Multimedia Đọc Báo in

Nhọc nhằn nghề gặt lúa thuê

08:47, 06/10/2019

Ở nhiều vùng nông thôn, do khan hiếm lao động nên nhiều nông hộ đã sẵn sàng bỏ tiền ra thuê người gặt lúa. Những năm gần đây, gặt lúa thuê được coi là nghề mưu sinh của nhiều người, nhất là những người không có việc làm ổn định.

Do không có công việc ổn định nên gia đình bà Lê Thị Hiển (ở thôn Tân Hưng, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) chủ yếu sống bằng nghề làm thuê. Lúc thì hái cà phê, lúc thì gặt lúa hoặc ai có nhu cầu thuê gì thì làm nấy. Tranh thủ mùa vụ, bà Hiển cùng một số người dân trong thôn cùng rủ nhau đi gặt lúa thuê để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống hằng ngày.

Trước mỗi mùa vụ, nhóm bà Hiển thường chủ động liên hệ với những gia đình có nhu cầu gặt thuê để sắp xếp thời gian và nhân công sao cho phù hợp. Một ngày nhóm của bà phải đặt ra chỉ tiêu gặt được từ 2 - 3 sào ruộng thì mới đủ công làm bởi mỗi mùa gặt chỉ kéo dài nhiều nhất là hơn một tháng. Trung bình mỗi sào lúa, nhóm bà Hiển được trả công từ 150.000 – 200.000 đồng.

Đội gặt lúa thuê của thôn Cao Thành (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đang tuốt lúa  và đóng bao sau khi gặt xong.
Đội gặt lúa thuê của thôn Cao Thành (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đang tuốt lúa và đóng bao sau khi gặt xong.

Chị H’Ven Niê (thôn 1, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) là thành viên của một đội chuyên gặt lúa thuê. Công việc khá vất vả. Khi đến buổi gặt, mọi người trong nhóm phải dậy từ 5 giờ sáng chuẩn bị các nông cụ và tư trang cần thiết để ra đồng, các chị đều phải phấn đấu mỗi ngày gặt được 2 - 3 sào ruộng đã được khoán. Để kịp tiến độ gặt, các chị thường nấu cơm mang đi, buổi trưa tranh thủ ăn vội vàng rồi tiếp tục cắt lúa cho người vận chuyển và đưa vào máy tuốt, đóng bao. Chị H’Ven tâm sự: “Công việc tuy vất vả nhưng chúng tôi phải tranh thủ và chịu khó bởi nếu chậm chân thì đội gặt thuê khác sẽ nhận mất việc của mình. Bù lại sự vất vả đó, cuối mỗi vụ chúng tôi cũng có thêm một khoản tiền để lo cho sinh hoạt gia đình, mua đồ dùng và đóng tiền học cho con cái”.

Theo tìm hiểu, hiện các chủ ruộng thuê người gặt lúa thường trả công theo kiểu khoán, mỗi sào (1.000 m2) nếu khoán trắng (gặt lúa, tuốt và đóng bao) thì sẽ được trả từ 1,4 - 1,6 triệu đồng (đã bao gồm cả tiền thuê máy tuốt lúa) tùy theo ruộng gần hay xa, lúa có bị đổ hay không hoặc ruộng thuộc loại dễ gặt hay khó gặt, ngập nước hay không. Anh Y Thanh Byă (ở buôn H’đơk, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, những thành viên trong đội gặt thuê phải là những người chịu khó và có sức khỏe thì mới làm được. Đội của anh Y Thanh gồm 15 người, có hôm lên đến 20 người nên anh chia thành hai nhóm nhỏ để gặt cho nhanh và kịp thời. Trung bình mỗi ngày, đội của anh gặt được từ 3 - 4 sào lúa, sau khi trừ các chi phí, mỗi người sẽ nhận được tiền công từ 250.000 – 300.000 đồng/ngày.

Cũng theo chia sẻ của Y Thanh, hợp đồng thuê gặt chủ yếu là “khoán bằng miệng”, nếu may mắn gặp được người chủ xởi lởi, hào phóng thì không những được trả công như giao kèo ban đầu mà đội gặt còn được cho thêm tiền nước và ăn trưa. Song nhiều khi đội cũng gặp những người chủ khó tính, giám sát rất kỹ công việc, thấy cắt lúa “dối” hoặc làm rơi vãi lúa một chút là nhắc ngay, thậm chí có những chủ thuê lại vin vào việc năng suất lúa thấp mà lại bớt tiền thuê.

Bên cạnh đó, nghề gặt lúa thuê phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Chị H’Rên Ktla một thành viên nhóm gặt lúa thuê ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) bộc bạch: “Nếu trời không mưa, việc thu hoạch thuận lợi hơn rất nhiều tuy gần trưa nắng rất oi nồng và bỏng rát, phấn lúa quyện vào người rất ngứa và khó chịu. Nếu trời mưa thì làm việc rất vất vả, chuyển lúa từ ruộng lên bờ rất khó khăn vì một bó lúa ướt nặng hơn gấp ba lần; lúa ướt còn khó cào và tuốt lúa… Có lần gặp phải ruộng lúa bị đổ và ngập do mưa nhiều, chúng tôi phải trầm mình xuống ruộng bì bõm để gặt, lấy tay nâng từng khóm lúa lên mới cắt được ngọn lúa”.

Cao Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.