Multimedia Đọc Báo in

Phân luồng học sinh - vẫn còn nhiều thách thức

09:51, 23/02/2014
Việc phân luồng học sinh sẽ tạo nền tảng quan trọng cho việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu  phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và Dak Lak nói riêng. Tuy nhiên trong thời gian qua việc phân luồng học sinh vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Từ yêu cầu thực tiễn cấp bách

Trong giáo dục phổ thông, sau mỗi lớp học, cấp học sự phân hóa sẽ chia học sinh thành những nhóm khác nhau về học lực, về sở thích, nguyện vọng, xu hướng nghề nghiệp. Nhiệm vụ của giáo dục là làm sao đáp ứng tốt nhất các yêu cầu khách quan đó. Dạy học phân hóa, thực hiện phân ban và phân luồng học sinh là những cách thức để giải quyết vấn đề. Cuối cấp tiểu học sự phân hóa chưa dẫn đến phải phân luồng. Cuối cấp THCS học sinh chuẩn bị bước vào tuổi vị thành niên, tuổi lao động cho nên sự phân hóa trong học sinh cũng đa dạng và đủ lớn để phải tiến hành phân luồng sau THCS. Đó là  nguyện vọng của một bộ phận đông đảo học sinh, là yêu cầu cần thiết của xã hội. Tuy nhiên nếu thực hiện không tốt việc phân luồng học sinh sau THCS cũng có nghĩa là chúng ta vô tình xô đẩy một bộ phận đông đảo học sinh tốt nghiệp THCS yếu thế về học lực và hoàn cảnh, kinh tế gia đình không được tiếp tục học mà phải nghỉ học, phải tham gia lao động sản xuất mà trong tay không có nghề qua đào tạo. Phân luồng học sinh sau THCS cũng không phải là ép buộc những học sinh tốt nghiệp THCS yếu thế về học lực và hoàn cảnh kinh tế về phía những phương thức học tập bất lợi mà là tạo ra phương thức học phù hợp và cơ hội học tập có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng được học, nguyện vọng có nghề nghiệp của họ.

Thực hiện phân luồng học sinh sau THCS lành mạnh, đúng hướng thông thoáng thực chất là nâng cao hiệu quả giáo dục và hiệu quả xã hội (mặt bằng chất lượng giáo dục phổ thông được nâng lên, cơ cấu nhân lực được cải thiện, tránh được lãng phí xã hội trong giáo dục…). Như vậy, phân luồng học sinh sau THCS chẳng những không làm triệt tiêu các cơ hội học lên của học sinh mà còn đa dạng hóa phương thức học, luồng học cho người học, tạo điều kiện thích hợp cho nhiều người học và cho cả việc học lên của học sinh. Nếu học sinh có nhu cầu nguyện vọng và năng lực thì việc học lên có nhiều cơ hội như học liên thông, liên kết, từ xa, vừa học vừa làm... Điều thuận lợi là hiện nay trên địa bàn tỉnh có 8 trường trung cấp chuyên nghiệp với 39 mã ngành đào tạo; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư, xây dựng hoàn chỉnh đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo; đội ngũ giảng viên, giáo viên tâm huyết với nghề nghiệp, nhiệt tình và có kinh nghiệm giảng dạy. Đây là cơ hội rất thuận lợi đối với học sinh trong việc chọn lựa ngành học.

Phân luồng giáo dục hiệu quả sẽ  góp phần  cải thiện cơ cấu nhân lực,  tránh được lãng phí xã hội trong giáo dục.
Phân luồng giáo dục hiệu quả sẽ góp phần cải thiện cơ cấu nhân lực, tránh được lãng phí xã hội trong giáo dục.

Chưa nhận thức đúng về phân luồng, hướng nghiệp

Tuy nhiên, trong thời gian qua vấn đề phân luồng học sinh sau THCS vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi. Chẳng hạn trong năm học vừa qua, trong tổng số 30.338 học sinh tốt nghiệp THCS có 28.615 học sinh vào THPT (cả hệ chính quy và hệ bổ túc), tỷ lệ học sinh học trong các cơ sở dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp là 773 học sinh, tỷ lệ chỉ đạt 2,5%. Theo Sở GD-ĐT, nguyên nhân khiến việc phân luồng cho học sinh sau THCS hạn chế là do nhận thức của người dân, nhà trường và xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp chưa thật sự đúng đắn. Nhiều học sinh và gia đình không lượng được sức học của bản thân và điều kiện kinh tế gia đình để tìm con đường học nghề từ sớm, động cơ tham gia các lớp học nghề của học sinh bị lệch lạc. Quan trọng hơn là việc phân luồng học sinh mới chỉ dừng lại ở chủ trương mà chưa cụ thể hóa thành chính sách và cơ chế khuyến khích người học. Việc đào tạo nghề chưa gắn kết với giải quyết việc làm nên chưa thật sự thu hút các em vào học nghề, chưa thuyết phục được phụ huynh về tương lai nghề nghiệp của con em mình. Điều này có thể nhận thấy rất rõ tại huyện Krông Ana, một trong những địa phương được đánh giá là thực hiện khá tốt công tác phân luồng học sinh. Trong ba năm học gần đây, tỷ lệ học sinh sau THCS vào học THPT đã có sự tăng dần từ 75% lên 86%; tỷ lệ học sinh vào GDTX cũng tăng dần lên từ 3,6% lên 4,1%; Tuy nhiên, theo Trưởng phòng GD-ĐT Krông Ana Thái Văn Tài, luồng học sinh vào học nghề nghiệp chưa thể hiện rõ sự định hướng của các cấp mà đang theo trào lưu tự phát. Tỷ lệ học sinh sau THCS không tiếp tục học cũng chưa có sự định hướng can thiệp của gia đình và các tổ chức xã hội nên tỷ lệ dao động phụ thuộc vào tỷ lệ được tuyển vào THPT.

Với thực tế hiện nay, mục tiêu hướng đến việc giảm đầu vào khối THPT còn khoảng 70% đến 75% để tăng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học hệ trung cấp chuyên nghiệp và các trường dạy nghề lên khoảng 10% của ngành giáo dục là một thách thức không nhỏ. Để thực hiện được mục tiêu này, ngoài việc xây dựng một lộ trình cụ thể ; các cấp, các ngành cần vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, giải quyết “đầu ra” và các chính sách xã hội phù hợp đối với loại hình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề.

Tại Hội thảo “Tăng cường phân luồng học nghề sau trung học” do Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề) mới tổ chức gần đây, các đại biểu cho rằng đã hơn 30 năm vấn đề phân luồng được đặt ra với rất nhiều văn bản, chính sách được ban hành nhưng kết quả vẫn không như mong muốn. Theo các chuyên gia, việc phân luồng kém hiệu quả là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến nạn thất nghiệp. Trong năm 2013 có 1 triệu lao động thất nghiệp, gần 49% trong số đó có độ tuổi từ 16 - 24, có khoảng 100.000 người có bằng đại học nhưng vẫn thất nghiệp.

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.