Multimedia Đọc Báo in

Căng thẳng vùng Vịnh: Al-Jazeera trở thành tâm điểm chỉ trích

12:49, 15/07/2017

Trước những lo ngại của Liên hiệp quốc về yêu cầu đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera mà 4 nước Arab đưa ra đối với Qatar là “vi phạm các quyền tự do cơ bản”, hôm 12-7, Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã có thư phản hồi gửi tới Cao ủy Liên hiệp quốc về nhân quyền.

Trong thư, kênh truyền hình Al-Jazeera tiếp tục trở thành tâm điểm để 4 nước Arab chỉ trích bao gồm các cáo buộc thúc đẩy chủ nghĩa bài Do Thái, kỳ thị và kích động hận thù tôn giáo.

Đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera là một trong 13 yêu cầu mà 4 nước Arab, bao gồm Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập đưa ra làm điều kiện với Qatar để nối lại quan hệ. Tuy nhiên, theo đại diện hãng truyền thông này, đây là một trong những nỗ lực mà 4 nước Arab “làm im tiếng tự do ngôn luận”.

Một góc văn phòng của Al-Jazeera. (Nguồn: AFP)
Một góc văn phòng của Al-Jazeera. (Ảnh: AFP)

Việc yêu cầu đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera của 4 nước Arab cũng khiến Liên hiệp quốc nhiều lần bày tỏ quan ngại, bởi nó đã “vi phạm các quyền tự do cơ bản”. Người phát ngôn Cao ủy Liên hiệp quốc về nhân quyền Rupert Colville cho biết: “Cao ủy Liên hiệp quốc về nhân quyền rất quan tâm đến yêu cầu Qatar đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera cũng như các cơ quan truyền thông khác. Bất kể bạn có xem hay nhất trí với nội dung của nó hay không thì kênh truyền hình Al-Jazeera bằng tiếng Arab và tiếng Anh là hợp pháp và có hàng triệu người xem. Theo chúng tôi, yêu cầu đóng của kênh truyền hình này là một sự tấn công không thể chấp nhận vào quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến”.

Tại phiên khai mạc Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Thông tin Arab (AIMC) lần thứ 48 ở thủ đô Cairo, Ai Cập vào ngày 12-7, các quan chức đầu ngành thông tin 4 nước Arab đã đồng loạt chỉ trích kênh truyền hình Al-Jazeera của Qatar vì đã phát sóng các nội dung kích động làn sóng chống các nước Arab, nỗ lực phá hoại sự ổn định và an ninh khu vực.

Tại đây, Bộ trưởng Nhà nước, kiêm Chủ tịch Ban Giám đốc Hội đồng truyền thông quốc gia UAE, ông Sultan bin Ahmed đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò then chốt của ngành truyền thông trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan. 

Theo quan điểm của 4 nước Arab, Al-Jazeera là hãng truyền thông “chiến tranh hiện đại”, đóng một vai trò quan trọng và rõ ràng trong việc châm ngòi cho tình trạng hỗn loạn tại khu vực. Điều này thể hiện rõ nét nhất khi kênh truyền hình này kích động người dân Arab nhiều nước tiến hành cuộc nổi dậy “Mùa xuân Arab” vào năm 2011.

Vào thời điểm đó, kênh truyền hình Al-Jazeera còn bị coi là một vũ khí giết người lợi hại và có sức ảnh hưởng hơn bất kỳ loại vũ khí và máy bay chiến đấu nào.

Về phần mình, kể từ khi khủng hoảng vùng Vịnh xảy ra, tận dụng lợi thế là một kênh truyền hình có sức ảnh hưởng lớn không chỉ tại khu vực mà còn trên toàn thế giới, kênh truyền hình Al-Jazeera đã đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông nhằm bảo vệ chính phủ Qatar.

Một mặt, Al-Jazeera kịch liệt bác bỏ mọi cáo buộc “vô căn cứ” như hỗ trợ khủng bố, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước trong khu vực nhằm vào chính phủ Qatar; mặt khác nêu rõ quan điểm lập trường của Qatar cũng như truyền bá hình ảnh của kênh truyền hình này để cộng đồng quốc tế “ủng hộ”. Trên thực tế, hãng truyền thông này đã thành công.

Căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh nảy sinh sau khi 4 nước Arab đầu tháng 6 cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, với cáo buộc nước này tài trợ, tiếp tay cho chủ nghĩa khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước này. Tiếp sau đó, những nước này đã áp dụng các biện pháp cô lập Qatar, đồng thời đưa ra bản yêu sách 13 điểm, trong đó yêu cầu Qatar đóng cửa đài truyền hình Al-Jazeera, hạ cấp quan hệ và Iran và ngừng tài trợ cho khủng bố.

Cho đến nay, căng thẳng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Dự kiến, Ngoại trưởng 4 nước Arab sẽ sớm nhóm họp tại Bahrain để thảo luận về bước tiếp theo nhằm siết chặt các biện pháp trừng phạt Qatar sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kết thúc chuyến làm việc tại vùng Vịnh.

Trong một diễn biến liên quan, phát biểu với báo giới vào ngày 12-7, cựu phái viên Liên hiệp quốc James Paul cho rằng thỏa thuận giữa Mỹ và Qatar nhằm hạn chế hoạt động tài trợ khủng bố có thể không được thực thi bởi Doha sẽ không từ bỏ những cam kết của nước này hỗ trợ trào lưu Hồi giáo cực đoan trên khắp thế giới.

Cựu quan chức Liên hợp quốc nêu rõ: "Bất kỳ một "hiệp định" chính thức nào giữa Qatar với nhóm do Saudi Arabia dẫn đầu nhằm giảm sự ủng hộ đối với những phần tử Hồi giáo cực đoan được cho là cực kỳ "mơ hồ”. Họ có thể không tham gia nỗ lực nhằm ngăn chặn việc tài trợ cho các tổ chức khủng bố bởi cả hai bên đều là những người ủng hộ chính cho trào lưu Hồi giáo cực đoan".

Một khu chợ ở Qatar. Ảnh: asergeev.
Một khu chợ ở Qatar. (Ảnh: asergeev)

Bên cạnh đó, ông Paul nhắc lại rằng áp lực Mỹ tạo ra cho Qatar nhằm "trừng trị thẳng tay" những nhóm khủng bố Hồi giáo cũng có thể không được nghiêm túc thực thi vì Washington dưới thời của những tổng thống liên tiếp đã ngầm cho phép trang bị vũ khí và tài trợ những nhóm khủng bố này.

Các cường quốc "phương Tây", đặc biệt là Mỹ, đã không cho thấy một xu hướng nghiêm túc về việc ngăn chặn những chính sách này vốn luôn được áp dụng "song song" với chính sách của Mỹ.

Trước đó, ngày 11-7, Mỹ và Qatar đã ký thỏa thuận về chống khủng bố và ngăn chặn tài trợ cho khủng bố nhân chuyến thăm Doha của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.

Ngày 13-7, ông Tillerson quay trở lại Qatar trong 3 ngày để tham dự các cuộc họp với các quan chức hàng đầu của nước này. Chuyến công du này được thực hiện một ngày sau khi quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ đã hoàn tất các cuộc thảo luận với Quốc vương Saudi Arabia và các quan chức khác của các nước vùng Vịnh "tẩy chay" Qatar. Tuy nhiên, các chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ từ trước đến nay đều không dẫn đến bất kỳ dấu hiệu đột phá nào trong vụ tranh cãi ngày càng có hơi hướng "cực đoan" vốn chia rẽ các đồng minh Trung Đông quan trọng nhất của Mỹ.

Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.