Multimedia Đọc Báo in

Buồn - vui nghề shipper

15:23, 26/04/2017
Shipper – nghề giao hàng đã trở thành lựa chọn của không ít bạn trẻ, song đây cũng là nghề phải đối mặt với nhiều rủi ro, vui buồn trên hành trình vận chuyển hàng online.

Shipper là từ rất phổ biến trong mấy năm gần đây, để chỉ những người làm nghề giao hàng. Nghề này không đòi hỏi bằng cấp, trình độ, bất cứ ai cũng có thể làm, nhưng với đặc thù công việc phải di chuyển liên tục nên phù hợp với các bạn trẻ. Chỉ cần 1 chiếc xe máy, 1 điện thoại để lướt web là có thể trở thành shipper. Hai công việc chính của một shipper là nhận sản phẩm từ nơi bán và giao hàng tận tay cho khách hàng. Nếu shipper nào may mắn gặp được công ty có số lượng đơn hàng nhiều, làm việc uy tín, chỉ cần chịu khó, kiên trì, có sức khỏe và có khả năng giao tiếp với khách hàng thì dễ dàng kiếm được nguồn thu nhập ổn định, ngược lại không ít trường hợp “bỏ của chạy lấy người”, thu không đủ chi và phải đối mặt với rất nhiều rủi ro trong công việc.

Bạn Phạm Đức Thịnh (SN 1986, TP. Buôn Ma Thuột) có thâm niên gần 2 năm làm nghề shipper cho Công ty Cổ phần dịch vụ giao hàng nhanh Chi nhánh Buôn Ma Thuột chia sẻ, sau thời gian dài tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm đúng chuyên môn, Thịnh làm thuê đủ nghề, do thu nhập không ổn định nên đổi việc liên tục. Sau đó, Thịnh quyết định về Đắk Lắk lập nghiệp, anh đến với nghề shipper như một cơ duyên. Thịnh kể, một lần vào mạng xã hội thấy công ty thông báo tuyển dụng nên anh đã làm thủ tục nộp hồ sơ qua mạng, đầu tháng 4-2015, công ty gọi điện lên phỏng vấn và nhận việc. Thời điểm đó, công ty còn mới nên tại địa bàn Đắk Lắk chỉ có 2 shipper, Thịnh được giao phụ trách các xã, phường phía Nam TP. Buôn Ma Thuột như: Thành Nhất, Ea Tam, Khánh Xuân, Hòa Phú, Hòa Khánh, Hòa Xuân và huyện Krông Ana. Chịu khó chạy xe, cùng với số lượng đơn hàng nhiều, thu nhập của Thịnh khá ổn định, từ 7- 8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trong những lần đi giao hàng cho khách, anh gặp không ít rắc rối, có khi phải làm 3-4 ngày mới đủ bù, đền hàng. Đó là vào tháng 4-2016, khi anh nhận 1 đơn hàng, sản phẩm là 1 chiếc áo dạ nữ để giao cho khách ở phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột). Khi đến địa chỉ giao hàng, khách yêu cầu xem hàng trước, trong khi quy định của đơn vị bán sản phẩm này không được xem hàng, nhưng vì “nể nang” anh đành cho khách xem. Sau khi thử áo xong, không vừa nên vị khách kia không chịu lấy, anh đã tìm đủ cách thuyết phục nhưng không được, anh còn bị đuổi ra khỏi nhà, ngày công đó anh bị “âm” 1 triệu đồng vì phải đền hàng cho công ty.

Shipper Nguyễn Hồng Nam giao hàng tại nhà cho khách.
Shipper Nguyễn Hồng Nam giao hàng tại nhà cho khách.

Còn Nguyễn Hồng Nam (SN 1993, huyện Krông Pắc) làm shipper cho một công ty trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đến nay tròn 3 tháng cũng có doanh thu không “tồi”. Mỗi ngày, Nam được công ty hỗ trợ 30.000 đồng xăng xe, giá mỗi đơn hàng được hưởng là 12.000 đồng, sau khi trừ chi phí, thu nhập của Nam cũng được từ 7-8 triệu đồng/tháng. Đó là khoản thu nhập đáng mơ ước của em từ trước đến nay.

Nam tâm sự, nhà chỉ có 2 mẹ con, mẹ lại bị bệnh hiểm nghèo gần 10 năm nay, học hết THCS, em phải bươn chải làm thuê tại các quán cà phê, quán nhậu… để kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ. Các công việc mà Nam trải qua đều thu nhập thấp, làm không có ngày nghỉ nên đầu năm 2017 em quyết định theo nghề shipper. Lúc mới bắt tay vào làm, Nam cứ nghĩ đơn giản, địa chỉ đã có, chỉ cần gọi điện giao hàng, lấy tiền ở khách là xong. Thế nhưng, không ít lần em phải im lặng để chiều lòng “thượng đế”. Đó là vào hồi tháng 3 năm nay, khi vào giao hàng cho khách ở xã Ea Yiêng (huyện Krông Pắc), sản phẩm là 1 chiếc loa kéo bluetooth, khi mở hàng xem thì vị khách này lắc đầu từ chối vì cho rằng đây không đúng mặt hàng mình mua. Thế là Nam đành “ngậm ngùi” chở loa về trả lại công ty. Một câu chuyện dở khóc dở cười trong quá trình làm shipper đó là lần giao sản phẩm ốp lưng điện thoại mới đây, như thông thường, em gọi điện hẹn khách trước, nhưng khi đến địa chỉ giao hàng, tìm mãi không ra sản phẩm đó, đành phải xin lỗi khách. Do sản phẩm nhỏ quá, trong quá trình di chuyển, hàng rơi khi nào em không biết, cuối cùng em phải đền giá trị cho sản phẩm bị mất, đó cũng là bài học rằng nghề này không chỉ chịu khó mà phải thật cẩn thận, bởi không đơn giản chỉ là việc đền hàng mà còn là uy tín lâu dài với khách của mình.

Ngày nay, hình thức kinh doanh online phát triển, nở rộ ở khắp nơi, bên cạnh các shipper tự do, làm “nghề tay trái”, cũng có nhiều người chọn đây là nghề chính và sẵn sàng chấp nhận những vất vả để có nguồn thu nhập ổn định, trang trải cuộc sống hằng ngày. 

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.