Multimedia Đọc Báo in

SEA Games - bao giờ hết tiếng "ao làng"?

13:58, 29/11/2019

Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) đã qua 30 lần tổ chức. Thế nhưng chưa bao giờ Đại hội thể thao tầm cỡ lớn nhất khu vực này hết mang tiếng "ao làng". Và SEA Games 30 đang diễn ra tại Philippines cũng không phải là ngoại lệ.

Trước hết phải nói đến những môn thể thao được lựa chọn thi đấu tại SEA Games. Cứ mỗi kỳ tổ chức, quốc gia nào đăng cai sẽ lập tức đưa vào nội dung thi đấu những môn thế mạnh của mình nhằm "thâu tóm" càng nhiều huy chương càng tốt. Đơn cử như SEA Games lần này, nước chủ nhà Philippines đã đưa môn thể thao điện tử (Esports) vào nội dung thi đấu.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thể thao thế giới Esports được đem vào thi đấu tranh huy chương. Thậm chí nội dung này còn có tới 6 bộ huy chương ở các môn: Dota 2, Starcraft II, Mobile Legend, Liên Quân Mobile, Tekken 7 và Hearthstone. SEA Games 30 cũng sẽ xuất hiện môn khúc côn cầu dưới nước (Underwater Hockey). Hiện ở Đông Nam Á chỉ có 4 đội tuyển khúc côn cầu dưới nước là Philippines, Malaysia, Indonesia và Singapore.

Hay một môn thi đấu khác cũng chỉ có 4 quốc gia đăng ký tham dự gồm Philippines, Lào, Malaysia và Myanmar là môn vượt chướng ngại vật (Obstacle Sports)... Theo thống kê, SEA Games 30 có đến 12 môn mới được đưa vào nội dung thi đấu và cơ hội để Philippines giành chiến thắng ở những môn này là không hề nhỏ.

Lần đầu tiên trong lịch sử  thể thao thế giới Esports được đem vào thi đấu tranh huy chương.
Lần đầu tiên trong lịch sử thể thao thế giới Esports được đem vào thi đấu tranh huy chương.

Một vấn đề khác là chuyện trọng tài ưu đãi vận động viên nước chủ nhà dường như đã trở thành "đặc sản" của các kỳ SEA Games. Đến thời điểm này tuy chưa xuất hiện, nhưng đây cũng là vấn nạn lâu nay tại các kỳ SEA Games mà không thể không nhắc đến. Câu chuyện khôi hài nhất liên quan đến vấn đề trọng tài mà đến hôm nay ai cũng vẫn nhớ có lẽ là câu chuyện diễn ở SEA Games 26 được tổ chức tại Indonesia.

Nội dung pencak silat tại SEA Games 26 có tổng cộng 18 HCV và chỉ tiêu của chủ nhà Indonesia là 12 HCV. Trước khả năng không hoàn thành chỉ tiêu đề ra, ở trận chung kết hạng cân 50 kg nam giữa võ sĩ của nước chủ nhà là Dian Kristanto với võ sĩ Anothai Choongpeng của Thái Lan, võ sĩ của Indonesia  chỉ toàn chạy, tránh, né. Mỗi khi trọng tài phất tay ra hiệu thi đấu, Dian lại bỏ chạy vòng vòng, có lúc lại núp sau lưng trọng tài...

Vậy mà người chiến thắng để đoạt HCV lại là Dian! Mới đây nhất là SEA Games 29 tổ chức tại Maylasia, nhiều vận động viên của Việt Nam cũng phải "nhường" HCV cho nước chủ nhà vì trọng tài xử ép mà điển hình nhất là ở môn đi bộ 10 km. Vận động viên Phan Thị Bích Hà đã phải bật khóc tức tưởi vì bị cướp mất HCV một cách trắng trợn do đối thủ người Malaysia, Elena Gohling Yin, đổi từ đi bộ sang chạy về đích và được các trọng tài dung túng để chiến thắng.

Đó là những vấn đề mang tính "thâm căn cố đế" khiến nhiều người chán chường chưa hết thì SEA Games 30 diễn ra tại Philippines còn có những chuyện cứ ngỡ như đùa. Trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế những ngày qua dày đặc thông tin về công tác tổ chức tệ hại của nước chủ nhà. Một đại hội có ngân sách phục vụ được công bố lên đến 7,5 tỷ peso (tương đương 3.405 tỷ VNĐ), nhưng đến sát ngày khai mạc vẫn còn vô số thứ ngổn ngang. Mà tệ hơn nữa là công tác tiếp đón, phục vụ của nước chủ nhà đối với các đoàn vận động viên.

Thấy rõ nhất là việc phục vụ cho môn bóng đá nam và bóng đá nữ đang khiến cho các đoàn tham dự vô cùng bức xúc. Một đại hội thể thao lớn nhất khu vực, nhưng tiêu chuẩn mỗi phòng vân động viên chỉ có hai chai nước suối nhỏ; xe buýt chở vận động viên... bỏ quên đội tuyển U22 Indonesia khiến đội bóng này phải đi bộ đến sân tập; U22 Campuchia phải ngủ trên sàn nhà vì phải chờ đến 12 tiếng mới có thể vào phòng do khách sạn của họ chưa sẵn sàng; đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam ăn không đủ no vì khách sạn... quá ít đồ ăn.v.v... Không chỉ những đoàn khách gặp khó khăn, ngay cả các đội tuyển nước chủ nhà cũng đã phải lên tiếng vì sự cẩu thả trong quá trình chuẩn bị của Philippines.

Sát ngày khai mạc nhưng nhiều địa điểm tổ chức SEA Games 30 vẫn còn ngổn ngang.
Sát ngày khai mạc nhưng nhiều địa điểm tổ chức SEA Games 30 vẫn còn ngổn ngang.

SEA Games được tổ chức hai năm một lần, là nơi để những nền thể thao các nước Đông Nam Á có dịp thi đấu cọ xát, nâng cao trình độ. Không phủ nhận việc tổ chức SEA Games là hết sức cần thiết, nhưng nội dung thi đấu phải có trọng tâm nhằm hướng đến những giải đấu lớn hơn ngoài khu vực như Asiad hay xa hơn là Olympic. Rồi công tác tổ chức cũng phải làm sao để phục vụ tốt nhất cho việc nâng cao chất lượng chuyên môn cũng như sự phát triển của thể thao khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng với quan điểm và cách tiếp cận của các nhà tổ chức như thế, SEA Games được ví như “ao làng” quả không hề sai.

SEA Games 30 chính thức khởi tranh vào ngày 30-11 và kết thúc vào ngày 10-12. Trong khoảng thời gian này, 11 quốc gia tham dự giải sẽ tranh tài ở 56 môn thể thao khác nhau. Đây là kỳ đại hội có nhiều bộ môn tranh tài nhất lịch sử.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.