Multimedia Đọc Báo in

Đồng hành cùng con bị mắc chứng tự kỷ

17:33, 13/06/2020

Nhận tin con bị chứng rối loạn tự kỷ, nhiều phụ huynh “sốc”, thậm chí tự trách bản thân mình. Nhưng sau tất cả, họ nhận ra chỉ có tình yêu thương cùng sự kiên nhẫn, đồng hành cùng con là cách duy nhất giúp trẻ sớm hòa nhập với cộng đồng.

Biết tin Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh mở lớp tập huấn “Kỹ năng chăm sóc trẻ bị rối loạn tự kỷ”, vợ chồng anh Huỳnh Anh (huyện Cư Kuin) gác hết mọi việc để đến tham dự. Anh có ba người con, hai đứa lớn khỏe mạnh bình thường, riêng đứa con trai út bị tự kỷ nặng. “Con được 18 tháng tuổi mà chưa biết nói, ít vận động nhưng tôi lại chủ quan. Năm con lên 2 tuổi, có những biểu hiện nặng hơn tôi mới đưa con đi khám. Bác sĩ kết luận con bị tự kỷ khiến tôi “sốc”, phải mất một thời gian mới chấp nhận được sự thật. Ân hận vì bỏ qua giai đoạn “vàng” cứu con, tôi đưa con đi khắp nơi chạy chữa, cuối cùng bác sĩ khuyên liều thuốc tốt nhất là tình yêu thương gia đình”, anh Anh nhớ lại.

Mỗi ngày anh đi bốn lượt, vượt cả trăm cây số đưa con đến Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh học. Tối đến, anh lại cùng con luyện một số kỹ năng như phát âm, diễn đạt điều mình thích... “Chăm trẻ bình thường đã khó, trẻ bị tự kỷ càng khó gấp bội. Chỉ cần thấy con cười, gọi ba, gọi mẹ, là bao nhiêu mệt nhọc, áp lực đều tan biến. Dù đây là điều hết sức bình thường của các phụ huynh khác, nhưng là niềm hạnh phúc của vợ chồng tôi”, anh Anh trải lòng.

Một ông bố cùng đứa con bị bệnh tự kỷ của mình tập vẽ.
Một ông bố cùng đứa con bị bệnh tự kỷ của mình tập vẽ.

Tương tự, hành trình đồng hành cùng con bị chứng tự kỷ của vợ chồng chị Tâm (phường Thành Nhất) cũng gian nan không kém. Chị Tâm kể, từ khi con lên 2 tháng tuổi đã thấy sự khác lạ khi con không nhìn vào mắt mình. Chị lên Internet tìm thông tin và biết được hàng loạt dấu hiệu nhận diện trẻ bị tự kỷ nên đưa con đi khám ngay. Dù là người rất lạc quan nhưng khi nhận tin con bị chứng tự kỷ, chị cảm nhận mọi thứ quanh mình như sụp đổ. Song nhờ những lời động viên của bác sĩ đã giúp chị thoát khỏi hố sâu tuyệt vọng. 5 năm qua, chị đã kiên trì, đồng hành cùng con đến trung tâm dành cho trẻ khuyết tật học và kiên nhẫn đón con trở về. “Tuy con không thích giao tiếp, nhưng được mẹ dạy lại rất hứng thú, tiếp thu nhanh. Ngoài kiến thức từ các chuyên gia tư vấn, tôi tham khảo thêm nhiều thông tin chia sẻ của những bà mẹ nuôi dạy con tự kỷ thành công trên mạng xã hội. Từ đó, tôi biết thêm nhiều kỹ năng để dạy con như tạo ra nhiều đồ chơi sinh động, hình ảnh bắt mắt thu hút sự chú ý của bé... Cứ như thế, nhận thức của con dần dần tiến bộ. Đến nay, con đã đi học hòa nhập với các trẻ bình thường khác, đây là điều kỳ diệu mà tôi từng mong ước. Dẫu vậy, tôi vẫn dành nhiều thời gian, bù đắp những thiệt thòi cho đứa con kém may mắn”, chị Tâm cho hay.

Chuyên gia Lê Thị Thanh Xuân dùng bóng bay thu hút sự chú ý của trẻ.
Chuyên gia Lê Thị Thanh Xuân dùng bóng bay thu hút sự chú ý của trẻ.

Bà Lê Thị Thanh Xuân, Trưởng đơn vị Âm ngữ trị liệu và Trung tâm Can thiệp sớm dành cho trẻ tự kỷ thuộc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP. Hồ Chí Minh cho biết, trẻ mắc chứng tự kỷ thường gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tương lai các bé hoàn toàn khép lại. Các phụ huynh cần nhận biết sớm những biểu hiện của chứng tự kỷ để can thiệp kịp thời. Với các trẻ tự kỷ, trường học, bệnh viện giỏi nhất chính là mái ấm gia đình. Dẫu hành trình hòa nhập của trẻ tự kỷ không hề dễ dàng, nhưng nếu được quan tâm, chăm sóc, yêu thương đúng cách từ phía gia đình và xã hội thì các bé hoàn toàn có thể hòa nhập và phát huy tối đa khả năng phát triển của mình.

Thanh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.