Multimedia Đọc Báo in

Đồng hành cùng hộ nghèo vùng biên Ea Súp

09:23, 17/10/2019

Trên cơ sở thực nghiệm thành công các mô hình phát triển kinh tế, những năm gần đây, bộ đội Đoàn KTQP 737 đã đồng hành cùng bà con vùng Dự án Khu Kinh tế - Quốc phòng (KTQP) Ea Súp khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, thực hiện định canh, định cư vững chắc.

Thực nghiệm thành công các mô hình kinh tế

Chúng tôi đến thăm các xã trong vùng Dự án Khu KTQP Ea Súp đúng dịp Đoàn KTQP 737 tổ chức bàn giao mô hình phát triển kinh tế giúp cho 16 hộ nghèo các xã Ia R’vê, Ia Lốp phát triển kinh tế. Đợt này, Đoàn KTQP 737 trao tặng bà con 26 con bò giống, 100 con vịt trời giống, hơn 720 cây mít và xoài giống, tổng trị giá gần 290 triệu đồng.

Trực tiếp trao tận tay cây, con giống cho từng hộ, Đại tá Ngô Minh Điền, Chính ủy và Trung tá Trương Văn Bình, Phó chính ủy Đoàn KTQP 737 còn căn dặn bà con chăm chỉ lao động, sản xuất, khai thác có hiệu quả tiền năng đất đai và nguồn lao động tại chỗ, tạo thu nhập ổn định. Chỉ huy Đoàn KTQP cũng chỉ đạo các đội sản xuất, các tổ thanh niên tình nguyện bám từng hộ được đơn vị hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để đạt hiệu quả kinh tế, trở thành những mô hình điểm để nhân rộng ra toàn vùng dự án.

Là một trong số 13 hộ được tặng bò giống, chị Nguyễn Thị Thủy, thôn 1, xã Ia R’vê xúc động: “Gia đình mình thuộc diện khó khăn. Hằng ngày mình phải đi làm thêm để có thu nhập nuôi hai con nhỏ ăn học. Nay được bộ đội hỗ trợ cặp bò giống, đây thực sự là cơ hội tốt cho gia đình phát triển kinh tế, sớm thoát nghèo. Mình và bà con mang ơn bộ đội Đoàn KTQP 737 nhiều lắm!”.

Cán bộ Đoàn KTQP 737 hướng dẫn bà con thôn 6, xã Ia Rvê kỹ thuật chăn sóc vườn mít Thái.
Cán bộ Đoàn KTQP 737 hướng dẫn bà con thôn 6, xã Ia Rvê kỹ thuật chăn sóc vườn mít Thái.

Trao đổi với Chính ủy Ngô Minh Điền được biết, các xã trong vùng Dự án Khu KTQP Ea Súp chủ yếu là bà con di dân kinh tế mới theo kế hoạch từ Thanh Hóa và Bến Tre; và số hộ thuộc diện dãn dân nội tỉnh Đắk Lắk. Vì vậy, khi vào vùng dự án hết thảy bà con đều thuộc diện nghèo, kinh tế khó khăn. Cũng vì thế mà trong suốt 19 năm qua, vấn đề xóa đói, giảm nghèo luôn là một bài toán khó đối với cấp ủy, chính quyền và chỉ huy các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn. Làm gì để giúp bà con thoát nghèo, yên tâm gắn bó với vùng biên giới, tạo thế vững cho tuyến biên cương ở vùng đất chiến lược Nam Tây Nguyên này, đó thực sự là nỗi niềm trăn trở đối với cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng, trí thức trẻ tình nguyện của Đoàn KTQP Ea Súp.

Từ thời điểm tháng 1-2015 đến nay, khi nhận chuyển giao nguyên trạng vùng Dự án Khu KTQP từ các trung đoàn thuộc Binh đoàn 16, Đoàn KTQP 737 đã bắt tay ngay vào việc thí điểm các mô hình kinh tế, để tìm ra mô hình hiệu quả. Cụ thể, Đoàn KTQP 737 hợp tác với các doanh nghiệp trồng 802 ha “vườn cây thực nghiệm”. Đoàn trực tiếp thực hiện một số mô hình kinh tế, như nuôi vịt trời, thả cá. Qua đó, không chỉ tạo việc làm ổn định cho 270 lao động lâu dài và hơn 7 nghìn lao động thời vụ, mà còn khảo nghiệm, tìm ra mô hình “cây, con” phù hợp, để chuyển giao cây, con giống, kỹ thuật nuôi trồng cho bà con trong vùng dự án phát triển kinh tế hộ. Ngoài ra, căn cứ vào thực tế sản xuất, Đoàn KTQP 737 phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện việc bao tiêu sản phẩm nông sản cho bà con, không để xảy ra tình trạng thương lái thao túng, ép giá.

Các năm 2017 và 2018, Đoàn KTQP 737 hỗ trợ cây, con giống tổng trị giá hơn 150 triệu đồng, hướng dẫn kỹ thuật, giúp công lao động cho 7 hộ nghèo phát triển mô hình kinh tế hộ. Từ sự giúp đỡ hiệu quả của Đoàn KTQP 737, một số hộ đã vươn lên tạo lập cuộc sống ổn định, như hộ ông Vi Văn Bình, thôn Quý Mùi, xã Ia Lốp; hộ ông Hồ Văn Thành, thôn 6, xã Ia R’vê. Đặc biệt, đầu năm 2019 này, thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Đoàn KTQP 737 thành lập “Ban chỉ đạo giúp dân xóa đói, giảm nghèo” gồm 14 thành viên, do Thượng tá Phạm Văn Dương, Phó đoàn trưởng làm Trưởng ban. Ban có nhiệm vụ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các xã trong vùng dự án, khảo sát nắm tình hình hộ nghèo, phân tích nguyên nhân, đề xuất biện pháp đơn vị hỗ trợ số hộ nghèo trong vùng dự án phát triển sản xuất, mở hướng thoát nghèo.

Tổ chức định canh, định cư vững chắc

Dự án Khu KTQP Ea Súp được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt tại Quyết định số 2041/QĐ-BQP, ngày 31-8-2001, và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 1606/QĐ-BQP, ngày 7-8-2003, với mục tiêu chính: Phát triển kinh tế bền vững, cải thiện môi trường sinh thái, kết hợp kinh tế với an ninh - quốc phòng, nhằm giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Tổng diện tích đất vùng dự án 29.695 ha, thuộc địa bàn các xã biên giới Ia R’vê, Ia Lốp, huyện Ea Súp; có 26 km đường biên tiếp giáp huyện Cô Nhéc, tỉnh Mun-đun-ki-ri (Vương quốc Campuchia). Từ năm 2001 đến 2014, dự án do các đơn vị của Binh đoàn 16 quản lý; và từ tháng 1-2015 chuyển giao nguyên trạng cho Đoàn KTQP 737 điều hành.

Đoàn KTQP 737 trao tặng bò giống cho hộ nghèo xã Ia Lốp, huyện Ea Súp (Đắk Lắk).
Đoàn KTQP 737 trao tặng bò giống cho hộ nghèo xã Ia Lốp, huyện Ea Súp (Đắk Lắk).

Thực tế cho thấy, trong 19 năm qua, vùng Dự án Khu KTQP Ea Súp đã được Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư rất lớn cho xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo đảm cho bà con định canh, định cư ngày một vững chắc. Tính đến nay, các đơn vị của Binh đoàn 16 và Đoàn KTQP 737 đã khai hoang, tổ chức sản xuất hơn 13 nghìn ha cây trồng các loại; xây dựng gần 165 km đường giao thông, 93 km đường điện và 27 trạm biến áp, 6 công trình thủy lợi; hoàn thiện hệ thống trường học, trạm y tế quân dân y, với tổng kinh phí 302 tỷ đồng. Triển khai đầu tư hạ tầng đến đâu, đón dân vào vùng dự án đến đó, đến nay Khu KTQP Ea Súp đã định canh, định cư cho 3.637 hộ với 12.582 nhân khẩu; trong đó có 2.596 hộ di dân trong kế hoạch, mỗi hộ được cấp 1.000 m2 đất ở và 2 ha đất sản xuất. Ngoài ra, bà con còn được hỗ trợ làm nhà ở, khai hoang đất và lương thực trong những tháng đầu định cư trong vùng dự án.

Bên cạnh đó, những năm qua, Đoàn KTQP 737 còn xây dựng, bàn giao 39 căn nhà Tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết cho đối tượng người có công và hộ nghèo; giúp dân sửa chữa 4 căn nhà do thiên tai, hỏa hoạn; nâng cấp hơn 10 km đường giao thông liên xã; đầu tư hơn 26 tỷ đồng xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; tổ chức khám, chữa bệnh cho hơn 15 nghìn lượt người. Nhờ vậy, cuộc sống của bà con trong vùng dự án từng bước ổn định.

Nhận định về sự đổi thay và hướng phát triển của vùng biên Ea Súp, đồng chí Trần Lệ Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Ia R’vê cho rằng, Khu KTQP Ea Súp đã và đang nhận được sự quan tâm đầu tư rất lớn về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Tuy nhiên, do những bất lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, và nhất là thiếu nước tưới từ công trình thủy lợi, nên tiềm năng về đất đai chưa phát huy hiệu quả. Thu nhập bình quân trên diện tích đất còn thấp. Trước những khó khăn đó, bà con trong vùng dự án luôn nhận được sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn. Đặc biệt là sự giúp đỡ tận tình, hiệu quả của Đoàn KTQP 737. Bộ đội Đoàn KTQP 737 không chỉ khảo nghiệm thành công các mô hình kinh tế, trực tiếp trao tặng cây, con giống, mà còn theo sát quá trình lao động sản xuất của các hộ, tiếp tục hỗ trợ công lao động, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, để việc trồng trọt, chăn nuôi của bà con thực sự đạt hiệu quả.

Kết quả khảo sát cho thấy, từ chỗ 100% hộ thuộc diện nghèo khi được đón vào vùng dự án, đến đầu năm 2019 này, tỷ lệ hộ nghèo các xã Ia R’vê, Ia Lốp đã giảm xuống còn 60%. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người các xã Ia R’vê, Ia Lốp đạt hơn 15,2 triệu đồng/năm. Các xã vùng dự án đã đạt 7/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đại đa số hộ dân đã yên tâm “bám đất, bám làng”, tạo lập cuộc sống lâu dài, ổn định trên vùng biên giới Nam Tây Nguyên. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lốp Vi Văn Son, thời gian tới, khi công trình thủy lợi Ia Mơ đưa vào khai thác, hơn 4 nghìn ha đất canh tác của bà con xã Ia Lốp từ sản xuất 1 vụ bấp bênh, lên sản xuất 2-3 vụ ăn chắc, thì bà con vùng biên này không chỉ thoát nghèo, mà còn mở hướng làm giàu.

Bình Định


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.