Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Trăn trở chuyện giảm nghèo ở các buôn vùng sâu

08:32, 06/11/2020

Thời gian qua, dù đã được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội song đến nay một số buôn căn cứ cách mạng ở vùng sâu huyện Krông Bông vẫn rất khó khăn.

Buôn Đắk Tuôr (xã Cư Pui) hiện có 130 hộ người dân tộc Êđê thì có đến 84% số hộ trong diện hộ nghèo và cận nghèo. Có lợi thế về đất sản xuất với hàng trăm héc-ta đất bằng, hàng nghìn héc-ta đất đồi dốc phù hợp phát triển trồng trọt, chăn nuôi; lại có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử song buôn chưa phát huy được; nhiều nguồn hỗ trợ của Nhà nước, của các đơn vị, tổ chức, cá nhân không phát huy được hiệu quả. Hiện nay, những ngôi nhà sàn truyền thống rất đẹp với không gian văn hóa cồng chiêng, rượu cần, bến nước, phong tục của bà con dân tộc địa phương đã dần bị mai một, thay thế vào đó là những ngôi nhà xây tạm bợ, vệ sinh môi trường nhếch nhác, không được người dân quan tâm.

Nhiều ngôi nhà dài ở buôn căn cứ cách mạng Đắk Tuôr (xã Cư Pui) xuống cấp, hư hỏng. Ảnh: T.Lâm
Nhiều ngôi nhà dài ở buôn căn cứ cách mạng Đắk Tuôr (xã Cư Pui) xuống cấp, hư hỏng. Ảnh: T.Lâm

Buôn M’năng Dơng (xã Yang Mao) – từng là nơi Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (tháng 4-1969), cuộc sống của người dân hiện cũng còn nhiều khó khăn. Bà con vẫn duy trì lối canh tác theo kiểu truyền thống, không chú trọng đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, không ít người có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, lười lao động nên tỷ lệ hộ nghèo trong buôn rất cao. Buôn M’năng Dơng hiện có 182 hộ dân tộc M’nông thì có đến 104 hộ thuộc diện nghèo và 52 hộ cận nghèo (tỷ lệ 86%). Phần lớn nhà cửa của người dân trong buôn được xây dựng từ nguồn hỗ trợ của các chương trình 134, 167 hoặc là nhà Tình nghĩa, nhà Tình thương, nhà Đại đoàn kết...

Một số gia đình vẫn còn ở trong những căn nhà tạm bợ. Nguồn nước sinh hoạt được người dân sử dụng từ 3 giếng khoan được cấp trên hỗ trợ; nhiều hộ không có bể lọc, không xử lý mà dùng trực tiếp nước này để ăn uống và sinh hoạt hằng ngày. Trong khi đó, nguồn nước không được giữ vệ sinh, bể dùng chung làm ngay bên chuồng bò của một số gia đình, nước thải ra không có mương thoát nên rất mất vệ sinh; buôn hiện cũng chưa có đường điện chiếu sáng ban đêm. Đặc biệt, hiện nay nhiều hộ dân trong buôn vẫn còn nợ tiền mua gạo, giống, nhu yếu phẩm ở các quán, trong đó có hộ nợ đến hàng chục triệu đồng.

Ông Y Trang Byă (Ama Vân), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Krông Bông giai đoạn 1985 - 1987 trăn trở: “Được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ rất nhiều nhưng người dân trong buôn không biết tận dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả; lãng phí đất đai, nguồn vốn, sức lao động; không có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Mong muốn trong thời gian tới cấp trên sẽ có nghị quyết riêng với những giải pháp phù hợp, hiệu quả để giúp người dân vùng căn cứ sớm thoát khỏi tình trạng nghèo đói, vươn lên làm giàu”.

Người dân buôn  M'nang Dơng (xã Yang Mao) vẫn sử dụng nước không bảo đảm  vệ sinh  để sinh hoạt.    Ảnh: T.Lâm
Người dân buôn M'nang Dơng (xã Yang Mao) vẫn sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để sinh hoạt. Ảnh: T.Lâm

Buôn H’Ngô A (xã Hòa Phong), nơi từng tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ V (tháng 10-1971) và có thác buôn H’Ngô đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh, hiện cũng có đến 103 hộ nghèo và 44 hộ cận nghèo trong số 288 hộ đồng bào M’nông của buôn. Người dân ở đây nghèo không hẳn vì thiếu đất, thiếu giống, thiếu vốn hay do mất mùa mà do bà con vẫn giữ lối canh tác truyền thống lạc hậu và chưa có quyết tâm thoát nghèo.

Đất đai, khí hậu địa phương rất phù hợp để chuyển đổi sang những cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả, cà phê, trồng rừng... song bà con vẫn chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày, hiệu quả thấp.  Trong buôn có hơn 90% hộ nghèo được tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (mức vay từ 10 - 30 triệu đồng/hộ); hàng chục hộ được vay vốn từ Ngân hàng NN-PTNT và được hỗ trợ vốn, giống từ Dự án giảm nghèo Tây Nguyên... nhưng việc sử dụng vốn đa số không đúng mục đích, canh tác nửa vời, không biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào các mô hình sản xuất dẫn đến lãng phí nguồn vốn.

Ông Nguyễn Văn Lắm, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phong chia sẻ: “Cũng như các buôn khác, buôn H’Ngô A được đầu tư từ các chương trình, dự án để xây dựng hạ tầng, hỗ trợ vốn, giống, tư vấn kỹ thuật giúp bà con phát triển kinh tế - xã hội. Đảng ủy xã Hòa Phong đã quan tâm tăng cường đồng chí đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã về làm Bí thư Chi bộ. Tuy nhiên, đời sống của người dân trong buôn vẫn rất khó khăn, nhiều hộ dân chưa thoát được nghèo mà nguyên nhân chủ yếu là do họ thiếu quyết tâm, lãng phí sức lao động, sử dụng các nguồn vốn không hiệu quả”.

Tùng Lâm

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.