Multimedia Đọc Báo in

Những thách thức trong công tác giảm nghèo ở huyện Ea H'leo

20:46, 01/11/2014
Từ năm 2011 đến nay, từ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và nguồn ngân sách địa phương, huyện Ea H’leo đã triển khai nhiều chương trình trợ giá, trợ cước cho hộ nghèo và các chương trình cấp đất sản xuất, đất ở, hỗ trợ làm nhà theo Chương trình 167, nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa…
 
Bên cạnh đó các tổ chức, đoàn thể ở huyện còn đứng ra tín chấp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho các hộ nghèo vay vốn đầu tư chăn nuôi, sản xuất. Các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân được triển khai hiệu quả; các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng đa cây, đa con mang lại hiệu quả cao được xây dựng để bà con học tập, nhân rộng… Những hoạt động đó đã tạo động lực giúp các hộ nghèo hăng hái lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.

Sau nhiều năm thực hiện chính sách giảm nghèo, huyện Ea H’leo cơ bản đã đạt đựơc những mực tiêu đề ra. Số hộ nghèo năm 2011 là 2.011 hộ, chiếm 22,5% đến năm 2014 đã giảm xuống còn 11,76%. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Ea H’leo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, bởi kết quả giảm nghèo chưa có tính bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo còn cao, số hộ tái nghèo hằng năm còn nhiều. Theo số liệu khảo sát của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn huyện hiện còn 3 xã (Ea Tir, Ea Hiao, Ea H’leo) có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, trong đó hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm hơn 70%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao là do có vị trí địa lý nằm cách xa trung tâm huyện, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, diện tích đất trồng ít và khó canh tác. Bên cạnh đó, kinh tế các xã chưa phát triển, việc triển khai, lồng ghép các chương trình dự án còn chồng chéo, thiếu đồng bộ; một số chính sách chưa thực sự phù hợp với thực tế của địa phương, do đó việc hỗ trợ để người nghèo thoát nghèo trong thời gian ngắn và bảo đảm tính bền vững là vấn đề khó thực hiện. Ngoài ra, một số yếu tố khác dẫn đến đói nghèo là do trình độ dân trí còn thấp, khả năng áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất của người dân còn hạn chế; hệ thống giao thông thủy lợi chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất; tình trạng dân di cư tự do vẫn còn tiếp diễn dẫn đến thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm… Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về chương trình giảm nghèo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết liệt, sâu sát, năng lực, trình độ của một số cán bộ cơ sở còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm cũng làm cho kế hoạch giảm nghèo của  huyện gặp khó khăn.

Có thể nói, việc triển khai công tác giảm nghèo của huyện nói chung, tại  các xã có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm tỷ lệ cao nói riêng là một công việc lâu dài, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ từ chính sách, nguồn vốn đến con người. Để xóa đói giảm nghèo thành công, bên cạnh việc tăng cường  từ cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông thủy lợi, điện chiếu sáng, y tế và các thiết chế văn hóa cơ sở, tạo tiền đề cho sự phát triển, thì vấn đề tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân khai thác tiềm năng đất đai để phát triển; hỗ trợ sản xuất trực tiếp căn cứ vào nhu cầu thực tế của từng hộ; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn để đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các hộ nghèo… là những công việc cần phải được quan tâm hàng đầu.

Từ thực tế ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao cho thấy, mặc dù được sự quan tâm đầu tư rất lớn, nhưng những chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn vẫn còn nhiều bất cập cần được điều chỉnh. Mặt khác, bên cạnh việc đầu tư hỗ trợ có hiệu quả, cần tuyên truyền, vận động các hộ nghèo nhận thức rõ trách nhiệm của mình, chủ động nỗ lực trong lao động sản xuất, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại và tự mình vươn lên thoát nghèo bền vững.   

Hoài Nam


Ý kiến bạn đọc