Multimedia Đọc Báo in

Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện ở huyện Lắk: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền

09:09, 16/03/2020

Những năm gần đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Lắk luôn chú trọng công tác tuyên truyền phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, nhưng do điều kiện kinh tế địa phương còn khó khăn, nhận thức của đa số người dân chưa đầy đủ nên số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện vẫn còn hạn chế.

Tham gia BHXH tự nguyện góp phần giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động cho đối tượng tham gia. Trước những lợi ích thiết thực đó, BHXH huyện Lắk đã tập trung thực hiện các biện pháp tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân. Dù vậy, bên cạnh số ít người đã hiểu và tham gia đóng BHXH tự nguyện cho các thành viên trong gia đình thì số người dân, lao động tự do chưa biết và không tham gia loại hình bảo hiểm này vẫn chiếm đa số .

Cán bộ BHXH huyện Lắk giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân.
Cán bộ BHXH huyện Lắk giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân.

Qua tìm hiểu có thể thấy, việc phát triển BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn với người dân, trước hết là do người dân chưa quan tâm nhiều và chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của nó. Mặt khác, thời gian đóng BHXH tự nguyện tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí kéo dài đến 20 năm, đòi hỏi người tham gia phải kiên trì; đồng thời, phạm vi quyền lợi được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện còn hạn chế khi mà hiện nay chỉ có hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Trong khi đó, đa phần người dân trên địa bàn huyện sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp, mức thu nhập rất thấp và đặc biệt là không ổn định nên họ không mặn mà tham gia.

Từ đầu năm 2020 đến nay, các đại lý thu của Bưu điện huyện, xã đã phát triển thêm được 22 người tham gia BHXH tự nguyện.

Bên cạnh đó công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH thời gian gần đây tuy có những đổi mới, nhưng chưa thường xuyên, liên tục và chưa phủ rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là lao động tự do, người lao động trong các gia đình làm nông, lâm nghiệp. Ngoài ra, hiện nay công tác thu BHXH tự nguyện chủ yếu được thực hiện thông qua bưu điện huyện và các điểm bưu điện văn hóa xã. Những người trực tiếp làm công tác này chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm nên kiến thức, kinh nghiệm tuyên truyền, vận động người dân tham gia còn hạn chế…Theo số liệu thống kê của BHXH huyện Lắk,  năm 2019 toàn huyện chỉ có 255 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt trên 70% chỉ tiêu BHXH tỉnh giao.

Nhân viên bưu điện huyện Lắk (bên phải) tuyên truyền, động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Nhân viên bưu điện huyện Lắk (bên phải) tuyên truyền, động người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Có thể nói, công tác khai thác, mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện Lắk đang gặp khó khăn, nếu như không có các giải pháp đột phá trong tổ chức thực hiện thì sẽ khó hoàn thành chỉ tiêu giao năm 2020 là 674 người. Ông Vũ Văn Hải, Giám đốc BHXH huyện Lắk cho biết: “Thời gian tới BHXH huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chế độ, chính sách BHXH đến tận người dân ở các thôn, buôn, tổ dân phố; đặc biệt, đơn vị sẽ phối hợp với Bưu điện huyện củng cố, mở rộng mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện; tổ chức đào tạo, phát huy vai trò của đội ngũ nhân viên đại lý, điểm thu ngoài hệ thống bưu điện ở các xã nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện”.

Lắk là huyện nghèo theo Quyết định số 275/QĐ-TTg, ngày 7-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018 – 2020. Do đó, để đạt mục tiêu phát triển BHXH tự nguyện của địa phương rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích lâu dài, bền vững để thu hút họ tham gia BHXH tự nguyện.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc