Multimedia Đọc Báo in

Những thanh niên vượt khó, vươn lên lập thân, lập nghiệp ở Krông Bông

09:21, 26/03/2018

Trong những năm qua, các phong trào lớn của Đoàn: “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn huyện Krông Bông. Qua đó, đã xuất hiện những gương điển hình thanh niên vượt khó, dám nghĩ, dám làm, vươn lên lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.

Vốn làm nghề nhiếp ảnh nhưng công nghệ ngày càng phát triển, nhu cầu chụp ảnh của người dân không nhiều, anh Nguyễn Tấn Lâm (SN 1984, ở thôn 5 xã Hòa Phong) cố lắm cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Tháng 2-2017, sau khi tìm hiểu, anh Lâm quyết định thực hiện mô hình nuôi thỏ. Ban đầu, do không có vốn nên anh tự đóng chuồng và bán 2 tạ thóc để mua 2 con thỏ giống về nuôi thử. Anh chịu khó đọc sách, học hỏi kinh nghiệm nuôi thỏ từ những người đi trước để áp dụng vào mô hình chăn nuôi của gia đình. Nhờ vậy, đàn thỏ sinh sản nhanh chóng. Từ 2 con giống ban đầu, đến nay đàn thỏ trong chuồng của anh phát triển lên trên 100 con và đã có sản phẩm cung ứng ra thị trường. Để giải quyết đầu ra, anh Lâm lên TP. Buôn Ma Thuột tìm nơi ký kết hợp đồng tiêu thụ. Với giá bán hiện nay 60.000 đồng/kg thì lứa thỏ này anh có thêm một khoản thu nhập khoảng 15 triệu đồng mà chi phí bỏ ra không đáng kể. Với thành công bước đầu, anh dự định sẽ mở rộng chuồng trại và quy mô đàn thỏ để có nguồn thu ổn định.

Anh Nguyễn Tấn Lâm (thôn 5, xã Hòa Phong) cho thỏ ăn.
Anh Nguyễn Tấn Lâm (thôn 5, xã Hòa Phong) cho thỏ ăn.

Do hoàn cảnh khó khăn, anh Nguyễn Khánh Linh (SN 1994, ở thôn 5, xã Hòa Tân) phải sớm nghỉ học đi làm thợ hồ. Sau một thời gian nay đây mai đó trên các công trình, năm 2016 anh lập gia đình và về sinh sống ở xã Hòa Tân, một vùng đất không mấy phì nhiêu, ngoài việc trồng cây lương thực thì người dân vẫn còn lúng túng chưa biết trồng thêm cây gì trong thời gian đất nhàn rỗi sau thu hoạch. Để phát triển kinh tế gia đình, anh Linh quyết định mượn 2.500 m2 đất của cha mẹ trồng ớt chỉ thiên Thái Lan. Nhiều giống ớt khác đã được một số người dân địa phương trồng nhưng kém hiệu quả, vì thế khi anh Linh trồng ớt, không ít người hoài nghi về sự thành công của mô hình. Tuy nhiên, nhờ áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật từ việc làm đất, chăm sóc, đến nay vườn ớt của gia đình anh Linh đã cho thu hoạch với năng suất đạt 2 tấn/sào. Với giá bán dao động từ 20.000 - 23.000 đồng/kg, ngay vụ đầu tiên sau khi trừ chi phí anh đã thu lãi gần 40 triệu đồng.

Tốt nghiệp khoa Điện tử - Điện lạnh Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Cao Thắng (TP. Hồ Chí Minh), anh Trần Cao Trí (SN 1989, ở thôn 6, xã Hòa Phong) dễ dàng tìm được việc làm nơi thành phố lớn. Tuy nhiên, suốt ba năm mưu sinh nơi đất khách quê người, anh quyết định về quê lập nghiệp.

Nhận thấy nhu cầu sử dụng nước lọc tinh khiết ở địa phương khá lớn, anh Trí bàn bạc với gia đình thành lập một cơ sở sản xuất nước lọc đóng bình để cung ứng ra thị trường. Ý tưởng của  anh được mọi người trong gia đình ủng hộ, song khi bắt tay vào công việc thì gặp vô vàn khó khăn, từ việc tham khảo thị trường, lập kế hoạch, đánh giá tác động môi trường, xin kiểm định cấp phép cho đến xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị…, đặc biệt là nhu cầu về vốn, nhiều lúc tưởng chừng phải bỏ dở. Nhưng bằng ý chí và nghị lực của tuổi trẻ, anh quyết định vay mượn ngân hàng và người thân trong gia đình đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm dây chuyền sản xuất. Cơ sở sản xuất nước lọc tinh khiết Ômêly của anh Trí chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2013.

Ban đầu để tiêu thụ được sản phẩm, anh Trí phải vận chuyển bằng xe máy mang sản phẩm đến ký gửi cho các hàng quán, cơ quan, trường học ở địa phương và các xã lân cận… Nhờ chất lượng bảo đảm nên chỉ trong  một thời gian ngắn, nước lọc tinh khiết đóng bình của cơ sở anh sản xuất dần được mọi người chấp nhận. Thấy đầu ra rộng mở, để kịp thời cung ứng sản phẩm đến nơi tiêu thụ, anh mạnh dạn vay mượn thêm 100 triệu đồng mua xe tải vận chuyển hàng. Đến nay, qua 5 năm hoạt động, thương hiệu nước lọc tinh khiết đóng bình Ômêly của gia đình anh đã đứng vững trên thị trường. Thu nhập dần ổn định, anh còn giải quyết công ăn việc làm ổn định cho 3 lao động địa phương với mức lương bình quân 4, 5 triệu đồng/người/tháng.  

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.