Multimedia Đọc Báo in

Những khó khăn trên chặng đường đạt tới Mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ em

16:49, 01/12/2012

Theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, nhu cầu tối thiểu về Làm mẹ an toàn/Chăm sóc sơ sinh (LMAT/CSSS) cần đạt mức trung bình 4,5 USD/thai phụ, tuy nhiên ở Việt Nam, mức chi phí trung bình cho toàn bộ công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) mới chỉ đạt 1,5 USD, nếu tính cả các nguồn viện trợ khác cũng chỉ đạt 2 USD.

Thông tin này được ông Hoàng Anh Tuấn, Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) đưa ra tại Hội nghị quốc gia "Đánh giá thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về y tế và đáp ứng của Việt Nam đối với Chiến lược toàn cầu về sức khoẻ phụ nữ và trẻ em" diễn ra mới đây. Điều này phản ánh một trong những khó khăn, thách thức còn tồn tại sau 2/3 chặng đường vươn tới Mục tiêu Thiên niên kỷ về Giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh (MDG4 & MDG5) của Việt Nam. Từ năm 2008, dự án CSSKSS mới chính thức trở thành một trong những dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế với tổng mức ngân sách dành cho cả giai đoạn 2008-2010 là 68 tỷ. Trong năm 2011, Dự án được phân bổ 45 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, tuy nhiên số kinh phí này vẫn còn rất thấp so với nhu cầu thực tế. Với nguồn ngân sách đầu tư còn hạn chế như vậy nên đến nay, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em không thể triển khai toàn diện trên toàn quốc mà chỉ tập trung vào nhóm hoạt động đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ tuyến cơ sở của các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Ông Tuấn cũng cho biết, tuy tỷ suất tử vong mẹ và tử vong trẻ em đã giảm đáng kể trong vòng hai thập kỷ qua nhưng tốc độ giảm và xu hướng giảm đang chậm lại trong những năm gần đây. Đặc biệt, vẫn còn sự khác biệt lớn giữa các vùng miền. Kết quả các cuộc tổng điều tra dân số cho thấy, tỷ suất tử vong mẹ còn cao ở các khu vực miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số. Các yếu tố về địa lý, trình độ học vấn của bà mẹ và phong tục tập quán ở vùng sâu, vùng xa chính là nguyên nhân cản trở họ tiếp cận các dịch vụ CSSKSS. Tử vong trẻ em dưới 1 tuổi cũng có sự khác biệt lớn giữa nông thôn và thành thị với mức chênh lệch khoảng 2 lần. Tử vong sơ sinh còn cao, chiếm tới 70% tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và 50% tử vong trẻ em dưới 5 tuổi.  Ngoài khó khăn về kinh phí, mặt bằng dân trí, thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực  tại các tuyến cũng là một trong những thách thức đặt ra trong quá trình vươn tới MDG4 và MDG5. Đặc biệt, đối với nhi khoa, tại một số nơi thậm chí còn thiếu cả những trang thiết bị thiết yếu như bộ đặt nội khí quản, hệ thống CPAP, dụng cụ ủ ấm, lồng ấp, máy đo nồng độ ôxy… Ở tuyến xã, tỷ lệ xã có đủ bộ hồi sức sơ sinh thiết yếu còn chưa đến 20% và chỉ có 39% có phòng đẻ riêng.

Thiếu thốn Thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị đã đặt ra không ít khó  khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em
Thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị đã đặt ra không ít khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Ảnh minh họa

Chỉ còn 3 năm là đến thời điểm Việt Nam cần đạt được các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Mặc dù công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã đạt được rất nhiều tiến bộ trong thời gian qua, song trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Nhằm giải quyết những vấn đề này, Vụ Sức khỏe – Bà mẹ và Trẻ em cũng đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp triển khai thực hiện như: tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng nhân lực sản phụ khoa và nhi khoa; bảo đảm các chế độ chính sách; giảm quá tải cho các cơ sở khám, chữa bệnh sản phụ khoa và nhi khoa; tăng cường ngân sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc thiết yếu, khoa học và công nghệ; đổi mới cơ chế tài chính, phương thức chi trả dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường hệ thống thông tin y tế…

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, việc triển khai đồng bộ các giải pháp từ chủ trương, chính sách đến đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, truyền thông thay đổi hành vi, ứng dụng khoa học công nghệ cùng các giải pháp chuyên môn kỹ thuật sẽ góp phần làm cho tình trạng sức khỏe bà mẹ trẻ em Việt Nam ngày càng được cải thiện. Để làm được điều này, cần có sự hợp tác đa ngành, sự gắn kết chặt chẽ nội ngành Y tế Việt Nam nói riêng và Chính phủ Việt Nam nói chung nhằm giải quyết những khó khăn, thách thức còn tồn tại để đạt được những Mục tiêu Thiên niên kỷ liên quan đến y tế vào năm 2015.

K.O (nguồn website ĐCSVN)
 


Ý kiến bạn đọc