Multimedia Đọc Báo in

Điều trị lao kháng đa thuốc: Cần xóa bỏ sự mặc cảm từ người bệnh

14:08, 16/04/2017

Bệnh lao kháng đa thuốc có khả năng chữa khỏi rất cao nếu người bệnh tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Tuy nhiên, trên thực tế liệu trình điều trị lao kháng đa thuốc phải kéo dài, hơn nữa tâm lý mặc cảm của người bệnh vẫn nặng nề, nên để giải quyết căn bệnh này gặp không ít khó khăn…

Khi được bác sĩ cho biết mình đã mắc bệnh lao, anh Lương Văn D., ở đội 3, thôn Tan An, xã Ea Tam, huyện Krông Năng không mấy quan tâm và xem nhẹ việc tuân thủ điều trị đúng phác đồ. Chỉ khi nào thấy mệt mỏi, ho nhiều anh mới đến trạm y tế để khám bệnh và lấy thuốc về uống, khi cơ thể khỏe trở lại và các triệu trứng giảm bớt, anh D. lại tự ý “quên” uống thuốc. Việc uống thuốc không đều đặn, không đúng liều khiến cho bệnh lao của anh D. dần trở nặng và chuyển sang thể lao kháng thuốc. Giờ đây, ngày ngày phải điều trị ở khoa Nội 3, hạn chế tiếp xúc với mọi người, anh D. mới thấy ân hận: “Khi mới mắc bệnh, một phần tôi không hiểu nhiều về bệnh, một phần thì e ngại mọi người nên thường giấu bệnh, chủ quan không uống thuốc đúng giờ, đúng liều. Bây giờ bệnh trở nặng, sức khỏe giảm sút nhiều, tôi đã không lao động được, trong nhà lại mất thêm một người đi theo nuôi bệnh. Giá như trước đây tôi nghe lời bác sĩ thì đâu đến nông nỗi này”.

Bệnh nhân Lương Văn D. đang điều trị tại khoa Nội 3, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh.
Bệnh nhân Lương Văn D. đang điều trị tại khoa Nội 3, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh.

Anh D. chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp mắc lao thường chuyển sang lao kháng đa thuốc do sự bất cẩn của bản thân. Theo bác sĩ CKI Nguyễn Kim Mỹ, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, lao kháng đa thuốc là bệnh lao đã kháng lại với ít nhất 2 loại thuốc là Isoniazid và Rifampicin - 2 loại thuốc chống lao mạnh nhất. Nguyên nhân gây ra lao kháng đa thuốc là do việc tuân thủ điều trị không tốt của bệnh nhân lao. Trên thực tế, do tâm lý mặc cảm, giấu bệnh hoặc thiếu hiểu biết, nhiều bệnh nhân lao tự ý ngưng dùng thuốc lao hay dùng thuốc không đúng và không đầy đủ. Ngoài ra, một số bệnh nhân vì không vượt qua được những tác dụng phụ của thuốc trong quá trình điều trị nên tự bỏ trị nửa chừng… Những trường hợp này đều tạo cơ hội cho vi trùng lao trở nên kháng thuốc, mức độ nặng sẽ là “lao đa kháng thuốc” hoặc “lao siêu kháng thuốc”…

Để tránh lây bệnh lao cho gia đình và cộng đồng, các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi phát hiện lao cần điều trị thì bệnh nhân phải tuân thủ đầy đủ chế độ uống thuốc. Trong quá trình điều trị mà về sinh hoạt với gia đình, không được sử dụng chung dụng cụ ăn uống, dụng cụ sinh hoạt, nên có một phòng riêng thoáng gió và đủ ánh sáng. Khi khạc nhổ phải có dụng cụ riêng để khạc đờm rồi đem hủy, rửa tay với xà phòng sau khạc nhổ và hủy dụng cụ. Ăn uống phải có chế độ tách riêng với gia đình. 

Từ cuối năm 2015, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh đã xây dựng và đưa đơn nguyên điều trị lao kháng đa thuốc (khoa Nội 3) vào hoạt động. Đến nay, đơn nguyên này đã tiếp nhận điều trị cho 46 trường hợp lao kháng đa thuốc, trong đó có 2 trường hợp đã tử vong, 2 trường hợp bỏ trị và 42 trường hợp đang quản lý, điều trị. Bác sĩ Y Quốc A Yun, Phó Trưởng khoa Nội 3 cho biết, trong số các bệnh nhân lao kháng đa thuốc mà khoa đang quản lý, có 8 trường hợp điều trị tích cực, số còn lại tuy không bỏ trị nhưng cũng không tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Nguyên nhân phần lớn là do tâm lý mặc cảm, tự ti, giấu bệnh của người bệnh.

Phải khẳng định, so với lao thường, mắc lao kháng đa thuốc mức độ nguy hiểm tăng gấp rất nhiều lần. Bởi, vi khuẩn lao kháng lại nhiều loại thuốc chống lao khiến nguy cơ tử vong cao. Hơn nữa, thời gian điều trị lao kháng đa thuốc kéo dài từ 19-24 tháng, chi phí điều trị tốn kém, quá trình dùng thuốc thuốc lại có nhiều tác dụng phụ khiến cuộc sống của người bệnh khó khăn gấp bội. Không những thế, khi mắc lao kháng đa thuốc không được phát hiện sớm và điều trị triệt để, bệnh nhân lao kháng thuốc có thể trở thành “tác nhân” lây truyền vi khuẩn lao kháng thuốc cho những người xung quanh, gây nên hậu quả nặng nề cho xã hội. Thiết nghĩ, để hạn chế vi khuẩn lao kháng thuốc, người bệnh phải tuyệt đối chấp hành chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa và điều trị đúng phác đồ, dẹp bỏ sự mặc cảm, tự ti. Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh, cần tích cực phối hợp với bệnh viện chuyên khoa trong việc phát hiện lao kháng thuốc, giúp bệnh nhân biết bệnh để điều trị, từng bước hạn chế, khống chế nguồn lây trong cộng đồng.

 Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc