Multimedia Đọc Báo in

Giúp trẻ tự kỷ sớm hòa nhập cộng đồng

10:02, 28/12/2016

 “Nuôi dạy trẻ bình thường đã khó, nuôi dạy trẻ tự kỷ càng khó khăn hơn nhiều. Nhưng chúng tôi luôn tin tưởng, với nỗ lực và tình thương yêu của mình sẽ giúp các em thoát khỏi bệnh tật, sớm hòa nhập cộng đồng”, đó là tâm sự của các cô giáo đang công tác tại Văn phòng Kitty, chuyên tư vấn can thiệp sớm trẻ bị tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, tăng động kém tập trung, ở phường Tân An, TP.Buôn Ma Thuột.

Tại Văn phòng Kitty, chúng tôi tiếp xúc với một bé nam chừng 2 tuổi. Vừa mắc bệnh tự kỷ, lại bị đục thủy tinh thể nên trông cháu rất xanh xao, chậm chạm. Cậu bé chưa biết nói, rất hay cáu, mỗi khi gặp chuyện không vừa ý thường giãy nảy, la hét. Cô Trần Thị Yến (22 tuổi) giáo viên ở đây tâm sự: “Nuôi dạy trẻ tự kỷ nếu không có tính kiên nhẫn và tình yêu thương trẻ thì chắc chắn sẽ không làm được. Thời gian đầu, trẻ thường không hợp tác, hay la hét, khóc lóc, trẻ lại không hiểu được người khác nói gì nên việc dạy dỗ các cháu rất khó khăn. Vất vả là thế nhưng niềm vui với chúng tôi rất đơn giản, chỉ cần các em có sự chuyển biến dù là rất nhỏ như cất một tiếng nói, hay tự tay mình viết nên những con chữ thì đã xem là thành công lắm rồi”.

Giáo viên tại Văn phòng Kitty hỗ trợ trẻ tự kỷ các bài vận động.
Giáo viên tại Văn phòng Kitty hỗ trợ trẻ tự kỷ các bài vận động.

Bà Trương Thị Chung, người khởi xướng thành lập Văn phòng Kitty cho biết, xuất phát từ thực trạng ngày càng có nhiều trẻ em mắc chứng tự kỷ, trong khi sự quan tâm, hiểu biết của cộng đồng về căn bệnh này còn chưa được sâu sắc nên bà đã quyết tâm xây dựng môi trường giáo dục chuyên biệt này. Văn phòng được thành lập cách đây 2 năm, với các giáo viên được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng nuôi dạy trẻ tự kỷ. Giáo dục trẻ tự kỷ rất khó, trung bình mỗi giáo viên sẽ được phân công hỗ trợ 1 trẻ. Có những trường hợp phải huy động 2 – 3 giáo viên hỗ trợ 1 trẻ mới đạt được hiệu quả.  Dù các giáo viên tại cơ sở đã được tham gia đào tạo chuyên sâu các phương pháp dạy trẻ tự kỷ, nhưng do tính chất phức tạp của nghề nên đến nay việc dạy các cháu chưa thống nhất theo giáo án chung nào mà phải căn cứ vào tình trạng của từng trẻ để có cách can thiệp phù hợp. Chưa kể, đa số phụ huynh có con mắc bệnh tự kỷ đều có tâm lý e ngại, dấu diếm hoặc không biết con mình mắc bệnh nên nhiều trường hợp trẻ được đưa đến văn phòng quá trễ, gây khó khăn cho công tác giáo dục.

Cùng với công tác can thiệp giáo dục trẻ tự kỷ, Văn phòng Kitty cũng thường xuyên đề xuất với các trường mầm non, trường tiểu học trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột tổ chức kiểm tra chỉ số IQ định kỳ cho trẻ. Đây không chỉ là bước kiểm tra thông thường mà còn nhằm sàng lọc tình trạng phát triển của trẻ. Thông qua sự đánh giá trực tiếp của phụ huynh, các chuyên gia, bác sĩ sẽ phân tích tìm ra sự bất thường trong tiến trình phát triển của trẻ để kịp thời can thiệp sớm các trường hợp trẻ mắc bệnh tự kỷ.

Là một giáo viên có bề dày kinh nghiệm với hơn 20 năm giảng dạy tại Trường Mầm non Hoa Cúc và gần 10 năm can thiệp giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng, cô Phùng Thị Ánh Sang, giáo viên tại Văn phòng Kitty cho hay, hiện nay nhiều người cho rằng trẻ mắc chứng tự kỷ coi như hết hy vọng chữa trị nhưng thực chất nếu được phát hiện và can thiệp sớm thì khả năng phục hồi và hòa nhập cộng đồng của trẻ mắc bệnh tự kỷ là hoàn toàn có thể. Trường hợp một cậu bé tên Alex (quốc tịch Mỹ) được can thiệp tại Văn phòng Kitty là một ví dụ. Mắc chứng tự kỷ bẩm sinh nên dù đã gần 6 tuổi nhưng các hành vi và nhận thức của Alex rất chậm chạp, cậu bé không biết nói ra yêu cầu của bản thân với người ngoài mà phải dùng hành động... Nhờ thông tin từ một người bạn đã chữa thành công chứng tự kỷ cho con ở Văn phòng Kitty, cha mẹ Alex đã mạnh dạn đưa cậu bé đến Việt Nam chữa trị. Qua thực hiện các bài kiểm tra toàn diện về hành vi, tri giác, hoạt động của Alex, cô Sang đã đưa ra những chỉ số cụ thể cho thấy dù tuổi thực của Alex là 67 tháng tuổi nhưng hành vi và nhận thức của cậu bé chỉ bằng một trẻ 24 tháng tuổi. Từ đó, cô đưa ra những bài tập, phương pháp giảng dạy phù hợp trên lớp học và tại gia đình. Nhờ vậy cậu bé đã có những có những tiến bộ đáng mừng. Sau hơn 3 tháng được giáo dục và sử dụng phương pháp vật lý trị liệu tại Văn phòng Kitty, Alex đã nói rõ hơn, biết thể hiện những yêu cầu của cá nhân bằng ngôn ngữ; những bài tập tô màu, tập vẽ do giáo viên yêu cầu cũng được Alex thực hiện rất tốt. Không chỉ riêng Alex, nhờ phương pháp giảng dạy khoa học và phù hợp cùng sự kiên trì của các giáo viên, tới nay Văn phòng Kitty đã can thiệp thành công giúp gần 20 trường hợp trẻ mắc bệnh tự kỷ hòa nhập với gia đình và cộng đồng. Tất cả các trẻ đều được tham gia học tập tại các trường mầm non, tiểu học theo đúng độ tuổi, nhiều trẻ liên tục đạt thành tích cao. Cô Sang cũng chia sẻ thêm, để giáo dục trẻ tự kỷ thành công, ngoài sự dạy dỗ của các giáo viên thì cha mẹ trẻ cũng cần tham gia hỗ trợ trẻ tại gia đình theo các bài tập đã được giáo viên soạn sẵn. Dạy trẻ tự kỷ không thể rập khuôn mà phải linh động biến đổi phương pháp phù hợp với mức độ của từng trẻ..

Không chỉ được quan tâm giáo dục hòa nhập cộng đồng, nhiều trẻ mắc bệnh tự kỷ theo học tại Văn phòng Kitty có hoàn cảnh gia đình khó khăn cũng được hỗ trợ một phần học phí. Hiện những người khởi xướng thành lập Văn phòng Kitty đang xây dựng một trường mầm non để nuôi dạy trẻ, trong đó có một khu giáo dục biệt lập dành riêng cho trẻ tự kỷ, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2016. Hy vọng ngôi trường sẽ trở thành địa chỉ tin cậy, giúp trẻ mắc bệnh tự kỷ sớm hòa nhập cộng đồng.

Hồng Chuyên   


Ý kiến bạn đọc