Multimedia Đọc Báo in

Dùng điện đánh bắt thủy sản: Hiểm họa khôn lường

08:39, 30/08/2018

Đắk Lắk đang trong mùa mưa, nước ở đồng ruộng, ao, suối dâng cao mang theo nhiều nguồn lợi thủy sản như cá, tôm, lươn, rắn… Thế nhưng, thay vì quăng lưới, kéo chài bắt như cách truyền thống, một số người dân lại dùng bình kích điện tự chế, gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái, trực tiếp đe dọa đến tính mạng người sử dụng và vi phạm pháp luật.

Tại cánh đồng lúa xã Yang Tao (huyện Lắk), chúng tôi chứng kiến nhiều người dùng điện kích cá dưới trời mưa to. Khi hỏi về sự an toàn của việc mang bình điện trên người giữa trời mưa, anh Y Thơt, một người đang đi kích cá bảo: “Không sao đâu. Bình này, mình tự mua đồ về làm chắc chắn lắm. Trừ khi dây điện bị hở mới bị điện giật. Dòng điện nhẹ, bị giật chỉ tê tê người thôi”. Anh Y Thơt làm nghề nông, thời gian rảnh anh thường mang bình điện ra ao, suối, ruộng đồng xiệc thủy sản. Xiệc trúng loại nào (cá, tôm, rắn, lươn, ếch…), con to hay nhỏ anh cũng lấy về hết. Theo anh Y Thơt, mùa mưa, cá, lươn rất nhiều, chỉ cần mang bình ra ruộng xiệc một tiếng đồng hồ là có cá ăn ngay. Còn muốn bắt được nhiều để bán phải xiệc lâu và siêng lội ruộng xa vì mùa này nhiều người đi bắt.

Nhiều người dân xiệc cá ở cánh đồng xã Yang Tao.
Nhiều người dân xiệc cá ở cánh đồng xã Yang Tao.

Cấu tạo thiết bị đánh bắt thủy sản “siêu tốc” gồm bình ắc quy khoảng 12V gắn với một bộ phận kích điện, nối dây dẫn điện xuống 2 cần tre dài khoảng 2 mét có gắn thanh sắt nhọn và một vợt sắt để vớt “chiến lợi phẩm”. Giá của bộ đồ nghề này cũng “mềm”, người mua chỉ cần bỏ ra từ 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng là có ngay một bộ. Cách sử dụng cũng khá đơn giản, người dùng sạc điện đầy bình, mang bình lên lưng, chân di chuyển, tay cầm cần tre chọc xuống nước, bật công tắc sẽ xảy ra hiện tượng xung điện. Trong bán kính từ 1,5–2 mét, tất cả các sinh vật dưới nước từ cá con, trứng hay sinh vật phù du đều bị điện giật tê chết. Đây là cách đánh bắt tận diệt khiến nguồn lợi thủy sản không thể tái tạo, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đa dạng sinh học… Nguy hiểm hơn, đánh bắt thủy sản bằng xung điện còn có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng người sử dụng. Bởi nước, đất là những môi trường dẫn điện rất tốt, khi nguồn điện hở, cơ thể rất dễ bị nguồn điện phóng gây đột quỵ, suy tim... nếu không được phát hiện kịp thời rất dễ dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Thực tế, tại Đắk Lắk từng có nhiều người bị điện giật khi dùng bình kích điện. Người bị nhẹ thì thương tích, nặng thì mất mạng. Mới đây vào tháng 3-2018, anh N.V.C. (28 tuổi, ở xã Ea Lê, huyện Ea Súp) trong lúc đi xiệc cá không may bị điện giật tử vong, để lại vợ và hai con thơ dại.

Đánh bắt thủy sản bằng xung điện nguy hiểm đến tính mạng người dùng.
Đánh bắt thủy sản bằng xung điện nguy hiểm đến tính mạng người dùng.

Cùng với đó, dùng xung điện đánh bắt thủy sản là vi phạm pháp luật. Tại Điều 15, Nghị định 103/2013/NĐ–CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản sẽ bị phạt tiền và bị tịch thu công cụ kích điện. Quy định đã có,  nhưng người dân ở một số nơi, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không biết, không nhận thức đầy đủ hiểm họa này. Do đó, chính quyền địa phương nên tăng cường công tác tuyên truyền, thắt chặt quản lý, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Người dân cũng cần nâng cao nhận thức, đừng vì chủ quan hay một chút lợi ích trước mắt mà vi phạm pháp luật và có lúc phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Hải Đăng


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.