Multimedia Đọc Báo in

Bước chuẩn bị thận trọng cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên

08:18, 21/04/2018

Chính quyền Mỹ đã có những hành động cụ thể để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới, một sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử trong quan hệ giữa hai quốc gia thù địch này.

Tổng thống Donald Trump vừa chính thức xác nhận hai chính phủ (Mỹ và Triều Tiên) đang thảo luận trực tiếp “ở cấp cực cao”, đồng thời thừa nhận có những bước tiến đặc biệt trong việc thiết lập một số kênh liên lạc thường xuyên nhất giữa hai nước trong nửa thế kỷ qua.

Ông Trump cũng cho biết đang xem xét 5 địa điểm có thể tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh. Cho dù Nhà Trắng ngay sau đó thông báo Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chưa nói chuyện trực tiếp với nhau, nhưng các cuộc tiếp xúc ở cấp cao nhất giữa hai nước đã được tiến hành. Việc người phát ngôn Nhà Trắng đưa ra thông báo trên cho thấy Washington đang rất thận trọng trong từng phát biểu về Bình Nhưỡng.

Tuyên bố trên của Nhà Trắng diễn ra gần như đồng thời với thông tin trên báo Washington Post cho hay Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đồng thời là Ngoại trưởng được đề cử Mike Pompeo đã tiến hành chuyến thăm bí mật đến Triều Tiên vào dịp lễ Phục sinh vừa qua và gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Có vẻ như Tổng thống Mỹ đang khẩn trương thực hiện những nỗ lực ngoại giao nhằm bảo đảm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch.

Những ngày này, dư luận quốc tế cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến các hoạt động ngoại giao con thoi giữa các quan chức Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc nhằm chuẩn bị “tốt nhất” cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều, dự kiến diễn ra vào ngày 27-4 tới, xa hơn là hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Nội dung nghị sự cũng như hình thức tổ chức các sự kiện đang được các bên cân nhắc, tính toán.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái)  và nhà  lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.  (Ảnh:  TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: TTXVN)

Trong khi nội dung nghị sự của hội nghị thượng đỉnh liên Triều vẫn đang được quan chức hai nước tiếp tục thảo luận, thì hình thức công khai cuộc gặp tới công chúng dường như đã được phía Hàn Quốc hoàn tất. Tờ Thời báo Hàn Quốc cho biết, Ủy ban chuẩn bị của Hàn Quốc cho cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ mở một trang web truyền hình trực tiếp cuộc gặp “lịch sử” này. Theo Thư ký báo chí của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Young Chan, trang web này gồm 9 thứ tiếng, bao gồm cả tiếng Việt, nhằm chia sẻ cả quá trình chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba này “theo một cách minh bạch và phản ánh tốt hơn mong muốn hòa bình của người dân”.

Giới chức Hàn Quốc và Mỹ cũng có nhiều hoạt động ngoại giao song phương nhằm chuẩn bị cho các cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Bên cạnh các cuộc gặp song phương trên, giới chức Nhật Bản và Trung Quốc, là hai quốc gia có ảnh hưởng nhiều trong vấn đề Triều Tiên, cũng có các chuyến thăm trao đổi. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã đến Mỹ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump và trong nội dung hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo bao gồm cả vấn đề Triều Tiên.

Trong lịch sử, Bình Nhưỡng và Washington từng nhiều lần nỗ lực đối thoại, song đều không đạt được kết quả như kỳ vọng. Tính đến nay, vẫn chưa có vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm nào từng gặp, hoặc đơn giản là gọi điện cho một nhà lãnh đạo Triều Tiên. Mới chỉ có hai cựu Tổng thống Mỹ đã làm điều này. Cựu Tổng thống Jimmy Carter từng gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành vào năm 1994 sau khi các cơ quan tình báo Mỹ cho biết Triều Tiên có thể đang xử lý plutonium để chế tạo vũ khí hạt nhân. Sau này vào năm 2009, ông Bill Clinton đã tới Triều Tiên gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-il trong chuyến đi nhằm đảm bảo việc trả tự do cho hai nhà báo Mỹ.

Thực tế trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump đã ngỏ ý sẵn sàng đàm phán trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un để thuyết phục Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân. Ông Trump cũng tuyên bố rằng ông là người sẵn sàng mạo hiểm làm những điều mà hai người tiền nhiệm George W. Bush và Barack Obama “không dám làm”. Tuy nhiên, trong năm đầu nhậm chức của ông Trump, Triều Tiên thử hàng loạt tên lửa với tầm phóng xa hơn, có thể đe dọa lãnh thổ Mỹ, cũng như thử hạt nhân lần thứ 6 và là vụ thử mạnh nhất từ trước đến nay của Bình Nhưỡng. Năm 2017 cũng là năm chứng kiến cuộc “khẩu chiến” giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, khi ông Trump dọa trút “hỏa lực và thịnh nộ” và “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên, còn Bình Nhưỡng cảnh báo đang lên kế hoạch tấn công đảo Guam - nơi Mỹ triển khai căn cứ không quân trọng yếu. Bởi vậy, việc hai bên nắm bắt cơ hội tạo ra từ những chuyển biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên thời gian qua, là động thái đáng khích lệ.

Vấn đề Triều Tiên luôn là bài toán không hề đơn giản với nước Mỹ và ngay cả những nhà quan sát dù lạc quan nhất cũng phải thận trọng trước khả năng đạt được một kết quả cụ thể nào đó trong cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều. Tuy nhiên, việc đồng ý đối thoại thượng đỉnh với Triều Tiên đã là một bước tiến lớn trong quan hệ giữa hai nước.

Tuy nhiên, đây chỉ được coi là những bước tiến ban đầu, còn thành công của cuộc gặp thì vẫn khó đoán định. Việc Mỹ tuyên bố không bao giờ từ bỏ quyết tâm buộc Bình Nhưỡng xóa bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân sẽ là trở ngại lớn nhất của ông Trump. Bản thân ông Mike Pompeo dù tỏ ra lạc quan rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới sẽ có thành quả nào đó, song cũng nhấn mạnh rằng cả Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đều không nên ảo tưởng sẽ đạt được một thỏa thuận toàn diện cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Việc hình dung hay dự đoán về những kết quả đạt được là một việc không hề đơn giản bởi các chuyên gia về chính sách đối ngoại cho rằng gần như tất cả đều không tin nhà lãnh đạo Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân, trong khi vẫn chưa rõ Tổng thống Trump có thể đưa gì lên bàn đàm phán để thuyết phục Bình Nhưỡng.

Có thể thấy, sau những gì diễn ra trong năm ngoái thì mức độ nghi ngờ lẫn nhau giữa Mỹ và Triều Tiên hiện vẫn còn rất nặng nề và hiện tại cả hai bên đều chưa thể làm cho đối phương thật sự tin tưởng vào thiện chí và sự thành tâm của mình. Tuy vậy, những bước chuẩn bị thận trọng cho cuộc gặp lịch sử sắp tới cho thấy dường như hai bên đang nỗ lực để tận dụng cơ hội này, ít ra là để có thể tạo “bước ngoặt” đầu tiên trong quan hệ vốn không hề phẳng lặng giữa Mỹ và Triều  Tiên.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.