Multimedia Đọc Báo in

Khám thai định kỳ để đề phòng biến chứng tiền sản giật

14:19, 15/12/2017
Tiền sản giật (còn gọi là nhiễm độc thai nghén) là một rối loạn nghiêm trọng thường phát triển sau tuần 20 của thai kỳ, được biểu hiện bởi huyết áp cao và mức độ protein trong nước tiểu tăng.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản tỉnh cho biết: "Tiền sản giật thường xuất hiện ở phụ nữ mang thai lần đầu; phụ nữ mang thai có tiền sử cao huyết áp; thừa cân hoặc béo phì trong thai kỳ; thiếu dinh dưỡng khi mang thai; phụ nữ song thai hoặc đa thai; phụ nữ mang thai trên 35 tuổi, có tăng huyết áp trước khi mang thai hoặc mắc bệnh tiểu đường và những phụ nữ có những bệnh lý kèm theo như bệnh lý ở thận, răng, miệng... Tiền sản giật cũng có liên quan đến những bất thường của nhau thai như nhau quá lớn, nhau quá bé hoặc những vị trí nhau bám bất thường vào lòng tử cung. Bên cạnh đó, tiền sản giật cũng liên quan đến bệnh lý khi mang thai như thai trứng, nhau và thai nhi bất thường".

Dấu hiệu phổ biến để nhận biết tiền sản giật là chân, tay, ngón chân, mặt của thai phụ sưng phù (phù nề) một cách nghiêm trọng. Những cơn đau đầu nặng và dai dẳng, đau bụng dữ dội kèm với đau lưng, rối loạn thị giác, nhìn mờ, hoa mắt...

Biến chứng của tiền sản giật gây ra những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi như gây chậm phát triển ở thai, thai chết lưu, tổn thương nghiêm trọng ở gan, thận của sản phụ, tai biến mạch máu não ở sản phụ, chảy máu nhiều gây tử vong cho sản phụ và thai nhi... Đa số các trường hợp tiền sản giật trong thai kỳ chỉ được phát hiện khi kiểm tra nước tiểu và huyết áp trước khi sinh.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa lưu ý, hiện nay tiền sản giật chưa được xác định rõ nguyên nhân. Vì vậy, để phòng ngừa tai biến sản giật xảy ra, phụ nữ mang thai cần thực hiện các biện pháp như: sinh con ở độ tuổi từ 20 - 35 tuổi; thực hiện chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý; nên ăn nhạt để tốt cho tim mạch và hạn chế sưng phù; nên nằm nghiêng để máu truyền qua thai nhi dễ dàng hơn; nên khám thai định kỳ từ 7-8 lần để phát hiện sớm những dấu hiệu nguy hiểm của bệnh tiền sản giật. Đối với thai phụ có bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, tiểu đường, cần thường xuyên kiểm tra huyết áp, đường huyết, đạm trong nước tiểu và theo dõi chặt chẽ diễn biến của thể trạng; thông báo kịp thời những dấu hiệu bất thường với bác sĩ để theo dõi và được điều trị sớm.                                                            

Liên Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.