Multimedia Đọc Báo in

Nghèo đói vì đông con

09:09, 18/09/2016

Dù cách TP. Buôn Ma Thuột chỉ chừng 20 km, song trong nhiều năm qua, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn là vấn đề khá nhức nhối ở xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar). Sinh đông con, sinh dày là một trong những nguyên nhân khiến cuộc sống của nhiều gia đình mãi luẩn quẩn với đói nghèo.

Theo thống kê của Ban Dân số-KHHGĐ xã Cuôr Đăng, từ năm 2013-2015, toàn xã có 51 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên (riêng năm 2015 có 2 trường hợp), trong đó nhiều trường hợp sinh con thứ 7 hoặc thứ 8…, tập trung nhiều nhất ở các buôn Króa B, Króa C, Aring… Do sinh đông con nên nhiều gia đình ở xã Cuôr Đăng lâm vào cảnh nghèo đói, trẻ em bị suy dinh dưỡng, bỏ học sớm. Hiện nay, toàn xã có đến 287 hộ nghèo và 141 hộ cận nghèo, phần lớn trong đó đều sinh con thứ 3 trở lên. Như trường hợp vợ chồng chị H’Riêk Êban và anh Y Juh Niê ở buôn Króa C có đến 10 người con, trong đó đứa đầu sinh năm 1996, đứa út mới sinh năm 2010. Do không có đất sản xuất nên hằng ngày anh Y Juh phải đi bốc vác hoặc làm thợ hồ, còn chị H’Riêk lượm ve chai. Lao động cực nhọc nhưng nhiều hôm gia đình họ vẫn không đủ gạo để ăn. Chán nản vì mãi vẫn không thoát cảnh nghèo đói, 2 năm gần đây, anh Y Juh sa vào rượu chè, bỏ bê công việc, cuộc sống vì thế càng túng quẫn hơn. Mấy đứa con chưa đứa nào học hết lớp 9, chúng đều bỏ học sớm để theo mẹ đi làm.

Cùng buôn Króa C còn có vợ chồng chị H’Cer Niê và Y Xem Triêk năm nay 41 tuổi nhưng đã có 7 người con (đứa đầu 19 tuổi, còn đứa thứ bảy mới hơn 1 tuổi). Chưa biết họ có sinh con nữa hay không vì hiện tại cả 2 vợ chồng đều chưa sử dụng biện pháp tránh thai. Nhà chỉ có 3 sào rẫy để trồng sắn hoặc trồng ngô, thu nhập bấp bênh nên hằng ngày anh Y Xem phải đi làm thuê, làm mướn để có tiền trang trải cuộc sống, còn chị H’Cer tranh thủ trồng rau xung quanh nhà hoặc xuống suối bắt cua, con ốc để thêm thức ăn hằng ngày. Quanh năm lam lũ nhưng họ vẫn luẩn quẩn với đói nghèo; 2 người con đầu của họ chưa học hết trung học cơ sở đã phải bỏ học tìm đường mưu sinh.

Sinh đông con nghèo khổ là vậy nhưng vẫn có nhiều người tiếp tục sinh cho “vui cửa, vui nhà”. Trước tình trạng đó, từ đầu năm 2016 đến nay, UBND xã Cuôr Đăng đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, ban tự quản các buôn tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách về Dân số-KHHGĐ. Ban Dân số xã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông như: treo băng rôn tuyên truyền về lợi ích của kế hoạch hóa gia đình nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), Ngày Dân số Thế giới (11-7); sinh hoạt nhóm, cung cấp tờ rơi, tư vấn hộ gia đình… nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi cho người dân về kế hoạch hóa gia đình song hiệu quả vẫn rất hạn chế.  Chị H’Uyn Êban, cán bộ chuyên trách dân số xã cho biết: “Xã Cuôr Đăng hiện có 2.495 hộ với 10.630 khẩu sinh sống ở 6 buôn, trong đó đồng bào dân tộc Êđê chiếm 80% dân số. Nhiều người dân vẫn còn quan niệm “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, “đông con hơn nhiều của”… nên rất khó khăn trong công tác truyền thông dân số. Từ đầu năm 2016 đến nay đã có 12 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên”.

 Thảo Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.