Multimedia Đọc Báo in

Vệ sinh mắt đúng cách sau khi mổ đục thủy tinh thể

09:01, 04/06/2017

Thủy tinh thể là một thấu kính trong suốt, giúp ánh sáng hội tụ được đúng trên võng mạc. Thủy tinh thể chỉ đạt được hiệu quả làm việc tối ưu khi nó còn độ trong suốt và các độ dày, mặt cong nằm trong giới hạn sinh lý. Bất kỳ nguyên nhân nào làm thủy tinh thể bị mờ đục gây tán xạ ánh sáng đều làm thị lực suy giảm.

Có rất nhiều nguyên nhân gây đục thể thủy tinh như  do tuổi già, do di truyền, môi trường, tia tử ngoại, tiểu đường, hút thuốc lá… Theo báo cáo của Chương trình quốc gia phòng chống mù lòa giai đoạn 2010 – 2013, đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, chiếm 66% số người mù trên toàn quốc. Trong đó, nguy cơ cao nhất gây đục thủy tinh thể là do tuổi tác, dưới tác động của quá trình lão hóa tự nhiên.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới, mắt mù là mắt không thể đếm đúng số ngón tay xòe ra ở khoảng cách 3 mét. Người mù là người có cả hai mắt đều mù. Ở nước ta, ít nhất 80% số người mù là do các bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn hoặc có thể chặn đứng không để tiến triển đến khi gây mù. Ở người lớn tuổi, bệnh đục thể thủy tinh, còn gọi là cườm khô hay đục nhân mắt là thủ phạm gây mất thị lực ở 2/3 số người mù.

Mổ thay thủy tinh thể là phương pháp  điều trị bệnh đục thủy tinh thể nhằm giúp người bệnh tìm lại ánh sáng khi bị giảm thị lực nghiêm trọng. Hiện nay, phương pháp này được thực hiện khá an toàn, tiến hành nhanh chóng và đem lại hiệu quả cao cho người bệnh. Tuy nhiên, sau khi mổ đục thủy tinh thể, bệnh nhân cần vệ sinh mắt đúng cách theo sự chỉ dẫn của bác sĩ nhằm tránh các biến chứng xảy ra gây ảnh hưởng đến mắt. Như trường hợp bà Vũ Thị Dinh (trú xã Cư Yang, huyện Ea Kar), sau khi mổ đục thủy tinh thể về nhà vào đúng ngày mùa, bà đã không tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ là nghỉ ngơi mà lại đi phơi lúa, dọn dẹp chuồng gà. Hậu quả, mắt vừa mổ đục thủy tinh thể của bà bị ngứa, sưng đỏ và không ngừng chảy nước mắt khiến bà rất khó chịu. Tuy nhiên, do chủ quan, cho rằng mắt mới mổ nên có những triệu chứng như thế, khi không thể mở mắt được thì bà mới đi tái khám. Kết quả là mắt của bà Dinh đã bị viêm nặng, có nguy cơ hỏng giác mạc.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Hồ Thị Thơm, Khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh), sau khi mổ đục thủy tinh thể, bệnh nhân cần tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ. Trước khi nhỏ thuốc cần vệ sinh tay sạch sẽ, không lấy tay dụi mắt. Không để nước bẩn, bụi bặm văng vào mắt, không mang vác nặng, không bế trẻ em từ 2 - 4 tuần. Ăn nhiều rau xanh và trái cây, tránh bị táo bón. Cũng theo bác sĩ Thơm, nếu sau mổ đục thủy tinh thể, bệnh nhân không tuân thủ chế độ vệ sinh mắt đúng có thể làm mắt bị nhiễm trùng. Khi thấy mắt có biểu hiện đau nhức, chảy nước mắt nhiều cần nhanh chóng tái khám để được bác sĩ xử trí kịp thời.

  Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.