Multimedia Đọc Báo in

Hỡi ơi khói thuốc!

09:08, 29/05/2013

Kỳ II: Kịch bản buồn!

Thuốc lá là sản phẩm tiêu dùng hợp pháp gây chết sớm cho con người, một vị đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đã phát biểu trong Hội nghị phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được tổ chức mới đây ở TP. Buôn Ma Thuột. Khói thuốc thì nhẹ nhưng hậu quả để lại rất nặng nề, khổ mình mà cũng khổ cả người khác...

Trong khu điều trị của Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, những thân hình gầy gò, héo hắt cùng những tràng ho kéo dài như lòi gan, đứt ruột. Thứ âm thanh và hình ảnh ấy là hiện hình của nhiều căn bệnh liên quan đến một thói quen khó bỏ - hút thuốc lá. Ông Thiều Văn Cứ, 84 tuổi, quê gốc ở Cẩm Yên, Cẩm Thủy (Thanh Hóa), hiện cả gia đình đang sinh sống tại xã Dak Nia, thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Dak Nông) thều thào trong cơn hen: “Hồi còn thanh niên, tôi hút cả thuốc lá và thuốc lào trong hơn 40 năm. Lúc trai tráng, cứ ỷ i chủ quan với sức khỏe, sau này, càng lớn tuổi thì càng thấy khó thở, ngay cả đi bộ bình thường cũng thấy khó thở, mùa lạnh thì ho nhiều hơn. Thời gian gần đây do bệnh quá nặng, lại ho ra máu nên tôi mới vào đây khám thì được các bác sĩ cho biết mình bị bệnh phổi, huyết áp cao và cả viêm loét dạ dày mà nguyên nhân chính là do trước đây hút thuốc lá”. Đến giờ vừa nằm điều trị, lo bệnh của bản thân một ông Cứ lo cho các con mười. Ông ân hận mãi vì mình không làm gương, nghiện thuốc nên các con học theo. 4 đứa con trai của ông nghiện thuốc cả 4. Ông hết lời khuyên bảo các con và cũng chỉ mong thấy bệnh tật của ông mà quyết tâm bỏ thuốc.

Nhiều người nghiện thuốc lá đã phải tìm “bến đỗ” là bệnh viện.
Nhiều người nghiện thuốc lá đã phải tìm “bến đỗ” là bệnh viện.

Cám cảnh hơn là trường hợp của bà Phan Thị Hiến, nhà ở thôn 6, xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar), không biết hút thuốc là gì nhưng đang hàng ngày hàng giờ vật vã với bệnh hen suyễn, viêm phế quản mãn tính, nguyên nhân chính do ảnh hưởng từ chồng, một người đã từng nghiện nặng thuốc lào, thuốc lá. Các y bác sĩ ở Bệnh viện Lao và bệnh Phổi đã quen mặt bởi bà đã vào đây điều trị đến 5 lần. Tình trạng bệnh bi đát đến mức, khi dùng máy để kiểm tra chức năng hô hấp, bà thực hiện rất khó khăn phải làm đi làm lại nhiều lần vì khó thở và những cơn ho liên tục hành hạ.

Bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh cho biết: Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân vào khám và chữa trị các bệnh có liên quan đến khói thuốc lá. Tuy nhiên, đa phần đều ở giai đoạn muộn, độ 3, độ 4 với những biến chứng ở phổi. Tính từ ngày thành lập, năm 2008 đến nay, mỗi năm Bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 4.000 lượt bệnh nhân đến khám, chủ yếu là các bệnh về phổi, trong đó có khoảng 90% trường hợp có tiền sử sử dụng hoặc hút thuốc lá thụ động trên 10 năm. 80% bệnh nhân là nam giới, còn lại nữ giới đa phần mắc bệnh do phơi nhiễm với khói thuốc lá. Đau lòng nhất là có những trường hợp, bệnh nhân là các cháu nhỏ; phụ nữ đang mang thai mắc bệnh do thường xuyên bị hút thuốc lá thụ động, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi như quái thai, bệnh bẩm sinh về tim là rất lớn. Nicotine là chất gây nghiện với thuốc lá. Đây là một hóa chất không màu, không mùi vị có ở trong tất cả các loại thuốc lá, từ thuốc hút tới thuốc nhai. Khi hút vào thì nicotine được hấp thụ vào máu, đưa lên một điểm tiếp nhận đặc biệt ở não bộ cho nên tác dụng của nó rất mau, ngay sau khi hút. Nicotine với khí carbon monoxide trong khói thuốc lá làm người ghiền có nhiều nguy cơ bị bệnh tim, làm mỡ trong máu lên cao, tế bào máu đóng cục, làm tăng huyết áp, đưa đến vữa xơ động mạch. Khi hút thuốc thì phổi giữ lại tới 90% các chất hít vào, khói thuốc làm các sợi lông ở cuống phổi không gạt bỏ những vật lạ xâm nhập nên hóa chất của thuốc liên tục tích tụ trong tế bào phổi, gây ra tổn thương như ung thư.

Nói về thuốc lá với những tác hại của nó thì có thể kể ngày này qua tháng khác mà vẫn chưa hết. Thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong của nhiều loại bệnh như: khí phế thủng, ung thư phổi, viêm loét dạ dày, bệnh tim mạch, biến dạng tinh trùng, ung thư cổ tử cung và sảy thai… Chỉ tiếc là nhiều người nghiện thuốc mà vẫn làm ngơ. Điều đó lý giải tại sao tỷ lệ ung thư của Việt Nam cao hàng đầu thế giới, 40 nghìn người chết mỗi năm do thuốc lá, dự đoán đến năm 2030 là 70 nghìn người. Theo báo cáo của Viện Chiến lược và Chính sách y tế thì trong năm 2011, bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá làm mất đi hơn 1,5 triệu năm sống khỏe của người Việt Nam. Chỉ tính riêng chi phí ngân sách Nhà nước hằng năm phải bỏ ra để điều trị 3 bệnh điển hình trong số 25 bệnh có nguyên nhân từ thuốc lá đã lên đến hơn 2 nghìn tỷ đồng.

Đàm Xuân Gia


Ý kiến bạn đọc