Multimedia Đọc Báo in

Hút thuốc lá, tăng nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp

08:12, 05/06/2020

Các bệnh lý về đường hô hấp là một trong những nhóm bệnh lý nguy hiểm hàng đầu. Thói quen hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ra 25 căn bệnh nguy hiểm cho cả người hút và cả những người không hút nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có 7 triệu người chết do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm do các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Đến năm 2030, nếu không có những biện pháp can thiệp phù hợp thì sẽ tăng lên đến 70.000 ca tử vong do thuốc lá mỗi năm.

Bệnh nhân đang điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh.
Bệnh nhân đang điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh.

Theo các bác sĩ chuyên khoa hô hấp, trong quá trình hô hấp bình thường, không khí sẽ vào mũi và được lọc, sưởi ấm cũng như làm ẩm trước khi đi qua khí quản để vào phổi. Tuy nhiên, đối với những người hút thuốc lá, khói thuốc sẽ đi thẳng vào phổi thông qua đường miệng mà không được lọc sạch khí ở mũi. Khói thuốc lá sẽ làm tắc các tuyến nhầy, làm giảm khả năng bài tiết đờm và đưa đờm ra khỏi đường hô hấp (do hệ thống lông chuyển ở các cơ quan hô hấp của người hút thuốc bị liệt, thậm chí bị phá hủy). Hậu quả cuối cùng là chất nhầy ở những người hút thuốc bị nhiễm bởi các chất độc hại và bị giữ lại nhiều trong tổ chức phổi, cản trở sự lưu thông trao đổi khí.

Đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Đắk Lắk vì mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ông Đinh Văn Hải (trú phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, tính đến thời điểm phát hiện mình mắc bệnh COPD, ông đã có “thâm niên” hút thuốc hơn 30 năm. Mấy năm gần đây ông thường xuyên khó thở, tức ngực, ho nên mới đi khám. Kể từ đó ông ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Bác sĩ cho biết ông sẽ phải sống chung với căn bệnh COPD đến hết phần đời còn lại, nếu tiếp tục hút thuốc thì tình hình bệnh sẽ ngày càng nặng hơn.

Thói quen hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về đường hô hấp, khoảng 90% người bị bệnh ung thư phổi và 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có tiền sử liên quan đến thuốc lá.

Không riêng gì ông Hải mà đa số bệnh nhân mắc bệnh COPD tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh cũng đều liên quan đến thuốc lá. Hút thuốc lá đã được chứng minh là nguyên nhân làm trầm trọng các vấn đề hô hấp như viêm phổi, hen, tổn thương phế quản và phế nang, làm hạn chế phát triển chức năng phổi ở trẻ em và suy giảm chức năng phổi ở người lớn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong do bệnh COPD, ung thư phổi, thanh quản... và làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể.

Bác sĩ CKI Rmah Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh biết: “Thói quen hút thuốc lá làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, làm tăng số lần mắc bệnh và làm tình trạng nhiễm khuẩn nặng hơn. Nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cấp tính ở người khỏe mạnh hút thuốc cao hơn người không hút thuốc từ 1,5 - 7 lần. So với nhóm không hút thuốc, tỷ lệ chết do lao hô hấp ở nhóm hút thuốc lá cao hơn 3 - 5 lần, tỷ lệ chết do cúm và viêm phổi cao hơn từ 1,4 - 2,6 lần. Riêng bệnh nhân đang điều trị bệnh COPD tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh thì 100% các ca bệnh đều có tiền sử liên quan đến thuốc lá”. Cũng theo bác sĩ Rmah Lương, nguy cơ mắc các bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra giảm đáng kể khi ngừng hút thuốc. Với hầu hết những người bỏ thuốc sau 5 năm thì nguy cơ bị các bệnh giảm bằng so với những người không hút thuốc. Đối với trường hợp có vấn đề về đường hô hấp khi bỏ thuốc chức năng của phổi sẽ được cải thiện, giảm thiểu rủi ro mắc bệnh tim mạch, giúp ăn ngon miệng, cải thiện thị lực và trí nhớ… Khi bỏ được thuốc lá, người bỏ thuốc sẽ có sức khỏe tốt hơn và những người thân trong gia đình cũng sẽ khỏe mạnh do không bị hút thuốc lá thụ động.

Võ Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.