Multimedia Đọc Báo in

"Điếc" không sợ bom!

12:55, 21/01/2018

Thiếu hiểu biết về các loại bom mìn, vật nổ và sự nguy hiểm của chúng là một trong những nguyên nhân khiến cho số người thương vong hằng năm có xu hướng tăng.

Mới đây, tại chương trình giao lưu văn nghệ “Vì bình yên cuộc sống” do Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tổ chức có tiểu phẩm “Điếc không sợ bom” gây sự chú ý, tác động lớn đến khán giả.

Mở đầu là hình ảnh người cha vừa từ rẫy trở về, mang theo một quả bom lớn và quyết định sẽ cưa bán để làm kế sinh nhai cho cả nhà. Để làm được điều này, người cha bắt con mình “nghỉ học một buổi chẳng chết ai” để “phụ bố một tay” vì quả bom có trọng lượng quá nặng. Khi có thêm 2 người bạn của con đến cùng phụ giúp, cả 4 người loay hoay tìm cách cưa thì có bộ đội công binh đến, kịp thời ngăn lại…

Trưng bày các loại bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh tại Trung tâm Văn hóa tỉnh (tháng 12-2017).
Trưng bày các loại bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh tại Trung tâm Văn hóa tỉnh (tháng 12-2017).

Tiểu phẩm tuy ngắn, nhưng đã phản ánh một thực trạng đáng lo ngại là hiện nay vẫn còn những người “điếc không sợ bom”, vì mưu sinh mà có khi phải đánh đổi cả mạng sống.

Đã hơn 1 năm trôi qua, nhưng hậu quả vụ phá bom bằng… đèn khò tại Khu đô thị Văn Phú, Hà Đông (Hà Nội) vẫn là nỗi ám ảnh lớn cho nhiều người, nhiều gia đình. Vì cưa vật liệu nổ mà chủ nhà và 4 người khác bị chết, nhiều người bị thương, 36 căn hộ bị hư hỏng nặng, 95 căn hộ phía sau hiện trường vụ nổ bị vỡ hết kính, nứt tường, bung cửa…

Thực tế, việc người dân coi thường hậu quả bom mìn vẫn diễn ra thường xuyên, hầu khắp mọi tỉnh, thành trong cả nước. Những hậu quả do bom mìn để lại khiến không biết bao người, bao gia đình lâm vào cảnh ly tan, bi đát. Liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh những vụ thương vong do bom mìn gây ra. Mới đây vụ việc cưa đạn pháo nhặt từ rẫy đã khiến 6 người trong một gia đình ở thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) tử vong, trong đó có 2 vợ chồng và 3 con nhỏ… lại dấy lên nhiều lo ngại cho người dân.

Tại Đắk Lắk, số lượng người chết, bị thương do thiếu hiểu biết về bom mìn vẫn chưa dừng lại. Còn nhớ tháng 9-2016, do dùng hàn gió để… cưa bom, 2 thanh niên Lê M.D. và Lê T. H. (huyện Lắk) bị thương nặng, trong đó anh H. bị vết thương ở vùng mắt rất phức tạp và cánh tay trái bị dập nát...

Mặc dù chiến tranh đã qua đi, nhưng bom đạn vẫn còn sót lại ở nhiều nơi. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia thì hiện tất cả 63 tỉnh, thành trên cả nước đều bị ô nhiễm bom mìn, số lượng bom mìn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 600 – 800 nghìn tấn. Tính từ năm 1975 đến nay, cả nước đã có 60 nghìn người bị thương, 40 nghìn người chết do bom mìn tồn sót phát nổ…

Để giảm thiểu các vụ tai nạn do bom mìn, vật nổ sau chiến tranh gây ra cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp, các ngành, chính quyền, địa phương nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nhưng trên hết vẫn là ý thức tự phòng tránh của mỗi người dân. Dân gian vẫn có câu “điếc không sợ súng”, nếu người dân vẫn còn chủ quan, thiếu hiểu biết, thiếu ý thức khi tiếp xúc với bom mìn thì số lượng người thương vong do chúng gây ra sẽ chưa thể dừng lại.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.