Multimedia Đọc Báo in

Cần hiểu đúng về nguy cơ lây nhiễm HIV với "cặp đôi bất xứng"

10:09, 12/07/2020

Vi rút HIV lây nhiễm qua 3 con đường: đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Tuy nhiên, quan niệm cho rằng cứ có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV là sẽ bị nhiễm HIV lại là một quan niệm sai lầm. Đây là nỗi khổ của những người được gọi chung là “bạn tình âm tính” của bệnh nhân HIV.

“Bạn tình âm tính” là cụm từ dùng để chỉ những người chưa nhiễm HIV có quan hệ tình cảm và tình dục lâu dài với người nhiễm HIV, chẳng hạn vợ chồng hay người yêu. Thuật ngữ chuyên môn gọi các trường hợp như vậy là “cặp đôi bất xứng” hay “dị nhiễm”. Hiện tượng này khá phổ biến hiện nay trong cộng đồng.

HIV là vi rút lây nhiễm với tỷ lệ nhất định tương ứng từng hành vi nguy cơ cụ thể. Theo thống kê của Cơ quan quản lý bệnh tật Mỹ, khả năng lây nhiễm HIV sau một lần có hành vi quan hệ tình dục không bảo vệ với người nhiễm HIV: Qua đường âm đạo là 0,08% cho nữ và 0,04% cho nam; qua đường hậu môn có tỷ lệ lây cao hơn với 0,11% với người cho và 1,38% ở người nhận.

Theo các chuyên gia, ước tính nguy cơ lây nhiễm HIV tích lũy sau 2 năm trên một cặp đôi bất xứng - dị nhiễm vào khoảng 15%. Nói cách khác, một phụ nữ có chồng nhiễm HIV nếu duy trì đời sống tình dục bình thường thì nguy cơ bị lây bệnh khoảng 15% sau 2 năm chung sống. Bên cạnh đó, còn rất nhiều yếu tố làm thay đổi khả năng lây nhiễm HIV như tần suất quan hệ, diện tiếp xúc trong quá trình quan hệ tình dục (nữ dễ nhiễm hơn nam), thói quen sử dụng bao cao su, xuất tinh trong hay ngoài âm đạo, giai đoạn bệnh của người nhiễm, có mắc các bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục khác không, đặc biệt là việc tuân thủ điều trị kháng vi rút bằng ARV ở người có vi rút HIV.

Cán bộ Khoa Phòng, chống HIV/AIDS thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn cặp bạn tình xét nghiệp HIV.
Cán bộ Khoa Phòng, chống HIV/AIDS thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn cặp bạn tình xét nghiệp HIV.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh khi được điều trị ARV ức chế số lượng vi rút HIV dưới ngưỡng phát hiện 200 bản sao/ml máu thì người nhiễm HIV sẽ không lây truyền vi rút cho bạn tình dù quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ. Điều trị bằng thuốc ARV đạt mục tiêu khống chế tải lượng vi rút giúp giảm nguy cơ lây nhiễm qua đường tình dục đến 96%. Nếu người nhiễm HIV tuân thủ điều trị tốt và xét nghiệm định kỳ có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện thì khả năng lây nhiễm qua quan hệ tình dục bằng không. Điều này đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu khoa học đối với các cặp đôi có hành vi quan hệ tình dục giữa người nhiễm và không nhiễm. Ngoài ra, tuân thủ điều trị ARV và đạt được ức chế vi rút làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con và cho con bú sữa mẹ.

Không ít phụ nữ bị cộng đồng kỳ thị, xa lánh sau khi chồng nhiễm HIV qua đời. Một số chị em bị nhà chồng hắt hủi, không cho tiếp xúc với con bất chấp họ cố thuyết phục là mình không bị nhiễm. Tất cả kỳ thị và phân biệt đối xử như trên đều xuất phát từ quan điểm sai lầm “đã quan hệ với người bệnh HIV thì chắc chắn nhiễm theo”.

Theo số liệu tính đến ngày 20-6-2020, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hiện đang quản lý và điều trị cho 429 bệnh nhân nhiễm HIV, trong đó tỷ lệ cặp vợ chồng, bạn tình bất xứng - dị nhiễm là 56,41% (242/429); chồng nhiễm HIV (nam nhiễm) nhưng vợ (bạn tình nữ) không nhiễm chiếm tỷ lệ 73,2%; vợ nhiễm (nữ nhiễm) nhưng chồng (bạn tình nam) không nhiễm chiếm tỷ lệ 29,2%. Phần lớn các trường hợp người vợ nhiễm HIV là do bị lây nhiễm từ chồng và có chồng đã chết vì HIV.

Biết về tình dục không an toàn có thể gây lây nhiễm HIV/AIDS nhằm nhắc nhở mọi người về một mối quan hệ chắc chắn, an toàn là cần thiết. Nhưng cần hiểu thêm về tỷ lệ lây nhiễm để cảm thông với những người vợ có chồng bị nhiễm HIV, người nhiễm HIV có quyền quan hệ tình dục và yêu giống như những người khác. Ngày nay, nhờ tiến bộ của khoa học, bị nhiễm HIV không còn là án tử hình nữa; chính sự kỳ thị của những người xung quanh mới chính là điều gây khó khăn, tạo nên mặc cảm cho người bệnh hoặc những người liên quan.

Hãy sẵn sàng chia sẻ, thảo luận với nhân viên y tế về những lo lắng và mối quan tâm về tình dục an toàn khi nhiễm HIV. Nếu nghi ngờ phơi nhiễm HIV hãy đến các phòng tư vấn, cơ sở điều trị HIV/AIDS sẽ được tư vấn, xét nghiệm, điều trị sớm bằng các thuốc kháng HIV ngay từ đầu nhằm giảm tỷ lệ nhiễm HIV dưới ngưỡng ức chế để không thể lây nhiễm cho chồng, vợ hoặc bạn tình của mình.

Nguyễn Công Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.