nhiều kỷ lục Việt Nam. Khi nhắc đến cái tên Quang Đạt, người ta thường có nhiều cách gọi khác nhau nào là họa sĩ, nào là diễn viên, đạo diễn, võ sư, phóng viên, kỷ lục gia... Nhưng từ "nghệ sĩ” hẳn là từ đúng với ông hơn bất cứ nghệ sĩ nào khác. Bởi không phải tự nhiên mà ông vinh dự được giới văn nghệ sĩ tin tưởng giao phó trọng trách lưu giữ những kỷ vật điện ảnh của nền điện ảnh nước nhà từ xưa đến nay. Hiện ông đang là người lưu giữ nhiều kỷ vật điện ảnh nhất Việt Nam. Số lượng của bộ sưu tập đủ để nhiều người gọi đó là một “bảo tàng điện ảnh” với hơn 100 huy chương các loại, hơn 150 máy quay phim cùng nhiều kỷ vật khác, trong đó có nhiều kỷ vật vô giá của những nghệ sĩ đã quá cố. Ông cũng là người duy nhất được thỉnh bát hương của những nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh đã quá cố về thờ. Điều đó chứng tỏ ông phải có uy tín đến mức nào trong giới nghệ sĩ mới được tin tưởng trao cho những vinh dự này.

Nghệ sĩ Quang Đạt cùng “người bạn” đồng hành là chiếc xe vespa cũ kỹ trên những chặng đường làm từ thiện.
Nghệ sĩ Quang Đạt cùng “người bạn” đồng hành là chiếc xe vespa cũ kỹ trên những chặng đường làm từ thiện.

Ngoài kỷ lục là người lưu giữ nhiều kỷ vật điện ảnh nhất Việt Nam, nghệ sĩ Quang Đạt còn có nhiều kỷ lục khác được ghi nhận. Đó là chiếc xe Lambetta có nhiều chữ ký của các nghệ sĩ trong và ngoài nước nhất Việt Nam với hơn 400 chữ ký. Đây chính là chiếc xe đã luôn sát cánh bên ông trong hành trình xuyên Việt "Vì nạn nhân chất độc màu da cam" vào năm 2006 và hành trình "Vì trẻ thơ Việt Nam" vào năm 2008. Tiếp đó là cây bút cao 1,3m, nặng 6kg bằng gỗ có 99 chữ ký của các nhà báo. Cũng không thể không kể đến chiếc xe Vespa có chữ ký của hơn 600 chiến sĩ Cảnh sát giao thông trên khắp cả nước đã gắn bó với ông trong hành trình xuyên Việt "Vì an toàn giao thông" năm 2010. Ngoài ra, ông còn có một bộ sưu tập kỳ lạ gồm 99 chiếc giày của 99 nghệ sĩ nổi tiếng trong nước. Mỗi nghệ sĩ ông chỉ xin đúng 1 chiếc cùng chữ ký của chủ nhân trên chính chiếc giày đó. Ông cũng là người có nhiều chuyến độc hành xuyên Việt bằng xe máy nhất Việt Nam... Có lẽ nếu kể về những cái "nhất" thì không ai có thể giàu hơn người nghệ sĩ khác thường này. Mấy chục năm qua, là đạo diễn, diễn viên, họa sĩ thiết kế, cố vấn võ thuật gần 100 bộ phim lớn nhỏ, nhưng cuộc sống của nghệ sĩ Quang Đạt rất bình dị, đạm bạc nếu không nói là nghèo nàn so với bạn bè đồng nghiệp. Hầu hết các chuyến đi xuyên Việt của ông đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của anh em, bạn bè và đồng nghiệp.

Đến những chuyến đi để đời

Từ năm 2007 đến nay ông đã 5 lần đi xuyên Việt bằng phương tiện cá nhân. Và tất cả các chuyến vào Nam ra Bắc ấy đều nhằm mục đích vì cộng đồng. Cuộc du hành từ thiện xuyên Việt đầu tiên của nghệ sĩ Quang Đạt diễn ra vào năm 2007 trong vai trò là “Đại sứ của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”. Được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Điện ảnh TP.Hồ Chí Minh tạo điều kiện, ông đã độc hành cùng chiếc xe Lambretta cũ kỹ rong ruổi khắp các địa phương trong cả nước để kêu gọi ủng hộ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Với hình thức giao lưu văn hóa văn nghệ, kết hợp bán đấu giá vật phẩm của văn nghệ sĩ, tranh vẽ của các họa sĩ về đề tài chất độc da cam... toàn bộ số tiền hàng trăm triệu đồng thu về đều được Quang Đạt trao lại cho hội nạn nhân chất độc da cam các tỉnh thành mà ông đi qua. Năm 2008, nghệ sĩ Quang Đạt thực hiện chuyến xuyên Việt lần thứ hai mang tên “Vì tuổi thơ Việt Nam”. Thông điệp mà ông mang theo suốt hành trình đó là toàn xã hội hãy quan tâm, thể hiện tình thương và trách nhiệm đối với thế hệ mầm non tương lai của đất nước. Kết quả của hơn 1 tháng “đi bụi”, ông đã quyên góp được hơn 300 triệu đồng để mua 30 nghìn chiếc áo ấm tặng trẻ em nghèo các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Song song đó là hoạt động thăm, tặng quà, học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại nhiều địa phương khác. Năm 2010, thời điểm vừa tròn 3 năm người dân cả nước thực hiện đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, với ý tưởng tiếp tục cổ động, tuyên truyền cho việc tự giác chấp hành luật lệ giao thông trong cộng đồng, nghệ sĩ Quang Đạt tiếp tục thực hiện chuyến xuyên Việt lần thứ ba bằng chiếc xe máy cổ của mình. Từ Hà Nội ông rong ruổi hơn 1 tháng trời để đi hết chặng đường hàng nghìn kilômét và kết thúc hành trình tại mũi Cà Mau. Đi đến đâu ông cũng đều ghé lại xin chữ ký của các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông lưu lại trên chiếc mũ bảo hiểm của mình. Tổng cộng Quang Đạt đã sưu tầm được 9 chiếc mũ bảo hiểm với hơn 2 nghìn chữ ký của cảnh sát giao thông. Vừa kết thúc chuyến xuyên Việt vì an toàn giao thông, chỉ vài tháng sau đó, vào dịp kỷ niệm lần thứ 121 ngày sinh nhật Bác, Quang Đạt lại tiếp tục khăn gói lên đường đi xuyên Việt lần thứ tư với chủ đề khá độc đáo mang tên “Rước Bác vào Nam”. Báu vật và cũng là chủ thể chính của cuộc “rước Bác” đó là bức tượng bán thân Bác Hồ (cao 60cm, nặng 70kg) tạc bằng đá cẩm thạch được nghệ sĩ Quang Đạt mang theo cùng với mình. Đây là bức tượng quý giá mà ông có được từ sự hỗ trợ kinh phí của bạn bè và nhà hảo tâm. Theo lộ trình đã vạch sẵn, từ làng Sen quê Bác (Nghệ An) ông bắt đầu “hộ tống” tượng Bác vào “thăm” Trường Quốc học Huế, Trường Dục Thanh (Bình Thuận), bến cảng Nhà Rồng, vốn là những địa danh gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Người. Sau gần 1 tháng thành kính đồng hành cùng tượng Bác, chuyến đi kết thúc tại khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại thị xã Cao Lãnh, Đồng Tháp. Đây là chuyến đi để lại nhiều kỷ niệm và cảm xúc nhất đối với Quang Đạt. Ông tâm sự, Bác là một tấm gương sáng mà tất cả mọi người dân Việt Nam phải cố gắng học tập theo Người. Sinh thời Bác rất mong được vào thăm nhân dân miền Nam, nhưng do thời cuộc, Người không thể thực hiện được ước nguyện đó nên Quang Đạt đã "giúp" Bác thực hiện ước nguyện của mình. Đó là mục đích chuyến xuyên Việt với chủ đề “Rước Bác vào Nam”. Ngay sau chuyến  “Rước Bác vào Nam”, Quang Đạt bắt tay ngay vào thực hiện “Cuộc hành trình xuyên Việt - Về với mẹ” nhằm kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sĩ 27-7, được bắt đầu từ ngày 25-7-2012 tại TP. Hồ Chí Minh về Cà Mau rồi hành trình ra Hà Nội. Qua mỗi tỉnh thành, nghệ sĩ Quang Đạt đều dừng lại dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ, tri ân các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Gần 100 triệu đồng cùng với nhiều số gạo đã được ông trao tận tay các Mẹ. Toàn bộ số quà mà anh trao tặng các mẹ là nhờ lòng hảo tâm của các nhà tài trợ trên dọc chuyến hành trình. Nói về dự định sắp tới, nghệ sĩ Quang Đạt cho biết, ông sẽ nhận được chiếc xe Vespa do một tòa soạn báo tài trợ, sau đó sẽ đi dọc các tỉnh biên giới Việt Nam và xin chữ ký của các chiến sĩ bộ đội biên phòng ở những nơi ông sẽ đi qua. Cuối cùng, chiếc xe sẽ được đem bán đấu giá để ủng hộ các chiến sĩ Trường Sa.

Nhiều người thường nhìn Quang Đạt như một gã nghệ sĩ nửa mùa khùng điên và tội nghiệp khi bản thân đôi khi không nuôi nổi mình mà suốt ngày bỏ tiền túi, lang thang khắp nơi làm từ thiện, chỉ có ông mới hiểu niềm hạnh phúc của người luôn luôn mang lại hạnh phúc cho người khác. Ngay như hành trình “Về với Mẹ Tây Nguyên” cũng khởi nguồn từ tấm lòng đau đáu của người nghệ sĩ này đối với các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ông trải lòng, sau chuyến hành trình “Về với Mẹ” trải dài từ Cà Mau ra Hà Nội mang tính nhân văn và tình người sâu sắc, ông cảm thấy như có lỗi với các Mẹ trên vùng đất Tây Nguyên khi hành trình chưa ghé thăm các Mẹ nên ông quyết định thực hiện hành trình “Về với Mẹ Tây Nguyên”…

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.