Multimedia Đọc Báo in

Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em ở huyện Krông Bông: Bài toán nan giải

09:31, 31/05/2013

Anh Y Thuần Êban và chị H’Lanh H’Long ở buôn M’nang Dơng, xã Jang Mao (huyện Krông Bông) cưới nhau trong sự nghèo khó. Thế nhưng, chưa đầy 8 năm anh chị đã sinh một mạch 3 đứa con. Điều đáng nói, cả ba đứa con anh chị đều bị suy dinh dưỡng. Hiện đứa lớn năm nay đã 7 tuổi nhưng chỉ cân nặng 17 kg, đứa thứ hai 6 tuổi nhưng chỉ nặng 14 kg, còn cháu út đang ẵm ngửa mới hơn 20 tháng tuổi cũng chỉ nặng 7 kg. Ba đứa con của anh chị từ khi sinh ra đến giờ chưa đứa nào được uống sữa ngoài. Bữa ăn hằng ngày của gia đình chỉ là cơm trắng và rau dại quanh nhà; họa hoằn 3-4 tháng mới có một bữa cơm thịt, cá. Chị H’Lanh H’Long nói: “Nhà mình nghèo, hai vợ chồng làm quần quật suốt ngày trên nương rẫy nhưng vẫn không đủ ăn. Gia đình có hai sào ruộng nhưng lại có tới 5 miệng ăn. Nhìn các con mình ốm yếu nhưng đành chịu, biết lấy đâu ra tiền mà mua thịt, mua sữa cho chúng ăn, chúng  uống. Có cơm, có rau để ăn là nhà mình mừng rồi…”.

Trẻ em nông thôn còn nhiều thiếu thốn về mặt vật chất cũng như điều kiện vui chơi giải trí.  Trong ảnh: Sân chơi bóng đá của các em là cánh đồng sau mùa gặt.      Ảnh: H.G
Trẻ em nông thôn còn nhiều thiếu thốn về mặt vật chất cũng như điều kiện vui chơi giải trí. Trong ảnh: Sân chơi bóng đá của các em là cánh đồng sau mùa gặt. Ảnh: H.G

Gia đình chị H’Tao H’Long cũng ở buôn M’nang Dơng, mặc dù chỉ có 1 đứa con gái nhưng từ khi sinh ra cháu đã suy dinh dưỡng cân nặng chưa đầy 1,8kg. Hiện đã lên 5 tuổi, nhưng con chị H’Tao nhìn chẳng khác nào đứa trẻ lên 3, cân nặng chỉ tròn 12 kg. Tình trạng suy dinh dưỡng của con chị H’Tao cũng không nằm ngoài nguyên nhân kinh tế khó khăn. Chị H’Tao H’Long cho biết, ngoài nguyên nhân kinh tế, thì một phần là do đường sá xa xôi, giao thông đi lại khó khăn nên từ khi mang thai đến giờ chị cũng không có điều kiện để thăm khám, kiểm tra sức khỏe. Việc ăn uống, nghỉ ngơi như thế nào cho hợp lý để thai nhi phát triển khỏe mạnh chị cũng không biết. Cũng chính vì thế con chị sinh ra đã còi cọc, ốm yếu.

Ở xã Jang Mao, hầu như nhà nào cũng vậy, vừa ở cách xa chợ, vừa không có điều kiện kinh tế, nên ăn uống rất thiếu thốn, đạm bạc. Ngoài lý do kinh tế khiến trẻ em ở đây không được ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, thì nguyên nhân khác dẫn đến trẻ suy dinh dưỡng ở đây tăng cao là do công tác chăm sóc, vệ sinh, phòng bệnh cho trẻ chưa được quan tâm nên trẻ hay bị bệnh, dẫn đến sức khỏe yếu. Xã Jang Mao hiện là một trong những địa phương đứng đầu về tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở Krông Bông, với tỷ lệ trẻ nhẹ cân và thấp còi là 27%.

Không chỉ xã Jang Mao là địa bàn vùng sâu, mà ngay cả những địa phương nằm gần trung tâm huyện tình trạng trẻ suy dinh dưỡng cũng không cải thiện nhiều. Số liệu thống kê của Trung tâm Y tế huyện Krông Bông cho thấy, hiện mức bình quân trẻ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi của toàn huyện gần 23%. Đặc biệt, có 4 xã vùng sâu xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao như: Cư Pui 30,24%, Cư D’răm 26,9%, Dang Kang 24%...

Thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số lượng trẻ em trên địa bàn huyện bị suy dinh dưỡng cao. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là do kinh tế - xã hội của huyện chậm phát triển. Cùng với đó tình trạng sinh đông con cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở  Krông Bông còn cao. Mặc dù các cấp, các ngành đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, nhưng trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn bị các phong tục, tập quán lạc hậu ràng buộc dẫn đến tình trạng sinh con thứ ba còn phổ biến, thậm chí nhiều gia đình còn sinh từ 5-6 con, khoảng cách giữa hai lần sinh lại ngắn nên người mẹ không có thời gian, điều kiện chăm sóc sức khỏe bản thân cũng như con cái. Bên cạnh đó, công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về công tác chăm lo, nâng cao sức khỏe nói chung, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng nói riêng còn nhiều bất cập, chưa đến được với nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, ý thức của người dân về phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em còn kém; nhiều ông bố, bà mẹ thiếu hiểu biết trong việc chế biến các món ăn bảo đảm sự đa dạng, nhiều chất dinh dưỡng cho trẻ. Đặc biệt, nhiều bà mẹ trước và trong thời kỳ mang thai ăn uống không đầy đủ chất dinh dưỡng cho nên khi sinh con ra bị nhẹ cân, còi cọc dẫn đến suy dinh dưỡng.

Theo ông Nguyễn Đức Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Bông, để giảm tình trạng trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Đài Phát thanh - Truyền hình huyện… đẩy mạnh công tác truyền thông đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe sinh sản, nhất là các bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ về cách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Đồng thời Trung tâm cũng tiến hành nhiều hoạt động chuyên môn như: tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ chuyên trách tuyến dưới và đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở; tư vấn dinh dưỡng trực tiếp, cấp phát sản phẩm dinh dưỡng hỗ trợ bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ, vận động các nhà tài trợ cung cấp sữa cho các trẻ ở vùng khó khăn… Song tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trên địa bàn huyện vẫn ở mức cao. Để công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn huyện có hiệu quả thì trước hết cần tập trung đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nhằm giảm nhanh hộ nghèo, nâng cao đời sống về mọi mặt cho nhân dân. Chú trọng phát triển mạng lưới giáo dục, y tế và đẩy mạnh công tác truyền thông về tận các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số góp phần nâng cao dân trí, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, hạn chế tình trạng sinh đông con để các gia đình có điều kiện chăm sóc con cái tốt hơn…

Hải Yến


Ý kiến bạn đọc